Chông chênh “nhà nổi”
Trên phía đập thủy điện Ekra Nam Ka thuộc địa giới hai tỉnh Đăk Lăk - Lâm Đồng có một vùng lòng hồ rộng lớn: Khu bảo tồn thiên nhiên Nam Ka được công nhận từ năm 1986. Đây là vùng rừng đầu nguồn, nơi hợp lưu của hai con sông Krông Nô và Krông Ana (sông Cha và sông Mẹ). Ở mảnh đất cao nguyên đầy nắng gió như Đăk Lăk lại có một làng chài với hơn 30 hộ dân, quanh năm gắn mình với nghiệp đánh cá mưu sinh: “Xóm vạn chài” trên hồ thủy điện Buôn Tua Srah.
Cuộc sống ở vạn xóm chài là một thế giới khác lạ, tách biệt hẳn với nhịp sống sôi động ở giữa phố phường nhộn nhịp. Trên con nước này là 30 chiếc thuyền, là 30 hộ sống bám víu vào nhau qua ngày. Xóm chài nhỏ bé này được hình thành vào năm 2009, khi một vài người dân các tỉnh miền Tây tìm đến hồ thủy điện Buôn Tua Srah thuộc địa phận xã Nam Ka (huyện Lăk, Đăk Lăk) làm nghề đánh cá mưu sinh.
Dân xóm chài mưu sinh chủ yếu dựa vào đánh bắt cá trên sông. Mới đầu chỉ là đánh bắt, về sau, họ nhận thấy nơi đây không chỉ có nguồn cá dồi dào mà nước sâu, trong xanh rất thích hợp cho nghề nuôi cá nên quyết định dừng chân lập nghiệp. Không mảnh đất cắm dùi, họ đóng thuyền, dựng nhà ngay trên mặt nước.
Cứ 4 - 5 giờ chiều mỗi ngày, người dân xóm vạn chài chèo thuyền ra xa thả lưới, đốt đèn đuổi cá đến tận đêm khuya, sáng sớm tinh mơ phải dậy gỡ cá cho kịp thương lái thu mua. Trung bình mỗi chuyến đánh bắt, người dân thu 10 - 15kg cá, mỗi tháng kiếm được 4 - 5 triệu đồng. Số tiền này một phần dùng cho chi phí sinh hoạt gia đình, phần còn lại đầu tư nuôi cá.
Anh Dũng (35 tuổi, quê An Giang) chia sẻ: “Nghề này bấp bênh lắm, ngày thường còn làm ăn được chứ mùa nắng nước cạn, mùa mưa gió bão không đánh được thì chỉ có đói. Miếng cơm manh áo gia đình chỉ trông chờ vào lồng cá nuôi quanh nhà, một đợt thu được vài chục triệu, trừ vốn ra, còn lại cũng đủ chi tiêu”.
Trước mỗi nhà đều có vài lồng cá. Nhà nào đông lao động, nhiều vốn thì nuôi cả chục lồng cá, nhà nào vốn ít thì nuôi vài lồng, như vậy cũng đủ ăn. Chị Phương (quê Vĩnh Long) cho biết, cá nuôi mỗi năm bán 1 lần, tùy vào từng loại. Trung bình mỗi năm nhà chị bán gần 3 tạ cá lóc với giá 40.000 - 50.000 đồng/kg. “Cứ đến đợt bán, thương lái tới tận nơi mua, chở xuống TP. Hồ Chí Minh, đầu ra ổn định nên tôi và mọi yên tâm nuôi”.
Lúc chúng tôi đến thăm đang là ngày triều dâng vì mùa mưa lũ, nước sông đặc quánh phù sa. Dù làm ăn có lãi nhưng cuộc sống mưu sinh trên con nước quả thật không đơn giản chút nào. Đứng trên mỏm đồi nhìn xuống, những chiếc lồng cá của các hộ dân xóm vạn chài nối dài, kề sát vào nhau như con trăn khổng lồ tựa sát vào bờ sông. Con đường nhỏ hẹp, nằm bên cạnh chân núi nối liền với xóm chài này là nơi các thương lái ngày ngày tìm đến mua cá đem đi nơi khác bán.
“Những ngày triều xuống, nước chảy mạnh, cá thấy động, thường theo dòng mà di chuyển, đó là dịp để mình kiếm ăn. Nếu may mắn, một ngày có thể kiếm được cả trăm ngàn chứ không ít. Còn bình thường, một ngày chỉ dăm chục ngàn thôi, bởi hiện nay cá trên con nước này cũng chẳng còn nhiều!”, lão ngư có cái tên Tình tâm sự.
Xã thường xuyên cử cán bộ Công an xuống nắm bắt tình hình, khuyên người dân không được kích điện bắt cá. Xã cũng đã nhiều lần động viên người dân lên bờ sinh sống vừa bảo đảm an toàn tính mạng vừa thuận tiện cho công tác quản lý trật tự địa phương, tuy nhiên vì còn rất nhiều khó khăn nên người dân hiện chưa muốn lên bờ!”.
Bí thư Đảng ủy xã Nam Ka Y Van Buôn Rung
Hồ thủy điện Buôn Tua Srah mùa khô nằm trơ mình giữa bốn bề núi đá, cách xa chợ vài chục cây số lại thêm công việc đánh cá buộc người dân suốt ngày dằm nước, không có thời gian, việc chợ búa chỉ trông chờ vào chiếc thuyền chuyên chở lương thực, thức ăn, nước uống bán vào sáng sớm. Người dân tranh thủ mua tích trữ, ai không có tiền thì ký nợ hoặc đổi cá. Có lúc nhờ người mua rồi đứng trên cầu dùng dây thả xuống các thuyền. Mọi sinh hoạt trong gia đình gói gọn trong căn nhà chật hẹp, chỉ vừa chỗ ăn, ngủ, còn không gian giải trí cho gia đình hầu như không có.
Cứ vậy, năm này qua năm khác, với họ, xóm chài trên con nước Buôn Tua Srah này đã trở thành quê hương. Nhưng trong sâu thẳm suy nghĩ của bà con xóm chài này, thì ai cũng ao ước được lên bờ ổn định cuộc sống. Người lớn thì không nói làm gì, nhưng còn lũ trẻ, sống trên đò, mùa nắng thì còn lên bờ đi học được, chứ mùa mưa lũ chỉ biết theo cha mẹ dạt vào khe núi, cồn bãi nào đó tránh mưa gió thì làm sao đến trường.
Bí thư Đảng ủy xã Nam Ka Y Van Buôn Rung cho biết: “Xã thường xuyên cử cán bộ Công an xuống nắm bắt tình hình, khuyên người dân không được kích điện bắt cá. Xã cũng đã nhiều lần động viên người dân lên bờ sinh sống vừa bảo đảm an toàn tính mạng vừa thuận tiện cho công tác quản lý trật tự địa phương, tuy nhiên vì còn rất nhiều khó khăn nên người dân hiện chưa muốn lên bờ!”.