Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Người dân vùng DTTS, miền núi gặp nhiều khó khăn trong “cơn bão giá”

Ngọc Thu - 08:19, 16/06/2022

Sau những lần giá xăng liên tiếp nhảy vọt, các mặt hàng thiết yếu cũng “phi mã” theo, đã ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của người dân. Đặc biệt, đối với đồng bào vùng DTTS miền núi, cuộc sống vốn đã khó khăn, thì nay họ càng phải gồng mình trong “cơn bão giá”.


Giá xăng liên tiếp nhảy vọt, các mặt hàng thiết yếu cũng “phi mã” theo đã ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của người dân
Giá xăng liên tiếp nhảy vọt, các mặt hàng thiết yếu cũng “phi mã” theo đã ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của người dân

Tỉnh Gia Lai có hơn 44% dân số là người DTTS, đa số người dân làm nông nghiệp. Tính từ đầu năm đến nay, giá xăng đã có 11 lần điều chỉnh tăng và 3 lần giảm. Giá xăng liên tiếp “nhảy múa”, đã tác động trực tiếp đến lĩnh vực giao thông vận tải, kéo theo giá các mặt hàng thiết yếu, giá vật tư nông nghiệp cũng tăng theo. Điều này khiến người dân như “ngồi trên đống lửa”, cuộc sống ngày càng vất vả hơn. 

Như thường lệ, ngay khi mặt trời vừa ló dạng, chị Siu Hmit (làng Breng, xã Ia Dêr, huyện Ia Grai) đã chuẩn bị các mặt hàng rau, củ đi lên chợ sớm. Trên chiếc gùi quen thuộc là những bó rau, khúc mía gọt sẵn, ít trái vải cùng vài bó sả. Phiên chợ sáng đông nghịt người qua lại. Thế nhưng, phải đến khi mặt trời đứng bóng mới có người tới hỏi mua.

Chị Hmit kể: Tuy chỉ là rau củ, nhưng trước đây chị bán hàng nhanh hết lắm. Giờ thì người đi chợ nhiều, nhưng họ cũng chi tiêu ít, bởi các mặt hàng đều tăng giá. Rau, củ cũng tăng gấp rưỡi do giá phân bón và giá vận chuyển cao. "Bán như giá cũ, thì không có lời lãi nên mình đành phải chờ hết chợ mới về. Có ngày bán không hết cũng đành chịu, về nhà có gì ăn nấy chứ giờ giá cả đắt đỏ, mình không dám mua sắm nhiều”, chị Hmit nói.

Cuộc sống của đồng bào DTTS tại vùng cao vốn đã khó khăn thì nay họ càng phải gồng mình lên trong “cơn bão giá”
Cuộc sống của đồng bào DTTS tại vùng cao vốn đã khó khăn thì nay họ càng phải gồng mình lên trong “cơn bão giá”

Xăng tăng giá cũng đang làm ảnh hưởng trực tiếp đến việc người nông dân mua phân bón và tưới tiêu cho cà phê, cây điều. Cụ thể, gia đình anh Quynh (làng Choet 2, TP. Pleiku) đang rất lo lắng, bởi diện tích 2 ha cây điều đang kỳ dưỡng sức ra bông và rau xanh cần phân bón, trong khi giá phân bón tăng cao trong những ngày gần đây. 

 Anh Quynh buồn rầu nói: “Cây điều là cây trồng chủ lực mang lại kinh tế cho gia đình mình. Giờ đây, chi phí phân, xăng, công lao động, thuốc bảo vệ thực vật đều tăng. Trung bình giá cả thuốc bảo vệ thực vật, phân bón vô cơ năm nay cũng tăng 30%. Vì vậy, nếu năng suất năm nay thấp, giá điều không tăng, thì nguy cơ lỗ vốn cận kề”.

Cơn bão giá, không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến người nông dân vất vả một nắng hai sương, mà còn tác động không nhỏ đến các doanh nghiệp, hợp tác xã… Ông Ksor Tư - Chủ nhiệm Tổ hợp tác Nông nghiệp và Dịch vụ xã Ia Dêr, huyện Ia Grai, cho biết: Những năm qua, người dân Ba Na, Gia Rai đã biết nâng cao trình độ, đưa cơ giới vào sản xuất đã tạo dựng được thương hiệu lúa gạo A Sanh đạt sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh. Tuy nhiên, khi xăng liên tiếp tăng, dịch vụ vận tải; cũng như vận chuyển hàng hóa cũng leo thang khiến chúng tôi gặp khó khăn về giá cả, đầu ra và khâu vận chuyển. Khó có thể tăng giá theo khi người tiêu dùng đã quen với giá cũ. Còn tăng giá thì lúa gạo sẽ bị giảm sức mua. 

"Đến thời điểm này, hàng hóa sỉ và lẻ cung cấp ra thị trường đã giảm hẳn so với mọi năm. Tổ hợp tác cố gắng cùng các ngành chức năng tìm đầu ra sản phẩm. Tuy nhiên, cũng còn chờ vào giá cả hiện tại. Hy vọng chính quyền các cấp sẽ có những giải pháp thiết thực, giúp người dân bảo toàn lợi nhuận, gắn bó với sản xuất lúa đảm bảo chất lượng”, ông Ksor Tư trăn trở.

Nông dân Gia Lai lo lắng trước tình trạng giá xăng tăng, vật tư nông nghiệp cũng leo thang
Nông dân Gia Lai lo lắng trước tình trạng giá xăng tăng, vật tư nông nghiệp cũng leo thang

Tại huyện biên giới Đức Cơ, cũng có hơn 40% hộ DTTS đang loay hoay trong cơn bão giá. Bởi, chi phí vận chuyển, giá thành sản phẩm ngày càng tăng, đã khiến cho nông dân địa phương nhất là đồng bào DTTS lo lắng, chới với khi không biết lấy kinh phí ở đâu để chăm sóc cây, cùng với đó là chi phí nhập, xuất nông sản thế nào để đảm bảo lợi nhuận. 

Ông Siu Luynh, Phó Chủ tịch huyện Đức Cơ cho biết: Đời sống của bà con DTTS nơi đây khó khăn hơn rất nhiều so với mọi năm. Xăng lên giá kéo theo các mặt hàng tăng cao, nhưng thu nhập người dân thì không thay đổi. Thậm chí nông sản mất mùa, mất giá. Chính quyền địa phương, hiện đang triển khai một số dự án cho bà con nông dân, hộ nghèo, cận nghèo để phát triển kinh tế. Ngoài ra, khuyến khích, giới thiệu người DTTS làm việc ở các công ty trong và ngoài tỉnh để có thêm thu nhập, ổn định kinh tế trong tình hình khó khăn chung như hiện nay.

Giá xăng dầu điều chỉnh theo cơ chế thị trường, có sự điều tiết của Nhà nước, phù hợp với diễn biến giá xăng dầu thế giới và tình hình kinh tế - xã hội trong từng thời kỳ. Tuy nhiên, giá xăng tăng đã ảnh hưởng đến chi phí vận chuyển và hiệu ứng tăng giá dây chuyền, tác động đến giá cả của nhiều loại hàng hóa, dịch vụ trên thị trường. Vì vậy, cùng với sự nỗ lực vượt khó của người dân, các cơ quan chức năng cần tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, kiên quyết xử lý các hành vi vi phạm, tăng giá bất hợp lý nhằm tránh tình trạng “tát nước theo mưa”.

Tin cùng chuyên mục
Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Dù mới được thành lập nhưng các Câu lạc bộ (CLB) “Thủ lĩnh của sự thay đổi” tại huyện Đak Đoa (tỉnh Gia Lai) đã góp phần trang bị cho học sinh nhiều kiến thức, kỹ năng bổ ích để các em nói lên tiếng nói của mình và thay đổi nhận thức của thế hệ trẻ đồng bào DTTS ngay từ trên ghế nhà trường. Đặc biệt, các em còn là những hạt nhân tiên phong thay đổi nhận thức, xóa bỏ định kiến giới, từ đó dần xóa bỏ thói quen, tập tục lạc hậu ở thôn ấp, bản làng để cùng nhau vươn lên phát triển.