Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Hiện thực khát vọng lên bờ của hàng trăm hộ dân sống trên sông nước

Quỳnh Trâm - 15:11, 01/03/2023

Trước tình trạng còn hàng trăm hộ dân vẫn đang sinh sống trên sông, tập trung tại các huyện, thành phố (như Thọ Xuân, Thiệu Hóa, Yên Định, Vĩnh Lộc, Thạch Thành, Cẩm Thủy và TP. Thanh Hóa), tỉnh Thanh Hóa đang nỗ lực hoàn thành việc cấp đất ở và hỗ trợ xây dựng nhà ở cho toàn bộ số hộ dân trên lên bờ, ổn định cuộc sống.


Nhiều gia đình 3-4 thế hệ cùng sống trên một chiếc thuyền chật hẹp ở làng chài Thanh Hóa
Nhiều gia đình 3-4 thế hệ cùng sống trên một chiếc thuyền chật hẹp ở làng chài Thanh Hóa

Tết Nguyên đán 2023 đã trôi qua, nhưng bà Nguyễn Thị Lý (thôn Định Tân, xã Thạch Định, huyện miền núi Thạch Thành) đến nay vẫn thấy vui và phấn khởi, bởi đây là cái Tết ấm áp nhất của gia đình. Nay bà Lý đã bước sang tuổi 53, nhưng đây là lần đầu tiên trong đời, bà được chạm tới ước mơ được sống trên bờ sau nhiều năm sống lênh đênh trên sông nước.

Được biết, vợ chồng bà Lý có 5 đứa con, chồng bị tai biến, con gái lớn lập gia đình ở xa, gia cảnh cũng chẳng khấm khá gì. Cuộc sống cứ mãi quanh quẩn trong nghèo khó, bởi chỉ mưu sinh trên sông. Năm nay, gia đình bà được chính quyền cấp đất, hỗ trợ tiền làm nhà trên bờ. “Tết năm nay, được về nhà mới, gia đình tôi vui lắm. Chưa bao giờ chúng tôi có cái Tết đầm ấm như thế, xin cảm ơn chính quyền và mọi người đã giúp đỡ", bà Lý nói.

Sau khi được hỗ trợ của các cấp, ngành, địa phương, những căn nhà khang trang của người dân làng chài đã mọc lên
Nhờ có sự hỗ trợ của các cấp, ngành, địa phương, những căn nhà khang trang của người dân làng chài đã mọc lên

Tại Bãi Cháy (xã Thành Vinh, huyện Thạch Thành), nhiều ngôi nhà cũng đã được hoàn thành trước Tết. Trong đó, có chị Nguyễn Thị Liên. Chị Liên nhớ lại quãng thời gian sống trên sông với bao vất vả. Vào mùa khô còn đỡ, chứ mùa lụt bão nước lúc nào cũng đục ngầu, rác thải bao quanh, không có nước để sinh hoạt.

Trước đây, khi còn ở dưới sông, 4 đứa con không được đi học, vợ chồng chị phải vất vả mưu sinh không có tương lai. “Chúng tôi rất khổ tâm, chỉ mong có một mái nhà trên bờ để yên tâm làm ăn. Đợt vừa rồi được Nhà nước, chính quyền cấp đất, hỗ trợ tiền làm nhà, gia đình tôi mừng lắm. Cuối cùng chúng tôi đã có nhà trên bờ để ở, được an cư để lập nghiệp", chị Lý tâm sự.

Sát cạnh nhà chị Lý, hộ ông Nguyễn Văn Tự (sinh năm 1969), cũng vui mừng khi được ăn Tết trong nhà mới. Khi lên bờ, gia đình ông bà bắt tay ngay vào việc nuôi con gà, nuôi con lợn như mong ước. Còn con trai ông sẽ sớm an cư, lạc nghiệp, tìm công việc ổn định trên bờ để yên bề gia thất.

Niềm vui của bà Nguyễn Thị Lý (Thạch Thành) khi đạt những viên gạch đầu tiên xây nhà trên bờ sau bao năm lênh đênh sông nước
Bà Nguyễn Thị Lý (Thạch Thành) phấn khởi khi đặt những viên gạch xây nhà trên bờ sau bao năm lênh đênh sông nước

Ông Nguyễn Minh Tuân, Trưởng Ban Dân vận, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Thạch Thành cho hay: Thực hiện tinh thần chỉ đạo của cấp trên, huyện đã rà soát, lập danh sách, lựa chọn những vị trí thuận lợi để cấp đất cho các hộ dân sinh sống trên sông làm nhà ở, vừa thuận lợi trên bờ, lại có thể mưu sinh sông nước.

 "Ngoài nguồn hỗ trợ từ tỉnh, huyện Thạch Thành đã huy động từ Quỹ Vì người nghèo của huyện và phát động sự quyên góp, ủng hộ của các cơ quan, đơn vị, anh em dòng họ ủng hộ về nhân công, vật chất để các hộ sớm có nhà ở trên bờ”, ông Minh chia sẻ.

Theo báo cáo của Ban Dân vận Tỉnh ủy Thanh Hóa, qua tổng hợp, rà soát, phân loại của TP. Thanh Hóa và các huyện Thọ Xuân, Thiệu Hóa, Yên Định, Vĩnh Lộc, Thạch Thành, đến ngày 8/12/2022, có 162/299 hộ đồng bào sinh sống trên sông đủ điều kiện được cấp đất ở, hỗ trợ kinh phí xây dựng nhà ở.

Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 84 hộ được cấp đất với diện tích 11.126 m2. Đặc biệt, có 2 huyện là Vĩnh Lộc và Thạch Thành đã hoàn thành việc giao đất ở cho đồng bào sinh sống trên sông. Các huyện Thọ Xuân, Thiệu Hóa, Yên Định và TP. Thanh Hóa cũng đã hoàn thành việc lập quy hoạch, phương án bố trí 78 lô đất ở cho 78 hộ đồng bào sinh sống trên sông. Cùng với đó, TP. Thanh Hóa và các huyện đã rà soát, cấp sổ hộ nghèo cho 155 hộ, với 613 nhân khẩu và sổ hộ cận nghèo cho 22 hộ, với 83 nhân khẩu.

Người dân làng chài rất vui mừng khi được Nhà nước, chính quyền cấp đất, hỗ trợ tiền làm nhà
Người dân làng chài rất vui mừng khi được Nhà nước, chính quyền cấp đất, hỗ trợ tiền làm nhà

Theo thống kê, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa vẫn còn 324 hộ đồng bào sinh sống trên sông cần được hỗ trợ về đất ở và kinh phí xây dựng nhà ở tại TP. Thanh Hóa và các huyện: Thọ Xuân, Thiệu Hóa, Yên Định, Vĩnh Lộc, Thạch Thành, Cẩm Thủy. Trong đó, có 308 hộ là đồng bào Công giáo, 53 hộ đã được cấp đất nhưng chưa có điều kiện làm nhà ở, 271 hộ chưa có cả đất ở và nhà ở. Đời sống của các hộ đồng bào sinh sống trên sông còn gặp nhiều khó khăn, chủ yếu là các hộ nghèo, thu nhập thấp; cuộc sống trên sông không ổn định, tiềm ẩn nguy cơ cao rủi ro về tính mạng và tài sản.

Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Đỗ Trọng Hưng cho biết: Việc bố trí đất ở và hỗ trợ kinh phí để xây dựng nhà ở cho đồng bào nghèo đang sinh sống trên sông lên bờ ổn định cuộc sống là sự tiếp nối thực hiện Chỉ thị 08 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa khóa XV.  Các địa phương cần quyết tâm hơn nữa việc hoàn thành việc cấp đất ở và hỗ trợ xây dựng nhà ở cho đồng bào nghèo đang sinh sống trên sông lên bờ định cư để ổn định cuộc sống. Trong đó TP. Thanh Hóa chậm nhất đến 31/12/2023 phải hoàn thành; 6 huyện còn lại chậm nhất ngày 30/6/2023 phải hoàn thành.

Tin cùng chuyên mục
Tăng cường nâng cao năng lực cho người dân vùng DTTS và miền núi Nghệ An

Tăng cường nâng cao năng lực cho người dân vùng DTTS và miền núi Nghệ An

Nhằm thúc đẩy đồng bào các DTTS phát triển toàn diện trên các lĩnh vực đời sống, kinh tế, xã hội, trong nhiều năm qua, việc nâng cao kiến thức, trình độ, năng lực… cho người dân vùng đồng bào DTTS và miền núi Nghệ An được các cấp, các ngành trong tỉnh rất quan tâm. Đặc biệt, từ khi triển khai Chương trình MTQG phát triển kinh tế -xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn I: từ năm 2021-2025 (Chương trình MTQG 1719) nội dung này càng được thực hiện bài bản, quyết liệt hơn nhờ nguồn lực đầu tư, hỗ trợ của Chương trình.