Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Thanh Hóa: Nữ sinh dân tộc Mường học giỏi đứng trước nguy cơ không thể bước tiếp vào giảng đường đại học

Quỳnh Trâm -CTV - 11:19, 28/08/2022

Mặc dù đạt điểm số cao trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2022, nhưng nữ sinh dân tộc Mường Nguyễn Thị Thúy, ở xã Thành Tân, huyện Thạch Thành (Thanh Hóa) đang đứng trước nguy cơ bỏ lỡ cơ hội vào đại học, bởi hoàn cảnh gia đình quá khó khăn.


Hai mẹ con Thúy trong ngôi nhà chỉ độc một chiếc giường, ngoài ra không có món đồ nào đáng giá tiền triệu
Hai mẹ con Thúy trong ngôi nhà chỉ độc một chiếc giường, ngoài ra không có món đồ nào đáng giá

Học để thoát nghèo

Ngôi nhà nhỏ đơn sơ, lợp mái tôn tạm bợ nằm chênh vênh bên sườn đồi ở thôn Thạch Lỗi, xã Thành Tân là nơi ở của hai mẹ con nữ sinh Nguyễn Thị Thúy. Nhìn ngôi nhà trống hoác, bên trong chẳng có gì đáng giá, chỉ có chiếc giường ọp ẹp, vài bao thóc vừa thu hoạch xếp ở góc nhà. Sau khi biết điểm thi tốt nghiệp THPT 2022, Thúy đạt 28,75 điểm ở tổ hợp khối C00 và 29,25 điểm ở tổ hợp C19 (chưa cộng điểm ưu tiên), hai mẹ con Thúy có chung tâm trạng vừa mừng vừa lo. Với mức điểm này, nữ sinh có nguyện vọng xét tuyển vào khoa Ngữ văn, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Song, hoàn cảnh gia đình khó khăn, em có thể bỏ lỡ cơ hội vào đại học.

Bà Nguyễn Thị Long (50 tuổi, mẹ Thúy) là người phụ nữ khắc khổ. Bà sinh em Thúy năm 2004, sau 3 tháng thì bố Thúy bỏ đi không ngó ngàng đến 2 mẹ con. Kể từ đó, bà tần tảo sớm hôm để nuôi con khôn lớn. Bà cày thuê, cuốc mướn, ai mượn gì làm đấy để có tiền nuôi con. Dù chăm chỉ lao động nhưng thu nhập chẳng đáng là bao, hai mẹ con vẫn cứ sống trong cảnh thiếu trước hụt sau. 

Ngôi nhà của mẹ con Thúy sống cũng dột nát, xiêu vẹo, mỗi mùa mưa bão đến, 2 người lại phải dắt nhau đi ở nhờ nhà họ hàng.Thương hoàn cảnh éo le của hai mẹ con, năm ngoái, họ hàng làng xóm đã gom góp sức người sức của, cùng với nguồn hỗ trợ của Nhà nước theo diện hộ nghèo cất được căn nhà kiên cố hơn, dù nhỏ thôi nhưng cũng có chỗ trú mưa trú nắng.

Từ nhỏ thiếu thốn bàn tay che chở của người cha, Thúy hiểu chuyện và tự lập, em luôn cố gắng để học giỏi, không làm mẹ buồn lòng.

Nhìn thấy bạn bè đều có bố, cô bé Thúy không khỏi chạnh lòng. Nhiều lần gặng hỏi mẹ về bố, nhưng bà Long chưa bao giờ tiết lộ danh tính của ông. Hiểu nỗi khổ tâm của mẹ, Thúy gói ghém nỗi buồn trong lòng, quen dần với cuộc sống không có bố. “Dù bố chưa một lần đến thăm hai mẹ con, nhưng em cũng không giận và cũng không còn buồn nữa”, nữ sinh bùi ngùi.

Năm ngoái, bà Long nhận được tin bố của Thúy đã qua đời vì bệnh nặng. Cuộc sống của hai mẹ con không có biến động gì, bà chỉ thương con vì chưa được gặp mặt bố.

Cô Bùi Thị Kiều Oanh (bìa phải) cùng giáo viên chủ nhiệm (bìa trái), đại diện Đoàn trường tới thăm hỏi, động viên gia đình nữ sinh Nguyễn Thị Thúy
Cô Bùi Thị Kiều Oanh (bìa phải) cùng giáo viên chủ nhiệm (bìa trái), đại diện Đoàn trường tới thăm hỏi, động viên gia đình nữ sinh Nguyễn Thị Thúy

Chông chênh đường đến đại học

Với học lực tốt, lên cấp 2, Thúy trúng tuyển vào Trường THCS DTNT Thạch Thành, cách nhà chừng 7km. Muốn ở gần mẹ nên em học ngoại trú, tự đạp xe mỗi ngày đến trường. Dù vất vả, nhưng em liên tục đạt học sinh giỏi. Hết bậc trung học, Thúy lại tiếp tục trúng tuyển vào trường THPT Dân tộc nội trú Thanh Hóa. Trường ở thành phố, cách nhà 80km, lần này em phải nén nỗi nhớ mẹ để đến trường nhập học.

3 năm học nội trú được Nhà nước chu cấp, hai mẹ con không phải tốn kém nhiều nên Thúy yên tâm học tập. Em luôn có kết quả học tập thuộc top đầu của trường.

Năm học 2021-2022, Thúy còn đạt giải Khuyến khích môn Ngữ văn cấp tỉnh. Trong kì thi tốt nghiệp THPT 2022, em đã xuất sắc đạt số điểm cao. Sau ngày thi, Thúy liền xin làm công nhân tại một công ty sản xuất đèn Led ở Hà Nam để có tiền theo đuổi giấc mơ đại học.

“Em đã đoán chừng được điểm số của mình nên khi biết điểm, em không quá bất ngờ. Tâm trạng vừa vui vừa lo lắng, vì với hoàn cảnh của gia đình em, việc theo 4 năm đại học ở Hà Nội là quá sức, em chưa biết phải xoay sở thế nào”, nữ sinh nói.

Để có tiền cho con ăn học, bà Nguyễn Thị Long (mẹ Thúy) làm thuê bất kể công việc gì, từ nhổ cỏ, cấy thuê đến mò cua, bắt ốc
Để có tiền cho con ăn học, bà Nguyễn Thị Long (mẹ Thúy) làm thuê bất kể công việc gì, từ nhổ cỏ, cấy thuê đến mò cua, bắt ốc

Còn bà Long, mẹ của Thúy thì ngậm ngùi: “Bây giờ, biết cháu có khả năng đậu đại học tôi mừng, nhưng cũng lo lắm và không biết lâu dài phải xoay sở về kinh tế ra sao để cháu tiếp tục theo đuổi ước mơ của mình ",.

Biết được hoàn cảnh khó khăn của gia đình học sinh, cô Bùi Thị Kiều Oanh, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh Thanh Hóa, cùng các thầy cô về tận nhà thăm và tặng quà động viên em.

Theo cô Oanh, ngay từ khi Thúy vào lớp 10, Ban Giám hiệu cùng các tổ chức đoàn thể, Hội khuyến học đã rất chia sẻ với hoàn cảnh của em. Những năm qua, nhà trường đã tổ chức các chương trình kêu gọi nhà hảo tâm hỗ trợ về vật chất lẫn tinh thần cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn.

Tin cùng chuyên mục
Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Dù mới được thành lập nhưng các Câu lạc bộ (CLB) “Thủ lĩnh của sự thay đổi” tại huyện Đak Đoa (tỉnh Gia Lai) đã góp phần trang bị cho học sinh nhiều kiến thức, kỹ năng bổ ích để các em nói lên tiếng nói của mình và thay đổi nhận thức của thế hệ trẻ đồng bào DTTS ngay từ trên ghế nhà trường. Đặc biệt, các em còn là những hạt nhân tiên phong thay đổi nhận thức, xóa bỏ định kiến giới, từ đó dần xóa bỏ thói quen, tập tục lạc hậu ở thôn ấp, bản làng để cùng nhau vươn lên phát triển.