Học tiếng của đồng bào
Khi mới ra trường,Thiếu tá Đinh Hồ Bắc, Đội Vận động quần chúng thuộc Đồn Biên phòng Si Ma Cai rất bỡ ngỡ với môi trường công tác mới. Đặc biệt, với một địa bàn chủ yếu đồng bào Mông sinh sống, việc không biết tiếng địa phương khiến cho công việc của anh Bắc càng gặp nhiều khó khăn hơn.
Trong ký ức của Thiếu tá Bắc vẫn không thể quên những ngày đầu được phân công về công tác tại Đồn Biên phòng A Mú Sung, buyện Bát Xát. Nơi đây gần như 100% dân số là đồng bào DTTS sinh sống, biết tiếng phổ thông rất ít. Anh vẫn nhớ người đầu tiên dạy tiếng Mông cho anh là Lầu A Chao, ở xã Ngải Thầu. Anh Chao là hộ di dân ra biên giới A Mú Sung sinh sống.
"Khi tôi bày tỏ mong muốn học tiếng Mông, anh Chao rất vui và hứa sẽ dạy khi nào tôi nói bằng được tiếng Mông. Những ngày đầu là học nói những câu ngắn, đơn giản, dần dần học những câu diễn đạt dài hơn. Không chỉ dạy tiếng, anh Chao còn hướng dẫn, chỉ bảo cho tôi những phong tục tập quán và văn hóa của người Mông nơi đây”, Thiếu tá Bắc kể.
Nhiệm vụ của một chiến sỹ BĐBP luôn phải tuân thủ theo sự phân công của cấp trên. Qua mỗi đơn vị công tác, tiếp xúc với từng dân tộc tại nơi đóng quân, với tinh thần ham học hỏi, Thiếu tá Bắc lại biết được thêm một thứ tiếng. Hiện anh Bắc có thể nói thuần thục tiếng Mông, Dao, Giáy, Nùng, Khmer...
“Nói được tiếng của đồng bào giúp tôi gần gũi với bà con hơn, rất thuận lợi trong quá trình công tác. Từ đó, bà con coi mình như con cái trong nhà, đường biên, cột mốc có gì bất thường là thông tin ngay”, Thiếu tá Bắc chia sẻ.
Ở Đồn Biên phòng Mường Khương, chúng tôi được chỉ huy đơn vị giới thiệu Đại úy Lê Minh Tài. Đại uý Tài quê Nam Định, nhận nhiệm vụ ở tổ công tác thôn Dê Chú Thàng, thị trấn Mường Khương, anh cũng là một trong những người lính “nói tiếng Mông như gió”.
Nâng cao hiệu quả công tác
Chia sẻ với chúng tôi, Đại úy Tài cho biết: Có lẽ do đặc thù công tác nên thời gian ăn, ở với bà con nhiều nên bản thân cũng “ngấm” dần tiếng địa phương. Không chỉ nói thông thạo tiếng Mông, Đại úy Tài còn nói được tiếng Tày, tiếng Nùng. Bởi vậy, ở những địa bàn mà anh từng công tác như xã vùng cao Tả Gia Khâu, xã Nậm Chảy và hiện nay là tại Đồn Biên phòng Mường Khương, đi đến đâu bà con luôn coi anh như người thân trong nhà.
“Trong công tác tuyên truyền vận động, nếu không biết tiếng địa phương, mà chỉ sử dụng tiếng phổ thông, thì hiệu quả mang lại rất thấp. Đấy là chưa kể sẽ tạo khoảng cách với bà con. Mà khi bà con không tin, không thương mình như con cháu trong nhà sẽ không chia sẻ, thông tin kịp thời những vấn đề nảy sinh tại cơ sở đâu”, Đại úy Tài tâm sự.
Những cán bộ, chiến sỹ thuộc lực lượng BĐBP tỉnh Lào Cai thông thạo tiếng địa phương như Thiếu tá Bắc, Đại úy Tài không phải là trường hợp cá biệt. “Đồn là nhà, biên giới là quê hương, đồng bào các dân tộc là anh em ruột thịt”; thấm nhuần nội dung này, trong những năm qua, cán bộ, chiến sỹ BĐBP Lào Cai không ngừng nỗ lực học tập, tìm hiểu phong tục tập quán của địa phương; đặc biệt, là học tiếng dân tộc nơi mình đóng quân. Nói được tiếng đồng bào giúp cho công tác tuyên truyền vận động của cán bộ, chiến sỹ trong lực lượng hiệu quả hơn rất nhiều.
Nhờ những cán bộ thông thạo tiếng dân tộc, nắm vững địa bàn như anh Tài, anh Bắc mà thời gian qua, các Đồn Biên phòng trên tuyến biên giới Lào Cai trong quá trình phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương tổ chức tuyên truyền, vận động cho Nhân dân trên địa bàn không tham gia tiếp tay cho buôn lậu, vận chuyển hàng hóa trái phép, chấp hành nghiêm Luật biên giới Quốc gia…hiệu quả hơn rất nhiều. Qua đó, kịp thời giải quyết những vụ việc phức tạp xảy ra tại cơ sở, không để xảy ra điểm nóng ở khu vực biên giới.
Việc hiểu tiếng đồng bào để biết được tâm tư, mong muốn của đồng bào, giúp cán bộ, chiến sỹ BĐBP tham mưu hiệu quả hơn cho cấp ủy, chính quyền địa phương xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; xóa đói giảm nghèo, từng bước xây dựng biên giới hòa bình và phát triển.