Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

“Trường học nông trại” trên đỉnh Tà Mung

Hoài Dương – Thuỳ Giang - 15:18, 19/05/2020

Từ một ngôi trường thiếu nước sinh hoạt, sau những nỗ lực đưa nước về trường của thầy cô, năm 2015, mô hình “Trường học nông trại” của Trường Phổ thông Dân tộc bán trú - Trung học cơ sở (PTDTBT- THCS) xã Tà Mung, huyện Than Uyên (Lai Châu) đã chính thức được triển khai. Mô hình không chỉ bảo đảm nguồn thực phẩm sạch, tăng cường cải thiện bữa ăn mà còn góp phần tạo môi trường giáo dục kỹ năng sống cho học sinh vùng cao.

Các em học sinh Trường PTDTBT – THCS Tà Mung chăm sóc vườn rau sau mỗi buổi chiều tan học
Các em học sinh Trường PTDTBT – THCS Tà Mung chăm sóc vườn rau sau mỗi buổi chiều tan học

Trường PTDTBT - THCS Tà Mung, xã Tà Mung nằm trên độ cao hơn 1.300m so với mực nước biển, quanh năm sương mù bao phủ. Năm học 2019 -2020, Trường PTDTBT – THCS Tà Mung có 378 học sinh, trong đó có 266 em thực hiện bán trú tại trường, chủ yếu là các em dân tộc Mông.

Trước đây, một năm thì phải có đến 6 tháng nhà trường thiếu nước sinh hoạt. Để có nước dùng, vào mùa mưa, các thầy cô phải hứng nước mưa dùng tiết kiệm qua mùa. Còn mùa khô, sau mỗi chiều tan lớp, thầy trò nhà trường lại tay xách, nách mang can, xô, thùng “rồng rắn” cuốc bộ gần chục cây số vào khe núi để lấy nước về dùng.

Theo lời kể của thầy Bùi Duy Nam, Hiệu trưởng nhà trường: “Thời điểm cách đây gần chục năm, theo chế độ các em học sinh bán trú được Nhà nước trợ cấp mỗi tháng 40% lương cơ bản, tương đương khoảng 450.000 đồng/tháng/học sinh. Cùng với nguồn gạo hỗ trợ của gia đình thì thầy trò không lo đói, nhưng lại thiếu rau xanh trong mỗi bữa ăn. Bởi lẽ đó, mỗi dịp cuối tuần về nhà, khi trở lại trường, các em còn phải mang thêm rau đến trường.

Trước tình cảnh đó, thầy cô giáo trong trường đã tổ chức họp bàn, đưa ra giải pháp kéo nước về trường để trồng rau xanh, cải thiện bữa ăn cho các em.

Tháng 10/2013, Nhà trường đã khảo sát thực địa, tìm nguồn nước ổn định để đưa nước về trường. Chỉ sau 2 tuần, với chi phí khoảng 10 triệu đồng, Nhà trường đã lắp đặt được 1.000m đường ống dẫn nước và 1 bể chứa nước với hơn 2 khối.

Có đất, có nguồn nước, cùng với nhân lực đủ đầy, thầy và trò nhà trường nhanh chóng cải tạo khu đất trồng rau xanh. Đến năm 2015, thầy trò nhà trường bắt đầu lên ý tưởng xây dựng mô hình “Trường học nông trại” để vừa bảo đảm nguồn thực phẩm sạch, vừa là môi trường học tập và rèn luyện cho học sinh.

Thầy Nam chia sẻ: “Chỉ sau một thời gian ngắn, bắt đầu từ những luống rau xanh, rồi đến hệ thống chuồng trại, ao cá cũng được thiết kế và hình thành. Đến nay, mô hình đã có 7 con lợn thành phẩm, hơn 200 con vịt, 100 con gà, trên 12.000m2 rau sạch, với đầy đủ các loại rau như: Bắp cải, su hào, cải canh…; trên 13.000m2 mặt ao, mỗi năm cho thu hoạch trên 10 tấn cá các loại”.

Nhìn đôi bàn tay đang thoăn thoắt chăm sóc những luống rau xanh, cẩn thận cắt những ngọn cỏ non bỏ vào bao, em Đèo Thị Xuân, dân tộc Thái, học sinh lớp 8A1 chia sẻ: Hôm nay đến lịch của Tổ em cắt cỏ cho cá ăn, cỏ cắt cũng phải đúng kỹ thuật để sau đợt cắt thì lứa sau lên đều và xanh tốt hơn. Ở trường ngoài học văn hóa, chúng em được lao động dưới sự hướng dẫn của các thầy cô, nhờ đó chúng em đã biết cách chọn giống, trồng rau, chăn nuôi một cách khoa học.

Theo thầy Bùi Duy Nam, Hiệu trưởng Nhà trường, mô hình “Trường học nông trại” rất ý nghĩa, đem lại nhiều hiệu quả. Các em học sinh dân tộc vốn nhút nhát, rụt rè, nay dần được khẳng định bản thân, phát triển kỹ năng sống, kỹ năng giao tiếp; cũng như các kỹ năng khác như cách tự lên kế hoạch nuôi trồng, đặt mục tiêu, rồi lựa chọn giống, kỹ thuật chăm sóc,… Các bữa ăn sinh hoạt hằng ngày của các em cũng đã được cải thiện, đủ dinh dưỡng, giúp các em có thêm sức khỏe để yên tâm học tập.

Tin cùng chuyên mục
Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Dù mới được thành lập nhưng các Câu lạc bộ (CLB) “Thủ lĩnh của sự thay đổi” tại huyện Đak Đoa (tỉnh Gia Lai) đã góp phần trang bị cho học sinh nhiều kiến thức, kỹ năng bổ ích để các em nói lên tiếng nói của mình và thay đổi nhận thức của thế hệ trẻ đồng bào DTTS ngay từ trên ghế nhà trường. Đặc biệt, các em còn là những hạt nhân tiên phong thay đổi nhận thức, xóa bỏ định kiến giới, từ đó dần xóa bỏ thói quen, tập tục lạc hậu ở thôn ấp, bản làng để cùng nhau vươn lên phát triển.