Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Học chữ Dao để hiểu thêm nhiều điều hay

Trọng Bảo - 11:56, 08/04/2021

Nhiều năm qua, ông Chảo Láo Sử, thôn Phìn Hồ, xã Tả Phời, TP. Lào Cai (tỉnh Lào Cai) đã bỏ công sức và thời gian để truyền dạy miễn phí chữ Nôm Dao cho trẻ em trong thôn, chỉ với mong muốn giữ gìn di sản văn hóa quý báu của dân tộc mình.

Ông Chảo Láo Sử hướng dẫn trẻ nhỏ viết từng con chữ.
Ông Chảo Láo Sử hướng dẫn trẻ em viết từng con chữ.

Ánh điện yếu ớt hắt ra giữa màn sương mù, giúp chúng tôi tìm được lớp học chữ Nôm Dao của ông Chảo Láo Sử. Trong phòng học của một phân hiệu cũ bỏ không, những bộ bàn ghế không còn nguyên vẹn, lũ trẻ nhỏ cặm cụi đánh vần từng con chữ rồi cầm bút tập viết từng nét.

5 giờ sáng và 7 giờ tối hằng ngày, chẳng cần tiếng trống giục giã, hơn 30 đứa trẻ tự giác, ngoan ngoãn ngồi vào bàn ôn bài cũ, xong lại học chữ mới. Những con chữ tượng hình phức tạp và nhiều tầng nghĩa nhưng lại cuốn hút lũ trẻ nhỏ đến lạ kỳ, có lẽ do các em đang được học những gì vốn thuộc về mình. Ngoài trời sương mù phủ xuống ướt đẫm cả sân trường, các bậc phụ huynh đưa con đến lớp vẫn nán lại xem con học.

Năm nào cũng vậy, lớp học chữ Nôm Dao được ông Sử khai giảng vào dịp Tết Nguyên đán bởi theo phong tục người Dao, học chữ vào đầu năm mới sẽ mang đến nhiều điều tốt lành. Ông tự tay soạn bài giảng, bỏ tiền mua sách vở cho trẻ nhỏ, gác việc nhà để lên lớp mỗi ngày hai buổi.

Ông Sử cho biết: Sách dân tộc Dao có nhiều triết lý lắm. Sách không chỉ chứa đựng những kinh nghiệm lao động sản xuất, phong tục tập quán mà còn là những bài học dạy làm người. Những người đã được học chữ Dao và biết đọc sách của dân tộc Dao, sẽ biết thêm được nhiều điều hay. Tuyệt nhiên chẳng có ai sa vào tệ nạn xã hội hay nghe lời dụ dỗ của những đối tượng xấu.

Theo ông Sử, nếu trước đây, chữ Nôm Dao được lưu giữ bằng cách truyền dạy trong gia đình, thì hiện nay hầu như không còn. Đời sống phát triển, thanh thiếu niên có điều kiện tiếp cận, giao lưu với nhiều nguồn văn hóa khác nên họ cũng dần lãng quên, không mặn mà với con chữ mang bản sắc của dân tộc mình nữa. 

Trong khi, người già biết chữ ngày một thưa dần khiến chữ Nôm Dao đứng trước nguy cơ chẳng còn ai biết đến. Điều đó khiến ông Sử vô cùng trăn trở, và là động lực thôi thúc ông dành thời gian truyền dạy chữ Dao cho lớp trẻ trong thôn.

Lớp học thu hút đông đảo thanh, thiếu niên trong thôn tham gia
Lớp học thu hút đông đảo thanh, thiếu niên trong thôn tham gia

Để nâng cao hiệu quả việc dạy và học, ông Sử còn huy động cả anh em, họ hàng, những người biết chữ trong gia đình hỗ trợ kèm cặp, chỉ bảo từng đứa trẻ. Nhờ đó, dù lớp học mới được hơn hai tháng, nhưng hầu hết bọn trẻ đã nhận biết được nhiều mặt chữ, có thể đọc được những đoạn văn, câu châm ngôn ngắn…

Chỉ mong Nhà nước có chính sách đối với việc giữ gìn, bảo tồn chữ Nôm Dao. Có như vậy thì bản sắc văn hóa của người Dao mới gìn giữ muôn đời được.

Ông Chảo Láo Sử

Ngoài thời gian giảng dạy, ông Sử còn bỏ nhiều công sức đế sưu tầm, khôi phục lại những cuốn sách cổ và nâng niu chúng như báu vật.

Ông Sử cũng là tấm gương sáng cho tinh thần học tập để nâng cao trình độ. Trước đây, đường từ trung tâm xã lên thôn Phìn Hồ còn nhiều khó khăn, ông Sử phải đi bộ cả ngày được để học phổ thông rồi học chính trị. 

Ông bảo, đi học để làm gương cho con cháu, rồi có thể giúp được gì cho bà con thôn bản thì giúp. Noi gương ông, bà con trong thôn đều cho con cái mình đi học ở trường, ở lớp để biết cái chữ, để học làm người.

Kho tàng văn hóa các dân tộc vô cùng phong phú và độc đáo; tuy nhiên, cùng với sự phát triển chung của xã hội, những nét đặc sắc trong văn hóa đồng bào các DTTS cũng dần mai một. Tuy nhiên, vẫn có thể hy vọng, bởi có những người như ông Sử đã và đang ngày đêm góp sức nhỏ bé của mình bảo tồn và gìn giữ những nét văn hóa đặc sắc đó.


Tin cùng chuyên mục
Tăng cường nâng cao năng lực cho người dân vùng DTTS và miền núi Nghệ An

Tăng cường nâng cao năng lực cho người dân vùng DTTS và miền núi Nghệ An

Nhằm thúc đẩy đồng bào các DTTS phát triển toàn diện trên các lĩnh vực đời sống, kinh tế, xã hội, trong nhiều năm qua, việc nâng cao kiến thức, trình độ, năng lực… cho người dân vùng đồng bào DTTS và miền núi Nghệ An được các cấp, các ngành trong tỉnh rất quan tâm. Đặc biệt, từ khi triển khai Chương trình MTQG phát triển kinh tế -xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn I: từ năm 2021-2025 (Chương trình MTQG 1719) nội dung này càng được thực hiện bài bản, quyết liệt hơn nhờ nguồn lực đầu tư, hỗ trợ của Chương trình.