Thêm gánh nặng cho phụ huynh
Vừa qua, HĐND TP. Hà Nội, vừa có dự thảo nghị quyết về việc quy định mức thu học phí
với các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập trên địa bàn từ năm học 2022 - 2023 đến năm học 2025 - 2026.
Theo nội dung dự thảo, các địa bàn ở Hà Nội được chia thành 4 vùng để xét thu học phí: vùng 1 là các quận nội thành và các phường trên địa bàn thị xã Sơn Tây; vùng 2 là các thị trấn thuộc các huyện ngoại thành; vùng 3 là các xã thuộc thị xã Sơn Tây và các xã thuộc các huyện (trừ xã miền núi); vùng 4 là các xã miền núi thuộc các huyện.
Với các trường chưa đảm bảo chi thường xuyên, học phí vùng 1 và 2 dự kiến là 300.000 đồng mỗi tháng. Hai vùng còn lại thấp hơn, dao động 50.000 - 200.000 đồng. Như vậy, học phí các cấp hầu như tăng gấp đôi năm ngoái, trừ bậc THPT vùng 1 và 2 có mức học phí tăng từ 217.000 đồng (năm 2021) lên 300.000 đồng (học sinh tiểu học công lập đã được miễn học phí theo Luật Giáo dục).
Trước thông tin dự kiến tăng học phí trong năm học tới, phần đa phụ huynh cũng khá lo lắng. Chị Nguyễn Thu Thuý, phường Xuân Đỉnh, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội có 2 con đang học THCS ở Hà Nội cho rằng, sau dịch bệnh, người dân mới đi làm trở lại, thu nhập chưa ổn định, hiện giá cả các mặt hàng khác cũng đang tăng, khiến người dân phải cắt giảm chi tiêu. Nếu tăng học phí trong năm học tới, sẽ tăng thêm gánh nặng rất lớn cho phụ huynh.
Theo chị Thuý, với mức học phí mới, mỗi học sinh sẽ phải đóng 2,5-3 triệu đồng/tháng chỉ bao gồm các khoản cơ bản như: Ăn bán trú; học 2 buổi/ngày, tiền nước. Chưa kể, nếu phụ huynh muốn cho con học tiếng Anh liên kết trong nhà trường, tham gia các hoạt động thể dục thể thao, tăng kỹ năng xã hội, … đều phải đóng rất nhiều khoản, không phải gia đình nào cũng có điều kiện.
Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Phạm Xuân Tiến cho rằng, Hà Nội xây dựng dự thảo quy định mức thu học phí các bậc học căn cứ Nghị quyết 81/2021 của Chính phủ, quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với các cơ sở giáo dục công lập, trong đó mức thu các bậc học đều đang ở mức sàn. Trong các năm tiếp theo, mức thu học phí dự kiến vẫn là mức thấp nhất.
Trước đó, Sở GD&ĐT TP. Hồ Chí Minh cũng có văn bản góp ý dự thảo ban hành Nghị quyết quy định mức học phí đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập từ năm học 2022 - 2023 và các năm học tiếp theo. Theo đó, mức tăng học phí của TP. Hồ Chí Minh dự kiến tăng gấp 5 lần so với hiện tại.
Theo bà Nguyễn Thu Oanh, Vụ trưởng Vụ Thống kê giá, Tổng cục Thống kê, tác động của việc thực hiện lộ trình điều chỉnh giá dịch vụ giáo dục theo Nghị định 81 trong thời gian tới là rất lớn. Ước tính giá dịch vụ giáo dục (học phí các khoản khác liên quan) điều chỉnh sẽ làm cho CPI bình quân cả nước năm 2022 tăng thêm khoảng 0,55 - 1,05%.
Cần tính toán tác động để có lộ trình phù hợp
Theo Nghị định 81, năm 2022-2023 trở đi, học phí sẽ tăng lên rất nhiều song trong bối cảnh xăng dầu liên tục tăng giá, kéo theo nhiều mặt hàng tiêu dùng và sinh hoạt phí càng trở nên đắt đỏ hơn, nhưng thu nhập của các hộ gia đình không tăng theo tương ứng, gánh nặng chi tiêu đang trở nên ngày càng “quá tải” với một bộ phận không nhỏ các hộ gia đình.
Khó khăn càng lớn hơn cho các phụ huynh khi học phí, chỉ là một phần trong chi phí học hành. Học sinh đến trường còn cần sách giáo khoa, dụng cụ học tập và phải nộp nhiều khoản phụ phí khác. Các khoản thu thường đóng đổ dồn vào đầu năm càng khiến phụ huynh vất vả. Nếu một gia đình có 2 con, hoặc đông hơn, cùng đang theo học bậc phổ thông, riêng học phí đóng dồn đã là một khoản rất lớn.
Nhiều chuyên gia giáo dục cũng đã cảnh báo, việc tăng học phí cũng phải thận trọng chứ không thể đột ngột tăng một phát gấp vài lần như vậy.
TS. Lê Viết Khuyến, Phó Chủ tịch Hiệp hội các trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam cũng có ý kiến, mức tăng học phí các cấp ở trường công lập như Hà Nội dự kiến là quá cao. Với mức thu như vậy, áp dụng thu trong các năm học tới, người dân có thu nhập thấp sẽ khó khăn rất nhiều trong việc cho con đến trường.
Vấn đề tăng học phí cũng được các đại biểu Quốc hội đặc biệt quan tâm. Tại phiên giải trình về vấn đề học phí trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT vào ngày 1/6, đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi, đoàn Bến Tre kiến nghị trong Nghị định 81, mức học phí ở giai đoạn hiện nay so với giai đoạn trước đây tăng lên rất nhiều lần, có thể từ 3-5 lần. Trong điều kiện hiện nay, khi đời sống của người dân còn rất nhiều khó khăn, đặc biệt là do ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 vừa qua, nên có chỉ đạo thống nhất để tạm hoãn việc tăng học phí, ít nhất là trong năm tới để tạo điều kiện cho học sinh được đến trường, đời sống của người dân giảm bớt khó khăn.
Rõ ràng, trong bối cảnh hiện nay việc tăng học phí, không còn là chuyện riêng của ngành giáo dục mà cần được tính toán chặt chẽ hơn. Trong trường hợp tăng, cần tính toán nhiều câu hỏi bao gồm mức tăng, thời điểm tăng để giảm bớt gánh nặng cho người dân và sẽ giúp giảm bớt tác động của tăng giá lên chỉ số lạm phát toàn quốc.