Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Thanh Hóa: Đưa giáo dân vạn chài lên bờ để “an cư lạc nghiệp”

Quỳnh Trâm - 06:17, 13/12/2023

Nhờ sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, những gia đình Công giáo ở huyện Thọ Xuân (Thanh Hóa) đã có đất, có nhà ở trên bờ sau hàng chục năm lênh đênh trên sông nước mưu sinh, với cuộc sống lam lũ và bất định. Sau khi lên bờ, các hộ giáo dân đã được an cư, tích cực tham gia các phong trào thi đua, các cuộc vận động, góp phần phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, xây dựng cuộc sống ổn định, hạnh phúc.

Giấc mơ thành hiện thực

Có dịp đến thăm những khu tái định cư của đồng bào công giáo ở xã Xuân Tín, huyện Thọ Xuân (Thanh Hóa), cảm nhận về cuộc sống của bà, chúng tôi cũng không khỏi phấn chấn khi chứng kiến niềm hạnh phúc của bà con khi được sống trong những ngôi nhà kiến cố, cuộc sống ổn định.

Trao nhà đại đoàn kết cho các hộ công giáo nghèo sinh sống trên sông tại huyện Thọ Xuân
Trao nhà đại đoàn kết cho các hộ công giáo nghèo sinh sống trên sông tại huyện Thọ Xuân

Gia đình ông Nguyễn Văn Quang (SN 1963) - một trong những hộ đầu tiên của đồng bào công giáo sinh sống trên sông ở thôn 17, xã Xuân Tín (Thọ Xuân) được cấp đất, hỗ trợ làm nhà. Sau 13 năm lên bờ, gia đình ông Quang đã có nhiều thay đổi tích cực. Từ việc cả gia đình với 9 thành viên ở trong con thuyền nhỏ hẹp chưa đến 30m2 lênh đênh trên dòng sông Chu, nay gia đình ông đã xây dựng được ngôi nhà 2 tầng khang trang. Các con của ông có cuộc sống ổn định, đời sống vật chất, tinh thần được nâng lên rõ nét.Với gia đình ông, mọi thứ cứ như một giấc mơ.

Nhớ lại cuộc sống trước đây, khi còn lênh đênh làm nghề chài lưới trên sông, ông không khỏi ái ngại. Có những đêm ngủ, ông còn mơ thấy cảnh những ngày mưa bão trên sông. Sóng gió có thể nhấn chìm cả nhà bất cứ lúc nào, giữa đêm hôm sông nước không biết cầu cứu vào ai. Ngày mưa bão không thể đi đánh bắt cá, không có tiền đong gạo, cả nhà phải ăn cháo loãng.

“Ngày đó, chúng tôi quanh năm trôi nổi trên sông nước, lúc ở khúc sông này, lúc ở khúc sông khác, lấy con tôm, con tép là nguồn thu nhập chính trong ngày. Do hoàn cảnh sông nước khó khăn, nơi ở không cố định, chính vì vậy việc học của các con cũng bị gián đoạn. Khi con biết đọc, biết viết lại phải nghỉ học để chia sẻ bớt gánh nặng mưu sinh với bố mẹ. Chúng tôi không nghĩ là có ngày hôm nay, tất cả nhờ ơn Đảng và chính quyền”, ông xúc động nói.


Những con thuyền mưu sinh của người dân vạn chài ở Thanh Hóa
Những con thuyền mưu sinh của người dân vạn chài ở Thanh Hóa

Gần 50 năm gắn bó với sông nước, những kỷ niệm về cái đói, cái nghèo, việc thất học từ đời này sang đời khác của nhiều đứa trẻ, đặc biệt là các vụ chết đuối của người dân sinh sống trên sông luôn ám ảnh trong tâm trí của ông.

“Hơn 10 năm qua, kể từ khi được cấp đất xây nhà, cuộc sống gia đình tôi cũng như nhiều hộ dân ở đây đã ổn định hơn. Lên bờ an cư lạc nghiệp, có việc làm ổn định, các cháu được đến trường, gia đình nào cũng phấn khởi”, ông Quang không giấu nổi niềm hạnh phúc nói.

Cũng như ông Quang, gia đình chị Ngô Thị Tuyết, khu dân cư Duệ Thôn, xã Định Tiến (Yên Định) cũng từng nhiều năm sống trên sông làm nghề đánh cá mưu sinh. Giờ đây, nhờ chính sách hỗ trợ đất, nhà ở cho người dân sống trên sông, gia đình chị đã được sống trên bờ, trong một ngôi nhà 2 tầng khang trang, đầy đủ tiện nghi.

Chị Tuyết chia sẻ, có nằm mơ chị cũng không nghĩ mình có được cuộc sống như ngày hôm nay. Bao đời nay, gia đình chị gắn bó với sông nước, lo cái ăn đã khó khăn, sao dám nghĩ đến việc có được miếng đất để an cư lập nghiệp. Niềm vui đã đến với gia đình cũng như nhiều hộ đồng bào sinh sống trên sông ở giáo xứ Yên Khánh khi năm 2018 được cấp ủy, chính quyền xã hướng dẫn làm thủ tục cấp đất; hỗ trợ kinh phí 50 triệu đồng làm nhà. "Gia đình cũng tích cóp được một chút vốn, cùng với sự giúp đỡ của anh em nên đã xây xong ngôi nhà này đầu năm 2022. Cả nhà mừng vui  không thể nào kể xiết", chị Tuyết cho hay.

Khu tái định cư thôn Duệ Thôn, xã Định Tiến với 75 hộ sinh sống trên sông được cấp đất ở
Khu tái định cư thôn Duệ Thôn, xã Định Tiến với 75 hộ sinh sống trên sông được cấp đất ở

Nhắc đến chuyện học của làng chài nhiều năm về trước, chị Tuyết kể tiếp: Chị còn nhớ, khi còn nhỏ nhìn các bạn cùng trang lứa được đi học để biết đọc, biết viết, những đứa trẻ làng chài như chị tủi thân lắm. Mong muốn được đi học, nhưng ước mơ đó chưa bao giờ trở thành hiện thực. Việc không biết đọc, biết viết khổ lắm. Hễ có việc gì liên quan đến giấy tờ, viết lách tôi và mọi người đều thấy mặc cảm, tự ti trong cuộc sống.

Sau khi lên bờ, giờ thôn Duệ Thôn không còn cảnh những đứa trẻ lấm lem thất học nữa. Bọn trẻ được đến trường đầy đủ, đã có đủ cơm no, áo đẹp và những ngôi nhà yên ấm. Đã có nhiều đứa trẻ vào đại học, theo đuổi ước mơ của mình.

Không để ai bị bỏ lại phía sau

Ông Nguyễn Xuân Hải, Phó Chủ tịch UBND huyện Thọ Xuân cho biết: “Trong giai đoạn 2003 - 2020, huyện Thọ Xuân đã cấp đất, hỗ trợ làm nhà cho 131 hộ dân sinh sống trên sông lên bờ, với tổng diện tích 18.317m2. Đến nay, nhìn chung các hộ đều có cuộc sống ổn định và tích cực tham gia các phong trào thi đua, các cuộc vận động, góp phần phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

 Giai đoạn 2022- 2023, huyện Thọ Xuân tập trung chỉ đạo các địa phương có đồng bào nghèo sinh sống trên sông, triển khai thực hiện theo chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy quyết tâm, hoàn thành việc cấp đất, hỗ trợ làm nhà trong quý I-2023”.

Theo ông Nguyễn Xuân Lai, Trưởng ban Dân vận, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Thiệu Hóa, Thanh Hóa: ''Huyện kết nối với các doanh nghiệp trên địa bàn hỗ trợ trong việc đào tạo nghề cho người dân. Huyện cũng đang nghiên cứu nhiều ngành nghề để phù hợp với từng đối tượng''.

Những ngôi nhà khang trang của các hộ dân vạn chài tại khu tái định cư xã Thiệu Vũ, huyện Thiệu Hóa
Những ngôi nhà khang trang của các hộ dân vạn chài tại khu tái định cư, xã Thiệu Vũ (Thiệu Hóa)

Ông Đầu Thanh Tùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cho biết: Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã có nhiều văn bản chỉ đạo, yêu cầu các đơn vị rà soát bố trí các khu đất phù hợp và kêu gọi sự vào cuộc của Mặt trận Tổ quốc, các doanh nghiệp hỗ trợ kinh phí làm nhà.

"Đến nay, chúng tôi đã cấp cho hơn 900 hộ làm nhà ổn định và tạo sự lan tỏa xã hội. Mới đây nhất, có thêm 28 hộ nghèo trên sông Chu được lên bờ an cư. Cùng với đó, chính quyền cũng nỗ lực chuyển đổi nghề nghiệp cho họ", ông Đầu Thanh Tùng cho biết.

Theo kế hoạch, trong năm nay, Thanh Hóa sẽ hoàn tất việc cấp đất ở và hỗ trợ nhà cho hơn 1.000 người dân sinh sống trên sông, lên bờ ổn định cuộc sống. Một tương lai mới, sáng rõ hơn với những người dân làng chài. Họ là những người cảm nhận rõ nhất câu nói: Không ai bị bỏ lại phía sau.


Tin cùng chuyên mục
Tăng cường nâng cao năng lực cho người dân vùng DTTS và miền núi Nghệ An

Tăng cường nâng cao năng lực cho người dân vùng DTTS và miền núi Nghệ An

Nhằm thúc đẩy đồng bào các DTTS phát triển toàn diện trên các lĩnh vực đời sống, kinh tế, xã hội, trong nhiều năm qua, việc nâng cao kiến thức, trình độ, năng lực… cho người dân vùng đồng bào DTTS và miền núi Nghệ An được các cấp, các ngành trong tỉnh rất quan tâm. Đặc biệt, từ khi triển khai Chương trình MTQG phát triển kinh tế -xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn I: từ năm 2021-2025 (Chương trình MTQG 1719) nội dung này càng được thực hiện bài bản, quyết liệt hơn nhờ nguồn lực đầu tư, hỗ trợ của Chương trình.