Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Thanh Hóa: Giữ gìn tiếng nói, chữ viết các DTTS trong xu thế hội nhập và phát triển

Quỳnh Trâm - 04:40, 25/11/2023

Những năm qua, sự giao thoa, hòa nhập giữa các dân tộc diễn ra mạnh mẽ, bên cạnh mặt tích cực, cũng tiềm ẩn những nguy cơ mai một bản sắc văn hóa của các dân tộc. Trước thực tế đó, đã có không ít người con DTTS đau đáu với nỗi niềm giữ gìn tiếng nói, chữ viết và văn hóa của dân tộc mình bằng nhiều cách khác nhau.

Văn hóa dân tộc trước nguy cơ mai một

Là người dân tộc Thổ, sinh ra và lớn lên ở thị trấn Yên Cát, huyện Như Xuân (Thanh Hóa), ông Lê Văn Cứu luôn đau đáu làm sao để giữ gìn được ngôn ngữ của dân tộc mình, khi nhìn thấy nhiều người trẻ sử dụng tiếng phổ thông nhiều hơn trong đời sống.

Đồng bào Thổ không có chữ viết, còn tiếng Thổ đang đứng trước nguy cơ mai một cần được bảo tồn
Đồng bào Thổ không có chữ viết, còn tiếng nói đang đứng trước nguy cơ mai một cần được bảo tồn

Với sự trăn trở, ông Cứu tâm huyết sưu tầm các hiện vật; cũng như tìm hiểu phong tục, tập quán, đời sống, văn hóa của đồng bào dân tộc Thổ. Ông có cuốn sổ ghi chép dưới dạng thơ lục bát tìm hiểu về phong tục, tập quán, dân ca dân tộc Thổ (song ngữ tiếng Thổ - tiếng Việt). Ông cũng là người lập nên trang facebook (FB) “Người Thổ nói tiếng Thổ, yêu vốn cổ”.

Trang FB đã thu hút hàng nghìn người theo dõi, chia sẻ và trao đổi về các nội dung liên quan đến văn hóa của đồng bào Thổ, trong đó có tiếng nói. Không chỉ hoạt động trên trang FB, những “Người Thổ nói tiếng Thổ, yêu vốn cổ” còn tổ chức các buổi gặp gỡ, giao lưu trực tiếp.

Ông Lê Văn Cứu tâm huyết sưu tầm các hiện vật cũng như tìm hiểu phong tục, tập quán, đời sống, văn hóa của đồng bào dân tộc Thổ
Ông Lê Văn Cứu tâm huyết sưu tầm các hiện vật cũng như tìm hiểu phong tục, tập quán, đời sống, văn hóa của đồng bào dân tộc Thổ

Ông Lê Văn Cứu cho biết: Đồng bào dân tộc Thổ huyện Như Xuân sinh sống chủ yếu ở thị trấn Yên Cát và một số xã như: Hóa Quỳ, Cát Tân, Cát Vân, Xuân Bình, Bãi Trành. Đồng bào Thổ không có chữ viết, còn tiếng Thổ đang đứng trước nguy cơ mai một. Ông và nhiều người cao tuổi đều đau đáu và mong muốn thế hệ con cháu mình yêu và học lấy tiếng Thổ để không bị mất đi nét văn hóa dân tộc mình. Từ những năm 1995, 1996, ông Cứu bắt đầu sưu tầm, biên soạn, nghiên cứu phong tục, tập quán người Thổ và ghi chép theo hình thức thơ lục bát bằng tiếng Thổ cho dễ đọc, dễ nhớ, dễ hiểu. 

Mục đích để mỗi người con dân tộc Thổ hiểu thêm về phong tục, tập quán, đời sống sinh hoạt của tổ tiên, ông bà xưa. Từ đó, gạn đục khơi trong, kế thừa và phát huy những tinh hoa, loại bỏ hủ tục trong mỗi gia đình, để thế hệ trẻ nói tiếng dân tộc thì ông bà, cha mẹ phải làm gương và truyền dạy lại tiếng nói cho con, cháu của mình.

Tương tự, cô giáo Hà Thị Khuyên, giáo viên bộ môn Ngữ văn, đồng thời là người truyền dạy tiếng nói, chữ viết của dân tộc Thái của Trường THPT Quan Sơn. Từ năm 2012 đến nay, ngoài việc dạy tiếng Thái cho các em ở trường, cô Khuyên còn là cộng tác viên của Trường Đại học Hồng Đức và Sở Giáo dục và Đào tạo Thanh Hóa để dạy các lớp chuyên đề, tổ chức thi, kiểm tra, cấp chứng chỉ tiếng Thái cho cán bộ, công chức, viên chức tại tỉnh Thanh Hóa.

Em Lò Thị Lê, học sinh lớp 10A5, Trường THPT Quan Sơn, nhà ở bản Lầu, xã Sơn Hà (Quan Sơn), cho biết: "Mặc dù sinh ra và lớn lên trong gia đình ở bản người Thái, từ nhỏ đến bây giờ, em đều nói tiếng mẹ đẻ, thế nhưng chưa bao giờ viết được chữ của dân tộc mình. Mãi đến năm vào lớp 10, em được cô Hà Khuyên dạy cho từng nét chữ, em mới cảm nhận được tình yêu về ngôn ngữ, chữ viết của dân tộc”.

Cô Hà Khuyên đang chỉ cho học trò về cuốn sách chữ Thái cổ
Cô Hà Khuyên đang chỉ cho học trò về cuốn sách chữ Thái cổ

Không chỉ dạy tiếng Thái cho học sinh trong trường, còn có rất nhiều đối tượng là cán bộ công chức, viên chức công tác ở vùng có đồng bào Thái sinh sống; cán bộ hưu trí, sinh viên, lao động tự do, họ đều là những người yêu mến văn hóa Thái...đến nhờ cô Hà Khuyên dạy tiếng dân tộc.

Cùng với việc dạy học, cô Hà Khuyên còn tham gia vào Ban Chấp hành Hội Dân tộc học và Nhân học huyện Quan Sơn. Tích cực sưu tầm và dịch các văn bản, tác phẩm bằng tiếng Thái cổ sang Tiếng Việt, cô giáo Hà Thị Khuyên cùng các cộng sự vinh dự đoạt giải ba của Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam năm 2017, với tác phẩm “Lai Xư Tày Đeng”.

Tiếng nói, chữ viết là hồn cốt của dân tộc

Trong cộng đồng dân tộc Mường tỉnh Thanh Hóa, trong số các nhà nghiên cứu, am hiểu về văn hóa dân tộc Mường phải nhắc đến nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Cao Sơn Hải quê ở huyện Cẩm Thủy, hiện đang sinh sống tại TP Thanh Hóa. Ông đã có hàng chục công trình, chưa kể đến thơ, tuyển tập thơ, rồi tham gia tập hợp, biên soạn tổng tập văn học dân gian các dân tộc thiểu số tỉnh Thanh Hóa.

Ông chia sẻ: Nếu văn hóa Mường mất đi, ông thấy tiếc vô cùng. Ông sợ nếu không làm nữa, không nghiên cứu, không viết, thì những công trình ấy cũng theo ông sang thế giới bên kia. Vừa qua, ông được trao tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học - nghệ thuật với chùm 3 tác phẩm: “Những bài ca đám cưới người Mường Thanh Hóa”, “Lễ Pồn Pôông eng cháng” (song ngữ), truyện thơ “Nàng Út Lót - đạo Hồi Liêu” (tình ca dân tộc Mường, song ngữ). 

Giải thưởng cao quý ấy là “quả ngọt” của cho một đời người tận tụy. Tin rằng, sự nỗ lực của mỗi cá nhân, sự quan tâm của các cấp, các ngành và chung tay của cộng đồng, tiếng nói, chữ viết của đồng bào DTTS xứ Thanh sẽ mãi được gìn giữ, bảo tồn, song hành cùng các giá trị văn hóa truyền thống của mỗi dân tộc và sự phát triển của quê hương, đất nước

Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Cao Sơn Hải
Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Cao Sơn Hải

PGS.TS Lê Ngọc Thắng, nguyên Viện trưởng Viện Dân tộc, Ủy ban Dân tộc của Chính phủ, cho biết: Văn hóa các DTTS là một bộ phận cấu thành quan trọng của nền văn hóa Việt Nam. Trong xu thế phát triển hiện nay, các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Thổ nói riêng, DTTS nói chung đang dần bị mai một, trong đó có tiếng nói, chữ viết, trang phục, kiến trúc... Nguyên nhân chủ yếu là do tốc độ đô thị hóa, phát triển kinh tế - xã hội gắn với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và sự du nhập mạnh mẽ của các yếu tố văn hóa ngoại lai. Dù vô thức hay có ý thức đều tác động “lặng lẽ” đến từng gia đình, nhất là thế hệ trẻ, ảnh hưởng lớn đến công tác bảo tồn.

Để bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa truyền thống của đồng bào các  DTTS, các cơ quan quản lý Nhà nước, cấp ủy, chính quyền địa phương, cộng đồng dân tộc cần nhìn nhận, đánh giá lại các giá trị văn hóa truyền thống, từ đó xác định các giải pháp cụ thể, trọng tâm để bảo tồn. Tăng cường công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của người dân, khơi dậy lòng tự hào, tự tôn dân tộc trong thế hệ trẻ để không đánh mất các giá trị văn hóa mà cha ông để lại.

Tin cùng chuyên mục
Ninh Thuận: Tổ chức thành công Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024

Ninh Thuận: Tổ chức thành công Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024

Ngày 22/11, tại TP. Phan Rang-Tháp Chàm, UBND tỉnh Ninh Thuận long trọng tổ chức Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024 với chủ đề: “Các dân tộc tỉnh Ninh Thuận đoàn kết, đổi mới sáng tạo, phát huy lợi thế, tiềm năng, hội nhập và phát triển bền vững”. Đến dự có Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc (UBDT) Nông Thị Hà; Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND tỉnh Phạm Văn Hậu; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trịnh Minh Hoàng, lãnh đạo các sở, ban, ngành, các huyện, thành phố cùng 250 đại biểu đại diện cho gần 170.000 đồng bào các DTTS trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận.