Bước chân không mỏi
Cách trung tâm xã Môn Sơn, huyện Con Cuông chừng 20km nhưng cả hai bản Cò Phạt và bản Bủng của người Đan Lai (nhóm địa phương thuộc dân tộc Thổ) như thuộc về một thế giới hoàn toàn khác. Thế nên, mỗi chuyến vào bản vận động học trò trở lại trường luôn là những chuyến đi đầy cảm xúc đối với giáo viên.
Thầy Lộc Huy Du, giáo viên Trường THCS Môn Sơn (Con Cuông) kể: Khoảng 10 năm trước, muốn vào đến bản của người Đan Lai chỉ có cách đi thuyền vượt sông Giăng. Nhưng gặp bữa nước cạn, chúng tôi phải lội bộ hàng chục km mới đến nơi. Nay đã có đường bộ nhưng là con đường đất, dốc dựng đứng, lởm chởm đá và phải đi xe máy ngót 3 giờ đồng hồ.
Suốt những ngày hè, học sinh các bản làng vùng cao theo bố mẹ lên rẫy, dù thầy, cô đã dặn dò kỹ ngày trở lại trường học nhưng nhiều em vẫn quên. Trên những nẻo đường vận động học trò trở lại trường, các thầy, cô đã gặp bao tình huống dở khóc dở cười. Thầy Du nhớ lại: Cách đây 5 năm, mấy thầy, cô trong trường vào các bản của người Đan Lai vận động học sinh đi học. Có em đồng ý xếp quần áo, sách vở đi theo, khi thuyền xa bến chừng 20m, học sinh ấy nhảy tòm xuống sông bơi ngược trở lại rồi trốn biệt khiến cả đoàn ngơ ngác.
Có một thực tế, không ít gia đình, bố mẹ lên rẫy đưa luôn cả con đi cùng; hoặc bố mẹ đi vắng triền miên để lại con cùng ông bà nên việc vận động gặp nhiều khó khăn. Mới học lớp 6, các em đã trở thành lao động trong gia đình. Vì vậy, ngoài việc tìm và đưa học sinh về trường, giáo viên phải làm công tác tư tưởng với phụ huynh.
Thầy Nguyễn Trọng Minh, Hiệu trưởng Trường PTDTBT THCS Thạch Ngàn (Con Cuông) vẫn còn nhớ như in những lần cùng đồng nghiệp vào tận các bản vùng sâu để gọi trò đến trường trước thềm năm học mới. Thầy Minh tâm sự: Ngày nắng còn đỡ, ngày mưa vất vả trăm bề. Thế nhưng, chưa ai từ chối nhiệm vụ vận động học sinh trở lại trường.
Những bữa cơm níu giữ học trò
Song song với việc tuyên truyền, vận động học trò trở lại lớp, thầy cô các trường còn nỗ lực bằng nhiều cách để giữ chân trò, không để trò bỏ học giữa chừng. Tình trạng nhiều học sinh đồng ý ra học một thời gian rồi bỏ về nhà đang đặt ra nhiều trăn trở. Nguyên nhân là do gia đình các em muốn các em ở nhà để có thêm lao động phụ việc. Nhiều em gia đình khó khăn nên khó đáp ứng trong thời gian trọ học xa nhà. Mặt khác, đa phần học sinh người DTTS rụt rè, ngại tiếp xúc, học lực yếu, không theo kịp bạn bè nên tự ti, mặc cảm dẫn tới bỏ học.
Với phương châm “khó đâu gỡ đấy”, một loạt các biện pháp, cách thức đã được các trường áp dụng để níu chân trò. Trước hết, nắm bắt tâm tư của trò được các thầy, cô đặt lên hàng đầu. Việc gần gũi, thân tình của thầy, cô đã xóa dần khoảng cách, xóa mờ tự ti, mặc cảm ở các em. Nhiều cô cậu học trò nhút nhát, ngại ngùng giờ đã hòa nhập nhanh chóng với môi trường nội trú.
Đồng thời, nhiều trường dù chưa được công nhận là trường bán trú nhưng đã huy động đóng góp từ giáo viên, từ xã hội hóa… để nấu bữa ăn trưa miễn phí tại trường cho trò nghèo, những trò ở xa rất hiệu quả.
Bên cạnh bữa ăn, việc giảng dạy cũng đã được các trường thực hiện sát đúng năng lực mỗi em; các hoạt động ngoại khóa đã được tổ chức tốt hơn, hấp dẫn hơn để các trò thêm yêu trường lớp. Ngoài ra, các giáo viên chủ nhiệm còn phối hợp chặt chẽ với địa phương, gia đình trong quản lý học sinh… Bằng tình yêu thương và nỗ lực không mệt mỏi, các thầy cô đã kiên trì thắp lên “ngọn lửa” tri thức cho học trò nghèo nơi vùng cao xứ Nghệ.