Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Chương trình MTQG phát triển Kinh tế - Xã hội
vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
giai đoạn 2021-2030

Thanh Hóa: Nhiều vấn đề "nóng" về vùng DTTS được đại biểu đưa ra tại Kỳ họp thứ 7, HĐND khóa XVIII

Quỳnh Trâm - 19:05, 12/07/2022

Kỳ họp thứ 7, HĐND tỉnh Thanh Hóa khóa XVIII diễn ra từ ngày 11-13/7. Trong đó, nhiều vấn đề "nóng" như đất đai, hỗ trợ sinh kế, tình trạng tảo hôn dai dẳng ở vùng đồng bào DTTS và miền núi được các đại biểu nêu thẳng thắn tại phiên họp để có giải pháp khắc phục...

Đại biểu Mai Xuân Bình - Trưởng ban Dân tộc tỉnh Thanh Hóa
Đại biểu Mai Xuân Bình - Trưởng ban Dân tộc tỉnh Thanh Hóa

Đại biểu Mai Xuân Bình - Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Thanh Hóa thẳng thắn: Vấn đề thiếu đất ở, đất sản xuất ở miền núi đã nghe nhiều, nhưng toàn nghe chung chung. Xã cũng kêu, huyện cũng kêu, nhưng cụ thể ra sao, cách giải quyết thế nào thì không có, nên “rất khó giải quyết”.

Đại biểu Nguyễn Xuân Hồng - Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Lang Chánh
Đại biểu Nguyễn Xuân Hồng - Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Lang Chánh

Cũng về vấn đề thiếu đất sản xuất, Đại biểu Nguyễn Xuân Hồng,  Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Lang Chánh cho hay, hiện nay trên địa bàn huyện Lang Chánh cũng như nhiều huyện miền núi khác, đất đai của các nông, lâm trường từ ngày trước tồn tại đến hiện nay không còn phát huy hiệu quả. Các nông lâm trường hầu như không còn hoạt động như trước, đất đai chủ yếu giao khoán cho các hộ dân theo kiểu “phát canh thu tô” nên hiệu quả không cao, khó quy hoạch, phát triển tập trung, lãng phí tài nguyên, bỏ phí cơ hội phát triển.

Đại biểu Nguyễn Xuân Hồng đề nghị, cần chỉ đạo đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế cho khu vực miền núi, phát huy tiềm năng, lợi thế về khí hậu, đất đai, thổ nhưỡng; văn hóa, phong tục tập quán để phát triển sản xuất theo hướng hàng hóa, hình thành và phát triển rừng gỗ lớn, các vùng chuyên canh cây trồng có năng suất, chất lượng cao, tạo ra những sản phẩm đặc trưng vùng miền có giá trị như các tỉnh miền núi phía Bắc.

Để hỗ trợ, khuyến khích người dân khu vực miền núi chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tăng thu nhập nâng cao đời sống, Đại biểu đề nghị HĐND tỉnh nghiên cứu ban hành chính sách hỗ trợ cho người dân trồng dược liệu, tạo vùng nguyên liệu phục vụ chế biến cho nhà máy.

 “Đừng coi miền núi là gánh nặng, mà hãy coi miền núi là cơ hội để phát triển”, đại biểu Nguyễn Xuân Hồng nhấn mạnh.

Đại biểu Lương Thị Lưu - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Bát Mọt, huyện Thường Xuân
Đại biểu Lương Thị Lưu - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Bát Mọt, huyện Thường Xuân

Đại biểu Hà Văn Ca, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Mường Lát đề nghị HĐND tỉnh, UBND tỉnh tiếp tục quan tâm để hạn chế, tiến tới chấm dứt tình trạng hôn nhân cận huyết thống, tảo hôn tại các huyện miền núi, nhất là đối với huyện Mường Lát.

Dù được tỉnh, các sở, ban, ngành quan tâm, ban hành đề án để triển khai thực hiện; huyện Mường Lát cũng đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, cấp ủy, chính quyền địa phương, lực lượng chức năng vào cuộc để vận động, tuyên truyền nhưng chuyển biển chưa nhiều. Hiện nay tình trạng học sinh trên địa bàn bỏ học giữa chừng để lấy vợ, lấy chồng vẫn diễn ra, dẫn đến hệ lụy rất lớn là tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng, thấp còi cao. Riêng 6 tháng đầu năm 2022, trên địa bàn huyện có tới 24,8% trẻ em suy dinh dưỡng và 51 cặp tảo hôn.

Đại biểu Vũ Thị Hương - Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội
Đại biểu Vũ Thị Hương - Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội

Đại biểu Lương Thị Lưu, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Bát Mọt, huyện Thường Xuân băn khoăn, khi số lượng học sinh miền núi đi học cao đẳng, đại học vốn đã ít nay càng ít. Nguyên nhân vì những năm trước, nhiều người học đại học về quê không xin được việc làm nên bây giờ, “các gia đình cho con học hết cấp ba (THPT) là cho đi công ty (làm công nhân) chứ không mặn mà cho đi học cao đẳng, đại học nữa”.

Đại biểu Vũ Thị Hương, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội đề nghị: Tăng cường hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm, đáp ứng đủ lao động cho các cụm, khu công nghiệp trong tỉnh. Tiếp tục tổ chức thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển thị trường lao động; tập trung vào các hoạt động hỗ trợ người lao động quay trở lại nơi làm việc, cho vay giải quyết việc làm, hỗ trợ phát triển thị trường lao động. Tăng cường đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng nâng cao trình độ, kỹ năng nghề cho người lao động, đẩy mạnh việc liên kết với doanh nghiệp để tổ chức đào tạo nghề.

Tiếp tục tăng cường chỉ đạo công tác phân luồng học sinh, mục tiêu đến năm 2025 phấn đầu ít nhất 40% học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở tiếp tục học tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo trình độ sơ cấp, trung cấp, đối với các địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn đạt ít nhất 30%.

Đại biểu Trịnh Hữu Hùng - Giám đốc Sở Y tế Thanh Hóa
Đại biểu Trịnh Hữu Hùng - Giám đốc Sở Y tế Thanh Hóa

Một vấn đề "nóng" khác được đại biểu Trần Quốc Huy, Giám đốc Sở Nội vụ nêu, đó là tình trạng thiếu giáo viên ở Thanh Hóa hiện đang rất trầm trọng. Nguyên nhân này được đại biểu Huy chỉ ra là, do năm 2015 chỉ tiêu biên chế do UBND tỉnh quy định rất sát, từ năm 2016, Bộ Nội vụ giao dựa trên chỉ tiêu của năm 2015 nên chỉ tiêu rất chặt, cộng với mỗi năm phải giảm biên chế 2% nên ngày càng khó. Hơn nữa, việc tăng dân số ở Thanh Hóa những năm qua cũng cao dẫn đến tình trạng thiếu giáo viên ngày càng nhiều. Theo ông Huy, để giải quyết tình trạng này, phải thực hiện ký hợp đồng theo Nghị quyết 102, nhưng dù có ký chăng nữa vẫn thiếu.

Phát biểu tại Kỳ họp của Đại biểu Trịnh Hữu Hùng, Giám đốc Sở Y tế cũng được nhiều đại biểu và cử tri quan tâm. Ông Hùng thẳng thắn: “Vấn đề thiếu thuốc và vật tư y tế ở Thanh Hóa là có, nhưng mới chỉ cục bộ, chưa trầm trọng”. Nguyên nhân được ông Hùng chỉ ra là do tâm lý sợ sai, sợ trách nhiệm, sợ bị thanh tra, kiểm tra trong khi do yêu cầu công việc, tình huống nên nhiều khi phải đấu thầu theo hình thức chỉ định thầu.

Tuy nhiên, vấn đề nhân viên y tế bỏ việc đã được ông Hùng nói rõ: Từ năm 2020 đến nay Thanh Hóa có 206 nhân viên y tế công lập bỏ việc, trong đó có 96 bác sĩ. Đó là con số thực tế, “còn những người có tâm lý, muốn bỏ còn nhiều chẳng qua chưa tìm ra lối đi mà thôi”, ông Hùng nói.

Nguyên nhân được ông Hùng chỉ ra là, do áp lực công việc cao, yêu cầu của người nhà bệnh nhân lớn và cả nỗi sợ người nhà bệnh nhân hành hung trong khi thu nhập lại thấp.

Tin cùng chuyên mục
Cà Mau: Chú trọng thực hiện hiệu quả Chương trình MTQG 1719

Cà Mau: Chú trọng thực hiện hiệu quả Chương trình MTQG 1719

Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030; giai đoạn I: Từ năm 2021 - 2025 (gọi tắt là Chương trình MTQG 1719) đã và đang phát huy hiệu quả trên nhiều lĩnh vực về đời sống kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS tỉnh Cà Mau. Minh chứng như việc triển khai hiệu quả Dự án 1 của Chương trình, đã góp phần giải quyết cơ bản việc thiếu đất ở, nhà ở và nước sinh hoạt trong vùng đồng bào DTTS ở địa bàn khó khăn.