Nhiều rào cản cần tháo gỡ
Không phải bây giờ vấn đề hàng rào kỹ thuật đối với nông sản xuất khẩu của Việt Nam mới được đặt ra. Ông Nguyễn Quốc Toản - Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) cho biết: ngoài tác động của dịch Covid-19, hoạt động xuất khẩu nông, lâm, thủy sản còn gặp nhiều khó khăn từ các cam kết mở cửa thị trường, giảm thuế từ các hiệp định thương mại tự do. Các nước nhập khẩu sẽ gia tăng áp dụng những biện pháp kỹ thuật, rào cản thương mại cản trở xuất khẩu nông sản của Việt Nam.
Cụ thể như, đối với lĩnh vực xuất khẩu thủy sản, hiện nay các thị trường nhập khẩu thủy sản Việt Nam đang liên tục đưa ra những thay đổi trong quy định chứng nhận an toàn thực phẩm đối với sản phẩm thủy sản xuất khẩu. Điều này, đã gây ra những khó khăn nhất định cho xuất khẩu thủy sản Việt Nam.
Đối với thị trường Australia và Trung Quốc cũng đang có những đòi hỏi khắt khe hơn trước như: sản phẩm tôm phải được kiểm tra, phân hạng tại cơ sở chế biến được cơ quan thẩm quyền nước xuất khẩu chứng nhận và kiểm soát; không có các dấu hiệu mắc bệnh; mỗi lô tôm sản xuất (sau chế biến) được lấy mẫu xét nghiệm âm tính đối với virus đốm trắng, đầu vàng...
Đối với thị trường Hàn Quốc, sản phẩm tôm phải đáp ứng 5 chỉ tiêu bệnh (DIV1, TiLV, NHP, SAV, AHPND) đối với một số loài/dạng sản phẩm thủy sản (lô hàng xuất khẩu vào Hàn Quốc phải kèm theo chứng thư chứng nhận kiểm dịch đối với 5 bệnh này từ 1/8/2021).
Ông Ngô Hồng Phong, Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng Nông Lâm sản và Thủy sản (Nafiqad), Bộ NN&PTNT cho biết: Gần đây, phía Trung Quốc cảnh báo một số lô hàng tôm đông lạnh, tôm đã xử lý nhiệt của Việt Nam bị phát hiện dương tính với bệnh hoại tử dưới vỏ và cơ quan tạo máu (IHHNV), virus đốm trắng (WSSV), có nhiều lô hàng thủy sản bị trả về. Chỉ tính riêng trong 3 tháng đầu năm, ở thị trường Trung Quốc có đến 15/40 lô vi phạm bị trả về.
Hay như đối với sản phẩm ớt, trong năm 2020 cũng đã bị thị trường Trung Quốc và Malaisia cấm nhập khẩu. Sau khi Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) gửi hồ sơ đàm phán, hiện nay cả 2 thị trường trên đều đã cho phép Việt Nam xuất khẩu ớt trở lại.
Tuy nhiên, để có thể tạm thời xuất khẩu trở lại sản phẩm ớt vào Trung Quốc, Việt Nam cần đáp ứng được một trong hai điều kiện của phía Trung Quốc. Thứ nhất, ớt sẽ phải được sản xuất từ những vùng không nhiễm ruồi đục quả. Thứ hai, ớt phải được xử lý kiểm dịch thực vật trước khi xuất khẩu.
Đối với thị trường Malaysia, cũng đưa ra yêu cầu, trái ớt cũng phải được sản xuất từ những vùng được Cục Bảo vệ thực vật cấp mã số và kiểm soát toàn bộ quá trình từ lúc trồng đến cơ sở đóng gói, xuất khẩu…
Cần bám sát yêu cầu của thị trường tiêu thụ
Việc tháo gỡ vướng mắc kỹ thuật, thúc đẩy tiêu thụ nông sản, đang là yêu cầu cấp bách trong bối cảnh dịch COVID-19 làm tắc nghẽn thị trường tiêu thụ.
Để tháo gỡ những vướng mắc này, hằng năm, Cục Bảo vệ thực vật tiến hành rà soát, hoàn thiện các báo cáo kỹ thuật để tiếp tục nộp hồ sơ, đàm phán mở cửa thị trường mới cho nông sản Việt Nam; bổ sung các căn cứ kỹ thuật nhằm cải tiến các biện pháp xử lý kiểm dịch thực vật, tạo thuận lợi cho việc xuất khẩu.
Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Thị Thu Hương, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) thì, giải pháp quan trọng là các địa phương phải xây dựng các vùng trồng, cơ sở đóng gói đủ điều kiện cấp mã số, hướng tới mục tiêu quản lý chất lượng nông sản ngay từ gốc phục vụ xuất khẩu.
Tại các vùng trồng được cấp mã số, người nông dân tập hợp thành các hợp tác xã để cùng sản xuất theo một quy trình, có ghi chép quá trình trồng trọt, trao đổi kinh nghiệm với nhau để nâng cao chất lượng sản phẩm. Thực tế từ vụ vải thiều đang diễn ra cho thấy, giá của trái vải ở vùng trồng được cấp mã số cao hơn nhiều so với trái vải ở vùng trồng không được cấp mã số.
Bên cạnh đó, việc sản xuất phải tuân thủ hướng dẫn chung của Tổ chức Nông lương Liên Hợp quốc và Tổ chức Y tế thế giới, về những biện pháp phòng chống dịch trong chế biến thực phẩm.
Bà Nguyễn Thị Thành Thực, Chủ tịch Công ty Bagico Bắc Giang cho rằng: Khi dịch bệnh xảy ra, rào cản đầu tiên và lớn nhất đối với tiêu thụ nông sản chính là vấn đề phòng dịch. Để có thể xuất khẩu được, thì phải đảm bảo được an toàn cho người tiêu dùng, nhất là ở trong vùng dịch thì càng phải có những điểm thu mua cụ thể, được lựa chọn kĩ.
“Đặc biệt cần có những xưởng sơ chế để xử lý dịch bệnh. Thời điểm hiện nay chúng ta không thể nói trước được tình hình dịch bệnh sẽ diễn biến như thế nào, đó không chỉ là dịch bệnh trên người mà còn là sâu bệnh trên nông sản” bà Thực nói.
Theo phân tích của các chuyên gia nông nghiệp, một trong những yếu tố bắt buộc để vượt qua các rào cản kỹ thuật, là cần đẩy mạnh hình thành chuỗi liên kết sản xuất từ giống, vật tư sản xuất như phân bón, thuốc bảo vệ thực vật tới chế biến. Đặc biệt là xây dựng, quản lý chặt mã số vùng trồng theo công nghệ số hóa.
Theo ông Võ Quan Huy, Giám đốc Công ty TNHH Huy Long An, tất cả các nước đã xây dựng hàng rào kỹ thuật thời COVID-19, nên vấn đề truy xuất nguồn gốc xuất xứ với nông sản Việt Nam, là cực kỳ quan trọng. Trung Quốc lâu nay, vốn được đánh giá là thị trường dễ tính, nhưng hiện đang ngày càng khắt khe, bước đầu đã yêu cầu mã số vùng trồng, cơ sở nhà máy đóng gói. Điều này đòi hỏi các doanh nghiệp phải sản xuất bài bản, xây dựng các vùng liên kết sản xuất nông sản với bà con nông dân để quản lý được chất lượng sản phẩm.