Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Chương trình MTQG phát triển Kinh tế - Xã hội
vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
giai đoạn 2021-2030

Thanh Hóa: Hiệu quả từ đề án xây dựng nếp sống văn hóa trong vùng đồng bào Mông

Quỳnh Trâm - 21:14, 15/09/2023

Đề án “Tuyên truyền thực hiện nếp sống văn hóa trong tang lễ vùng đồng bào Mông tỉnh Thanh Hóa đến năm 2020”, được Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa phê duyệt tại Quyết định số 2181/QĐ-UBND, ngày 25/6/2013, được đánh giá là cuộc “cách mạng” thay đổi nhận thức của đại đa số đồng bào Mông trên địa bàn tỉnh. Đến nay, Đề án đang tiếp tục được thực hiện, với quyết tâm đưa nếp sống văn hóa trong tang lễ đồng bào Mông thành nền nếp, tập quán bền vững...

Tính đến hết năm 2020, Đề án với những nội dung nhiệm vụ triển khai đã đạt các mục tiêu như: Có 44/44 bản Mông có hương ước và thực hiện tốt quy ước nếp sống văn hóa trong tang lễ gắn với hương ước (đạt mục tiêu của Đề án). 100% đám tang thực hiện không bắn súng thông báo có người chết. Đã có 380/409 đám tang người dân tộc Mông (đạt 92.9%) thực hiện nếp sống văn hóa trong tang lễ theo quy định tại Thông tư số 04/2011/TT-BVHTTDL. Có 63/101 người là các trưởng dòng họ, trưởng bản, Người có uy tín của đồng bào Mông có văn bản cam kết, thực hiện theo đúng nội dung Đề án được duyệt (đạt 62,3% mục tiêu của Đề án đặt ra).

Công tác tuyên truyền thực hiện nếp sống văn hóa trong tang lễ, góp phần xóa bỏ hủ tục trong đồng bào dân tộc Mông tỉnh Thanh Hóa
Công tác tuyên truyền thực hiện nếp sống văn hóa trong tang lễ, góp phần xóa bỏ hủ tục trong đồng bào dân tộc Mông tỉnh Thanh Hóa

Để nếp sống văn hóa trong tang lễ trở thành nền nếp, tập quán bền vững, ngày 19/3/2021, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 60/KH-UBND triển khai công tác tuyên truyền thực hiện nếp sống văn hóa trong tang lễ vùng đồng bào Mông tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2021-2025. Công tác tuyên truyền được tiếp tục thực hiện ở các bản có đồng bào dân tộc Mông sinh sống thuộc các huyện Quan Sơn, Quan Hóa và Mường Lát.

Theo đó, từ năm 2021-2022, Ban Dân tộc tỉnh Thanh Hóa đã phối hợp với Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, các huyện Quan Sơn, Quan Hóa và Mường Lát, mở được 5 hội nghị tuyên truyền thực hiện nếp sống văn hóa trong tang lễ vùng đồng bào dân tộc Mông, với  trên 1.100 người là cán bộ chủ chốt cấp xã và đồng bào dân tộc Mông tham gia.

Năm 2023, Ban Dân tộc tỉnh đã xây dựng Kế hoạch số 51/KH-BDT, ngày 17/1/2023, tổ chức triển khai thực hiện công tác tuyên truyền, thực hiện nếp sống văn hóa trong tang lễ vùng đồng bào Mông. Đến nay, Ban Dân tộc đã phối hợp, tổ chức được 3 hội nghị tuyên truyền cho 439 đại biểu thuộc các xã vùng đồng bào Mông ở huyện Mường Lát.

Thông qua các hội nghị tuyên truyền, tiếp tục tạo sự thay đổi về nhận thức, niềm tin của đồng bào Mông trong thực hiện nếp sống văn hóa tang lễ; từ đó tự giác xóa bỏ những tập tục lạc hậu, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp, góp phần xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, văn minh.

Nhờ thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động,đến nay đã có 100% đám tang của đồng bào Mông đã thực hiện theo nếp sống văn hóa mới
Nhờ thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động, đến nay đã có 100% đám tang của đồng bào Mông đã thực hiện theo nếp sống văn hóa mới

Từ nhận thức đó, đội ngũ Người có uy tín, trưởng dòng họ đã có nhiều đóng góp tích cực trong công tác vận động xây dựng nếp sống văn hóa mới trong tang lễ. Điển hình như ông Thao Văn Sinh, Người có uy tín tại bản Ché Lầu, huyện Quan Sơn, là người có nhiều đóng góp trong cuộc “cách mạng” đưa người mất vào quan tài. 

Ông Sinh đã tích cực phối hợp với cấp ủy, chi bộ, ban quản lý bản thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động gia đình, dòng họ và bà con bản Ché Lầu xóa bỏ các tập quán lạc hậu, xóa đói, giảm nghèo bền vững, xây dựng đời sống văn hóa, thực hiện các quy ước, hương ước của bản. Đến nay, bản Ché Lầu đã thực hiện thành công việc đưa người mất vào quan tài, không tổ chức tang lễ linh đình, gây tốn kém trong gia đình. Bên cạnh đó, bản Ché Lầu đã và đang phấn đấu có nhiều hộ thoát nghèo, xây dựng thành công bản nông thôn mới vào năm 2025.

Ông Ngân Văn Hòa, Trưởng phòng Dân tộc huyện Quan Sơn cho biết. Tại huyện Quan Sơn, đồng bào dân tộc Mông sinh sống tại 3 bản: Ché Lầu (Na Mèo); Xía Nọi, Mùa Xuân (Sơn Thủy), với tổng số 216 hộ, 1.041 khẩu. Trước đây, theo tục lệ, người mất để lâu ngày trong nhà và treo trên chiếc cáng được đặt giữa gian nhà. Khi gia đình có người mất, những người con phải có trách nhiệm góp trâu, bò để tổ chức ăn uống, báo hiếu với người mất, để rồi tổ chức tang lễ xong thì gia đình cũng rơi vào kiệt quệ, nghèo thêm nghèo. Thời điểm đó, việc tuyên truyền để bà con hiểu và thay đổi phong tục từ lâu đời là rất khó khăn, nhưng đến nay việc đưa người mất vào quan tài đã được bà con đồng thuận cao, và hiện nay đã có 100% đám tang đã thực hiện theo nếp sống văn hóa mới.

Tuyên truyền nếp sống văn hóa trong cưới xin, tang lễ với người dân vùng đồng bào dân tộc Mông
Một buổi tuyên truyền nếp sống văn hóa trong cưới xin, tang lễ trong vùng đồng bào Mông

Ông Cầm Bá Tường, Phó trưởng Ban Dân tộc Thanh Hóa cho biết. Để việc thực hiện nếp sống văn hóa trong tang lễ vùng đồng bào Mông, trên địa bàn Thanh Hóa trở thành nền nếp, tập quán bền vững, Ban Dân tộc tiếp tục phối hợp với các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho đồng bào DTTS, phân tích rõ tác hại của các hủ tục, luật tục. Vận động Nhân dân từng bước xóa bỏ các hủ tục lạc hậu không còn phù hợp với đời sống hiện tại, gây lãng phí, tốn kém.

"Việc loại trừ các hủ tục, tập tục lạc hậu sẽ gắn liền với xây dựng môi trường văn hóa tiến bộ, lành mạnh, thường xuyên tổ chức các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể thao, bổ ích và thiết thực giúp bà con nâng cao nhận thức về pháp luật, xóa đói giảm nghèo, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc", ông Cầm Bá Tường thông tin thêm.

Tin cùng chuyên mục
Ban Dân tộc và Tôn giáo tỉnh Bạc Liêu: Trao quà cho học sinh và đồng bào DTTS có hoàn cảnh khó khăn

Ban Dân tộc và Tôn giáo tỉnh Bạc Liêu: Trao quà cho học sinh và đồng bào DTTS có hoàn cảnh khó khăn

Ngày 20/9, tại xã Vĩnh Trạch Đông (TP. Bạc Liêu), Ban Dân tộc và Tôn giáo phối hợp Hội Khuyến học tỉnh; UBND TP. Bạc Liêu tổ chức Chương trình tặng quà cho các hộ đồng bào DTTS nghèo, cận nghèo và trao học bổng cho học sinh DTTS. Đây là hoạt động nhằm chào mừng Đại hội Đại biểu các DTTS tỉnh Bạc Liêu lần thứ IV, năm 2024 và mừng Lễ Sene Dolta năm 2024, lễ cổ truyền của đồng bào dân tộc Khmer trên địa bàn tỉnh.