Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Hồi sinh chữ nôm Dao ở xứ Thanh: Giữ gìn vốn quý của người xưa (Bài 1)

Quỳnh Trâm - 09:03, 14/10/2022

Dân tộc Dao ở Thanh Hóa có khoảng 6.000 người, sinh sống chủ yếu ở Mường Lát, Ngọc Lặc, Cẩm Thủy. Người Dao trước kia dùng chữ nôm trong học tập, ghi chép các bài hát dân ca, gia phả, bài cúng, bài thuốc, câu đối, dạy con trẻ về lễ nghĩa, học nghề, di chúc... Chữ nôm Dao còn được dùng phổ biến trong lễ cấp sắc, Tết nhảy, cầu mùa, làm nhà. Do vậy, việc duy trì, phát huy chữ nôm Dao trong đời sống của đồng bào, chính là giữ gìn bản sắc văn hóa của cha ông...

Các cá nhân, tập thể có thành tích trong việc sưu tầm, biên soạn chữ Nôm Dao xứ Thanh
Các cá nhân, tập thể có thành tích trong việc sưu tầm, biên soạn chữ Nôm Dao xứ Thanh

Trong quá trình hội nhập, nhiều bản sắc văn hóa đứng trước nguy cơ thất truyền, hoặc mai một, trong đó, tiếng nói, chữ viết của đồng bào Dao không nằm ngoại lệ. Những năm qua, tỉnh Thanh Hóa đã đặc biệt quan tâm từ chủ trương đến hành động, nhằm hỗ trợ đồng bào Dao bảo tồn và phát huy chữ nôm Dao trong đời sống cộng đồng.

Nỗ bảo tồn và phát huy 

Dân tộc Dao ở Thanh Hóa có tiếng nói, chữ viết; có trang phục và tập quán, tín ngưỡng riêng. Hiện nay, người Dao vẫn giữ được tiếng mẹ đẻ của dân tộc mình, ít pha tạp tiếng dân tộc khác. Đặc biệt, khi người Dao khi sinh sống cũng địa bàn với các dân tộc khác, họ còn có thể thông thạo tiếng của các dân tộc này. Ví dụ như, ngoài tiếng Việt phổ thông, người Dao ở huyện Mường Lát còn thông thạo tiếng Thái; người Dao huyện Cẩm Thủy và Ngọc Lặc còn thông thạo tiếng Mường để giao tiếp trong vùng.

Trong lịch sử phát triển của mình, người Dao đã sáng tạo ra một loại chữ gọi là chữ nôm Dao để ghi chép, như: Gia phả, các bài cúng, truyển cổ, ca dao, dân ca... được ông cha lưu giữ bằng nhiều quyển sách cổ dùng để dạy chữ, dạy nghĩa, dạy kinh nghiệm làm ăn, sinh sống, đối nhân sử thế, dạy đoán thời tiết để làm mùa vụ, chăm sóc sức khỏe và thực hiện các tập quán, tín ngưỡng… đây là tài sản vô giá của dân tộc Dao và của văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Lớp trẻ tham gia học chữ Nôm Dao
Lớp trẻ tham gia học chữ Nôm Dao

Trước đây, do nhiều yếu tố như: Sống du canh, du cư, phân tán trong rừng núi, đời sống gặp nhiều khó khăn, nên người Dao không có điều kiện để tổ chức dạy và học chữ nôm Dao mà chỉ học thông qua bạn bè, với ông cha và những người cao tuổi biết chữ nôm Dao. Do vậy, số lượng người biết chữ nôm Dao đang ngày càng ít, hơn nữa nhiều cụ biết tiếng Dao nay đã già yếu 70 – 80 tuổi, nên việc bảo tồn và gìn giữ chữ nôm Dao gặp nhiều khó khăn và có nguy cơ mai một.

Trước tình trạng đó, năm 2014, Hội Dân tộc học và Nhân học tỉnh Thanh Hóa đã phối hợp với các nghệ nhân dân tộc Dao biết chữ nôm Dao, sưu tầm, biên soạn Bộ chữ nôm Dao Thanh Hóa. Bộ chữ đã được Hội đồng Khoa học cấp tỉnh thẩm định và được Sở Khoa học và Công nghệ, Ban Dân tộc trình UBND tỉnh Thanh Hóa phê duyệt và UBND tỉnh đã có Quyết định số 877/QĐ – UBND ngày 17/3/2015 phê chuẩn Bộ chữ nôm Dao Thanh Hóa (đây cũng là Bộ chữ nôm Dao đầu tiên của cả nước được phê chuẩn). Bộ chữ không chỉ dùng cho người Dao Thanh Hóa, mà còn được người Dao các tỉnh Hòa Bình, Sơn La, Lào Cai, Yên Bái…dùng để dạy cho con em mình.

Ông Trần Văn Thịnh, Chủ tịch Hội Dân tộc học và Nhân học tỉnh Thanh Hóa cho biết: Người Dao dùng chữ Hán để ghi chép những vấn đề liên quan đến cuộc sống nhưng chữ Hán được đồng bào đọc theo âm ngữ riêng và dần đã trở thành chữ viết của dân tộc Dao. Nhờ có chữ viết nên đến nay, người Dao còn lưu giữ được nhiều thông tin về nguồn gốc tổ tiên, dòng họ, gia đình, tôn giáo, tín ngưỡng, tập quán tộc người, lễ tết...

Trên cơ sở Bộ chữ nôm Dao được phê chuẩn, Hội Dân tộc học và Nhân học, Ban Dân tộc đã trình Chủ tịch UBND tỉnh, hỗ trợ kinh phí dạy chữ nôm Dao cho đồng bào dân tộc Dao Thanh Hóa.

Đồng bào Dao xứ Thanh
Đồng bào Dao xứ Thanh

Năm 2016, Hội đã chủ trì phối hợp với Trường Đại học Hồng Đức tổ chức 01 lớp bồi dưỡng chữ nôm Dao nâng cao cho 44 học viên là người Dao các huyện: Ngọc Lặc, Cẩm Thủy, Mường Lát. Để từ đây, các học viên này sẽ trở thành những giáo viên dạy chữ nôm Dao ở cơ sở. Kết quả có 40 học viên đã được Trường Đại học Hồng Đức cấp chứng chỉ đạt yêu cầu.

Theo đó, từ năm 2017 đến nay, Hội đã phối hợp với các huyện Ngọc Lặc, Cẩm Thủy, Mường Lát, mở 18 lớp học chữ nôm Dao với 650 học viên. Từ những lớp học này, chữ nôm Dao ở Thanh Hóa, đang từng ngày được hồi sinh trong cộng đồng người Dao. Qua đó, những tri thức, bản sắc giá trị văn hóa của cha ông được bảo tồn và ngày càng phát huy.

Chia sẻ về ý nghĩa, tầm quan trọng của bảo tồn và phát huy chữ nôm Dao, ông Phùng Thanh Khương, Trưởng thôn Phú Sơn, xã Cẩm Châu (Cẩm Thủy) kể, cả cuộc đời gắn bó với mảnh đất Phú Sơn, ông am hiểu sâu rộng các tri thức về phong tục, tập quán, các tri thức về canh tác nông nghiệp (mở mương dẫn nước, đào ruộng), là nhờ từ bé, ông đã được bố mẹ động viên, tạo điều kiện cho học chữ nôm Dao và các phong tục tập quán của người Dao. 

Ông bảo, với những gì ông hiểu được, nắm bắt được về bản sắc văn hóa dân tộc Dao, ông sẽ quyết tâm trước là phục vụ cho gia đình, làng xóm; sau là truyền dạy cho con cháu. Do vậy, với sự nỗ lực hết mình, ông đã đưa ra nhiều hình thức giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc Dao, đặc biệt là việc truyền dạy chữ nôm Dao.

Cần có kế hoạch dài hạn

Lớp học chữ Nôm Dao xứ Thanh. Ảnh: TTXVN
Lớp học chữ Nôm Dao xứ Thanh. Ảnh: TTXVN

Tuy nhiên, từ thực tế, kết quả việc dạy chữ nôm Dao ở Thanh Hóa, chưa thể đáp ứng yêu cầu bản tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc Dao, như: Việc dạy và học chữ nôm Dao mới thực hiện trong cộng đồng người Dao, số lượng được tham gia còn ít so với nhu cầu người Dao. Chưa triển khai dạy và học trong các trường học phổ thông.

Đặc biệt, tiếng nói, chữ viết dân tộc Dao sử dụng trong các hoạt động văn hóa, sưu tầm các tác phẩm văn hóa dân gian, trong sáng tác văn học nghệ thuật, chưa được triển khai thực hiện.

Theo ông Thịnh, để bảo tồn tiếng Dao, chữ nôm Dao cần có chương trình, kế hoạch dài hạn dạy và học tiếng nói, chữ viết các DTTS, trong đó có dân tộc Dao Thanh Hóa để đáp ứng nhu cầu học chữ nôm Dao và bảo tồn tiếng Dao. Trọng tâm hiện nay là đào tạo, bồi dưỡng giáo viên; biên soạn tài liệu thích hợp cho các đối tượng học; làm rõ cơ quan, đơn vị chịu trách nhiệm quản lý chỉ đạo, tổ chức thực hiện; hỗ trợ chế độ chính sách đối với giáo viên, học viên các lớp học cộng đồng…

Hỗ trợ, tạo điều kiện cho các nhà nghiên cứu, các nhà khoa học, các trí thức người Dao biên soạn và xuất bản các sách cộng cụ hỗ trợ dạy và học chữ nôm Dao, tiếng Dao như: Từ điển tiếng Dao – Việt, sổ tay tiếng Dao – Việt, ngữ pháp tiếng Dao...; Chú trọng sử dụng đồng thời tiếng Dao, chữ nôm Dao và tiếng, chữ viết phổ thông trong thông tin, giáo dục, truyền thông, triển lãm… Quan tâm công tác sưu tầm, biên dịch các sách cổ chữ nôm Dao; in ấn và phát hành các loại văn hóa phẩm bằng tiếng Dao, chữ nôm Dao.

Bên cạnh đó, các cấp, các ngành của tỉnh, nhất là các huyện có nhiều người Dao tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ và Nhân dân về học chữ Nôm Dao để bảo tồn tiếng nói, bản sắc văn hóa dân tộc Dao.

Người Dao ở xứ Thanh được gọi bằng nhiều tên khác nhau, như: Mán, Động, Trại,…Người Dao tự nhận là Kiền Miền hay Kiền Mùn, đều có nghĩa là người ở núi rừng. Ngoài ra, người Dao còn có tên là Dìu Miền, phát âm theo Hán – Việt là Dao nhân, tức là người Dao. Từ năm 1979 đến nay, nước ta chính thức gọi là dân tộc Dao.

Tin cùng chuyên mục
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình: Rà soát, lựa chọn các dự án đầu tư có trọng tâm thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình: Rà soát, lựa chọn các dự án đầu tư có trọng tâm thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS

Sáng 9/11, tại Tp. Pleiku, tỉnh Gia Lai, Ủy ban Dân tộc phối hợp với các ban, bộ, ngành Trung ương và các địa phương tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I từ năm 2021 - 2025 (gọi tắt là Chương trình MTQG 1719) khu vực miền Trung - Tây Nguyên và đề xuất nội dung Chương trình MTQG 1719 giai đoạn II từ năm 2026 - 2030.