Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Thanh Hóa: Những cây cầu treo đang "treo" tai họa

Quỳnh Trâm - 10:20, 28/06/2022

Khu vực 11 huyện miền núi của tỉnh Thanh Hóa hiện có 48 cây cầu treo dân sinh bắc qua nhiều con sông, suối. Do sử dụng đã lâu, trải qua các đợt mưa lũ nên nhiều cây cầu đã bị hư hỏng, xuống cấp, gây nguy hiểm cho người dân khi đi qua cầu. Hiện, chính quyền địa phương vẫn chưa có nguồn vốn để sửa chữa các cây cầu hư hỏng này.

Cầu treo ở thôn Chiềng Lau, xã Ban Công (Bá Thước) được làm bằng luồng dài khoảng 30m bắc qua suối Tếch phục vụ cho 48 hộ dân với hơn 200 người qua lại hàng ngày
Cầu treo ở thôn Chiềng Lau, xã Ban Công (Bá Thước) được làm bằng luồng dài khoảng 30m bắc qua suối Tếch phục vụ cho 48 hộ dân với hơn 200 người qua lại hàng ngày

Năm 2008, tỉnh Thanh Hóa đầu tư xây dựng cây cầu treo Bến Lậm thuộc xã Giao Thiện, huyện miền núi Lang Chánh, với chiều dài khoảng 90 mét. Cây cầu được xây dựng bắc qua sông Âm, nối bản Trô xã Giao An với bản Khụ 2, xã Giao Thiện. Hiện nay cây cầu này cũng đã bị xuống cấp nghiêm trọng. Mặt cầu, trụ, thanh mặt cầu, gờ chắn bánh, nẹp bị hỏng, ván gỗ mục nát, cầu bị rung lắc khi có người đi qua, gây khó khăn trong việc đi lại của người dân. Đặc biệt là tiềm ẩn nguy cơ về an toàn khi mùa mưa lũ về.

Ông Lê Đức Tiến, Phó Chủ tịch UBND huyện Lang Chánh cho biết, huyện đã trích kinh phí sữa chữa cầu treo Bến Lậm, nhưng do ảnh hưởng thời tiết, mưa lũ thời gian qua nên cầu lại tiếp tục xuống cấp. Huyện cũng đã chỉ đạo xã, các ngành chức năng xây trụ ngăn xe trọng tải lớn không đi trên cầu, tránh tình trạng gây mất an toàn, cũng như tính mạng tài sản của Nhân dân. Về lâu dài địa phương rất cần nguồn đầu tư sửa chữa hoặc xây một cây cầu mới.

Mặt cầu, trụ, thanh mặt cầu, ghờ chắn bánh, nẹp, ván gỗ của cầu treo Bến Lậm thuộc xã Giao Thiện ( Lang Chánh) bị mục nát, hư hỏng nặng
Mặt cầu, trụ, thanh mặt cầu, ghờ chắn bánh, nẹp, ván gỗ của cầu treo Bến Lậm thuộc xã Giao Thiện ( Lang Chánh) bị mục nát, hư hỏng nặng

Còn tại huyện Quan Hóa, cầu treo Hiền Chung, xã Hiền Chung, được Tổ chức tầm nhìn thế giới đầu tư xây dựng từ năm 2007. Cây cầu bắc qua con suối Khiết nối trung tâm xã Hiền Chung với bản Yên, bản Pheo, bản Hán. Qua nhiều năm sử dụng, cây cầu này hiện đã bị xuống cấp và hư hỏng nặng, nhiều bộ phận cầu hoen gỉ, ván lát bị mục nát, thanh ghép bong tróc, người dân phải buộc luồng vào thanh cầu để gia cố.

Tuy cầu xuống cấp, nhưng gần 300 hộ dân thuộc 3 bản trên, vẫn phải đi qua cầu mỗi ngày để sang bên kia suối giao thương hàng hóa. Mỗi khi người dân đi qua cây cầu treo này bị lắc, rung mạnh, nghiêng về một bên rất nguy hiểm.

Ông Lương Văn Thuận, xã Hiền Chung cho hay, người dân hàng ngày đi qua cây cầu này, nếu vận chuyển nhiều hàng hóa sẽ không thể qua được vì rất sợ cầu bị sập, xe ô tô cũng không sang được cầu. Ông Thuận đề nghị, các cấp lãnh đạo quan tâm, tạo điều kiện xây dựng cầu cứng để người dân các bản đi lại và vận chuyển sản phẩm hàng hóa nông nghiệp dễ dàng hơn.

Ván cây cầu treo Chiềng, xã Phú Sơn (Quan Hóa) bị hư hỏng xuống cấp trầm trọng
Ván cây cầu treo Chiềng, xã Phú Sơn (Quan Hóa) bị hư hỏng xuống cấp trầm trọng

Theo ông Trần Văn Hùng, Phó Chủ tịch UBND huyện Quan Hóa, huyện có 11 cây cầu treo dân sinh, do sử dụng đã lâu, trải qua các đợt thiên tai nên một số cầu treo đã bị xuống cấp. Thời gian tới, UBND huyện Quan Hóa đề nghị nhà máy thủy điện Hồi Xuân xây trả 2 cầu treo bị ảnh hưởng. Đồng thời, kiến nghị cấp có thẩm quyền hỗ trợ kinh phí sữa chữa, nâng cấp các cầu treo bị hư hỏng, xuống cấp và trợ cấp kinh phí xây dựng cầu tại 4 bến đò chưa có cầu treo, cầu cứng để phục vụ nhu cầu đi lại của Nhân dân.

Tại đội 2 thôn Chiềng Lau, xã Ban Công, huyện Bá Thước, có cây cầu treo được làm bằng luồng, dài khoảng 30m bắc qua suối Tếch phục vụ cho 48 hộ dân, với hơn 200 người qua lại hàng ngày. Do mặt cầu làm bằng tre luồng tạo nên những khoảng hở lớn, khiến cho việc qua lại của người dân địa phương cũng như khách từ nơi xa đến gặp nhiều khó khăn và nguy hiểm.

Bà Lò Thị Tỷ (62 tuổi, thôn Chiềng Lau) cho biết “Cầu này có lâu rồi, nguy hiểm lắm. Mỗi khi mùa mưa lũ nước to thì không ai đi qua cầu được, học sinh cũng phải nghỉ học ở nhà và đây cũng là con đường duy nhất cho các hộ dân đi ra bên ngoài. Mùa mưa lũ sắp tới gần, bà con chúng tôi mong muốn có cây cầu mới để người dân được đi lại thuận tiện hơn''.

Hiểm nguy rình rập khi đi trên những chiếc cầu treo xuống cấp như thế này
Hiểm nguy rình rập khi đi trên những chiếc cầu treo xuống cấp như thế này

Theo thống kê của UBND huyện Bá Thước, hiện trên địa bàn huyện có 19 cây cầu bắc qua các con suối. Trong đó, có 10 cầu đang còn sử dụng tốt và có 9 cầu dân sinh được làm bằng tre luồng, gỗ... xuống cấp, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông và nguy hiểm mùa mưa bão.

Ông Đinh Quang Trung, Trưởng phòng quản lý giao thông nông thôn, Sở Giao thông Vận tải tỉnh Thanh Hóa cho biết: Nhiều năm qua, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, tỉnh Thanh Hóa đã được đầu tư xây dựng một số cầu treo dân sinh tại các huyện miền núi. Nhưng qua theo dõi tổng hợp, có một số cầu treo hư hỏng, xuống cấp cần sửa chữa. Hiện, Sở Giao thông Vận tải tỉnh Thanh Hóa đang phối hợp với các huyện rà soát, đề xuất các cấp quan tâm sữa chữa, nâng cấp các cầu treo hư hỏng để phục vụ việc đi lại Nhân dân miền núi, nhất vào mùa mưa lũ năm nay.

Tin cùng chuyên mục
Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Dù mới được thành lập nhưng các Câu lạc bộ (CLB) “Thủ lĩnh của sự thay đổi” tại huyện Đak Đoa (tỉnh Gia Lai) đã góp phần trang bị cho học sinh nhiều kiến thức, kỹ năng bổ ích để các em nói lên tiếng nói của mình và thay đổi nhận thức của thế hệ trẻ đồng bào DTTS ngay từ trên ghế nhà trường. Đặc biệt, các em còn là những hạt nhân tiên phong thay đổi nhận thức, xóa bỏ định kiến giới, từ đó dần xóa bỏ thói quen, tập tục lạc hậu ở thôn ấp, bản làng để cùng nhau vươn lên phát triển.