Hỗ trợ đối với phương thức đào tạo ở nước ngoài trình độ tiến sĩ và thạc sĩ
Theo dự thảo, nội dung hỗ trợ đối với phương thức đào tạo toàn thời gian ở nước ngoài trình độ tiến sĩ và thạc sĩ bao gồm:
Học phí và các khoản có liên quan đến học phí: Thực hiện thanh toán theo hợp đồng ký kết giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo với cơ sở đào tạo, bồi dưỡng ở nước ngoài hoặc theo mức do cơ sở đào tạo, bồi dưỡng ở nước ngoài thông báo trong giấy báo tiếp nhận học viên (chi bằng đồng đô la Mỹ hoặc bằng đồng tiền của nước sở tại); tối đa không quá 25.000 đô la Mỹ/người học hoặc tương đương với đồng tiền của nước sở tại cho một năm học. Trường hợp mức học phí cao hơn mức 25.000 đô la Mỹ/người học/năm thì mức chênh lệch học phí cao hơn do người học tự chi trả.
Chi phí làm hộ chiếu, visa: Thanh toán theo mức quy định của Nhà nước đối với chi phí làm hộ chiếu và theo hóa đơn lệ phí visa thực tế của các nước nơi người học được cử đi đào tạo đối với chi phí làm visa.
Sinh hoạt phí bao gồm: sinh hoạt phí được tính toán để đảm bảo nhu cầu tối thiểu về sinh hoạt của người học ở nước ngoài bao gồm: tiền ăn, ở, chi phí đi lại hàng ngày, tiền tài liệu và đồ dùng học tập. Việc thanh toán sinh hoạt phí cho người học được cấp theo tháng hoặc quý đảm bảo không ảnh hưởng đến việc học tập, nghiên cứu của người học.
Mức bảo hiểm y tế bắt buộc: Thực hiện thanh toán theo mức quy định của nước sở tại (căn cứ theo mức thông báo trong giấy tiếp nhận học viên của cơ sở đào tạo) và được cấp bằng đồng đôla Mỹ hoặc bằng đồng tiền của nước sở tại; tối đa không vượt quá 1.000 USD/người/năm. Đối với những nước có quy định mức mua bảo hiểm y tế bắt buộc cao hơn định mức tối đa quy định ở trên, Bộ Giáo dục và Đào tạo xem xét, quyết định cụ thể trên cơ sở lấy ý kiến thỏa thuận của Bộ Tài chính.
Trường hợp người được cử đi đào tạo, bồi dưỡng có nguyện vọng mua bảo hiểm y tế ở mức cao hơn mức quy định tại Thông tư này thì phải tự bù phần chênh lệch.
Cũng theo đề xuất của Bộ Tài chính, người học được cấp một lượt vé từ Việt Nam đến nơi học tập và một lượt vé từ nơi học tập về Việt Nam (trừ trường hợp được phía bạn đài thọ) trong toàn bộ thời gian đào tạo, bồi dưỡng; Thực hiện thanh toán theo quy định hiện hành về chế độ và định mức chi tiêu ngân sách nhà nước.
Chi phí đi đường (để bù đắp các khoản lệ phí sân bay và thuê phương tiện đi lại từ sân bay về nơi ở) được cấp một lần với mức khoán là 100 USD/người/cho toàn bộ thời gian đào tạo.
Các khoản chi khác phát sinh trong quá trình đào tạo như: Chi phí chuyển và nhận tiền qua ngân hàng liên quan đến khóa đào tạo, bồi dưỡng ở nước ngoài (nếu có): Căn cứ vào các quy định của ngân hàng nước sở tại và ở Việt Nam, nếu có phát sinh lệ phí chuyển tiền hoặc nhận tiền qua ngân hàng thì Ngân sách nhà nước sẽ cấp khoản chi này theo thực tế phát sinh; Hỗ trợ chi phí để xử lý các rủi ro, bất khả kháng xảy ra với người được cử đi đào tạo: Trường hợp người được cử đi đào tạo tử vong: Hỗ trợ toàn bộ cước phí vận chuyển thi hài hoặc lọ tro từ nước ngoài về nước hoặc hỗ trợ phần còn thiếu của cước phí vận chuyển này sau khi bảo hiểm chi trả.
Trường hợp thời gian thực tế đào tạo nhiều hơn thời gian ghi trong Quyết định cử đi đào tạo của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo do nguyên nhân bất khả kháng, chỉ được thanh toán các chế độ, chính sách trong thời gian kéo dài khi có quyết định bổ sung của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo và không vượt quá thời gian quy định về hoàn thành chương trình đào tạo tại khoản 4 Điều 4 Thông tư số 25/2021/TT-BGDĐT ngày 8/9/2021 của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Hỗ trợ đối với phương thức đào tạo tiến sĩ tập trung toàn thời gian ở trong nước
Nội dung hỗ trợ bao gồm: Học phí nộp cho các cơ sở đào tạo ở trong nước, thực hiện thanh toán theo mức quy định của cơ sở đào tạo, tối đa không vượt quá khung học phí quy định tại Nghị định số 81/2021/NĐ-CP ngày 27 tháng 8 năm 2021 của Chính phủ quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo.
Theo dự thảo Thông tư, hỗ trợ kinh phí học tập, nghiên cứu cho người học bao gồm: Hỗ trợ kinh phí để người học thực hiện đề tài luận án, tham dự hội thảo, hội nghị ở trong nước, cụ thể như sau:
Nhóm ngành Y dược: 20 triệu đồng/người học/năm; Nhóm ngành Khoa học tự nhiên, kỹ thuật, công nghệ; nông, lâm, thủy sản, thể dục thể thao, nghệ thuật: 18 triệu đồng/người học/năm; Nhóm ngành Khoa học xã hội, kinh tế, luật; khách sạn, du lịch và nhóm ngành khác: 13 triệu đồng/người học/ năm. Thời gian hỗ trợ: Trong thời gian học tại cơ sở đào tạo (không quá 4 năm).
Hỗ trợ kinh phí để người học đăng bài báo khoa học quốc tế, tham dự hội nghị, hội thảo quốc tế và đi thực tập ngắn hạn ở nước ngoài: Ngân sách nhà nước hỗ trợ 100% phí công bố kết quả nghiên cứu trên tạp chí khoa học và công nghệ uy tín quốc tế thuộc danh mục Web of Science theo mức thông báo của tạp chí khoa học và công nghệ quốc tế với tư cách là tác giả chính hoặc tác giả liên hệ.
Người học có kết quả học tập tốt, đáp ứng các điều kiện theo quy định về chất lượng đào tạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo được mời đi tham dự các hội nghị, hội thảo quốc tế hoặc đi thực tập ngắn hạn ở nước ngoài được Ngân sách nhà nước hỗ trợ chi phí đi lại và sinh hoạt phí (tối đa không quá 01 lần trong cả thời gian đào tạo) theo quy định tại Thông tư số 102/2012/TT-BTC ngày 21 tháng 6 năm 2012 của Bộ Tài chính.
Ngoài nguồn hỗ trợ từ ngân sách nhà nước, các cơ sở đào tạo có thể huy động thêm từ các nguồn đóng góp, huy động hợp pháp khác để hỗ trợ kinh phí học tập, nghiên cứu cho người học theo quy chế chi tiêu nội bộ của đơn vị. Cơ sở đào tạo có trách nhiệm căn cứ vào các quy định về yêu cầu đào tạo tiến sĩ của Bộ Giáo dục và Đào tạo và các quy định tại Thông tư này để xây dựng tiêu chuẩn, tiêu chí và quy chế hỗ trợ đối với các người học đáp ứng các điều kiện để được nhận hỗ trợ theo các nội dung nêu trên và thông báo công khai.