Phát biểu khai mạc Hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, ông Nguyễn Đình Xứng khẳng định: Với vị trí nằm trên trục giao thông kết nối giữa Bắc Bộ với Trung Bộ, Thanh Hóa có nhiều lợi thế để trở thành cực tăng trưởng mới của đất nước. Đặc biệt, Thanh Hóa là tỉnh có hệ thống giao thông đồng bộ và thuận lợi, bao gồm đường bộ, đường sắt, đường thủy và đường hàng không; có cảng hàng không Thọ Xuân, được quy hoạch là sân bay quốc tế; có cảng nước sâu Nghi Sơn tàu 100.000 tấn có thể ra vào; đã có tuyến vận tải container quốc tế qua cảng Nghi Sơn, mở ra cơ hội, triển vọng trong việc hội nhập, giao thương với các nước trong khu vực và quốc tế; Khu kinh tế Nghi Sơn với diện tích 106.000 ha, là khu kinh tế tổng hợp đa ngành, đa lĩnh vực, được Chính phủ Việt Nam lựa chọn là một trong 8 khu kinh tế ven biển trọng điểm được ưu tiên đầu tư và được phê duyệt cơ chế chính sách ưu đãi đầu tư hấp dẫn nhất trong cả nước;…
Thanh Hoá còn là mảnh đất lưu giữ nhiều di tích lịch sử, văn hoá, danh thắng độc đáo, hấp dẫn, nổi tiếng như Thành Nhà Hồ được UNESCO công nhận là di sản văn hoá thế giới, các bãi biển đẹp như: Sầm Sơn, Hải Tiến, Hải Hòa và nhiều di tích, danh thắng có tiềm năng lớn để phát triển đa dạng các loại hình dịch vụ du lịch. Thanh Hoá cũng đang trong thời kỳ cơ cấu dân số vàng, nguồn nhân lực dồi dào, với trên 2,4 triệu lao động, chất lượng tương đối cao so với mặt bằng chung của cả nước.
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình nhấn mạnh: Hội nghị xúc tiến đầu tư năm 2020 là sự kiện có sức lan tỏa lớn trong thu hút đầu tư nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) tỉnh Thanh Hóa. Để phát huy có hiệu quả cao nhất tiềm năng, lợi thế, phấn đấu năm 2020 đạt kết quả cao nhất về phát triển KT-XH và đến năm 2025 Thanh Hóa nằm trong nhóm các tỉnh dẫn đầu cả nước và năm 2030 trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại; cùng với việc tiếp tục thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các giải pháp trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh đề ra, tỉnh Thanh Hóa cần phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành Trung ương và các địa phương liên quan để thực hiện tốt một số công việc trọng tâm.
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ lưu ý, tỉnh Thanh Hóa cần nghiên cứu, xây dựng và có chính sách mới, đặc thù, tạo điều kiện thuận lợi để tỉnh bứt phá đi lên. Đặc biệt, tỉnh cần khẩn trương hoàn thiện Quy hoạch và Đề án xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2045 trình Bộ Chính trị. Đề án phải có căn cứ khoa học và cơ sở thực tiễn, đảm bảo chất lượng, tư duy đổi mới, có tầm nhìn chiến lược, dài hạn, liên kết với các tỉnh, thành phố trong cả nước và quốc tế; phát triển kinh tế nhanh và bền vững trên cơ sở tập trung phát triển 4 trung tâm kinh tế động lực, 5 trụ cột tăng trưởng, 6 hành lang kinh tế và 6 vùng liên huyện.
Trong khuôn khổ Hội nghị, các đồng chí lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa trao Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư cho các chủ đầu tư của 19 dự án với tổng số vốn đăng ký đầu tư 56.758 tỷ đồng; trong đó có 10 dự án thuộc lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo; 2 dự án thuộc lĩnh vực đô thị và cơ sở hạ tầng; 3 dự án thuộc lĩnh vực du lịch; 3 dự án thuộc lĩnh vực nông nghiệp và 1 dự án thuộc lĩnh vực y tế.
Đại diện chủ đầu tư của 15 dự án khác đang xúc tiến đầu tư vào Thanh Hóa cũng ký kết biên bản ghi nhớ đầu tư với đại diện lãnh đạo tỉnh, dự kiến tổng vốn đầu tư 285.177 tỷ đồng. Hội nghị cũng giới thiệu danh mục 36 dự án quy mô lớn trên nhiều lĩnh vực đang được tỉnh Thanh Hóa kêu gọi đầu tư vào những giai đoạn tới.