Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Thủ tướng: Làm sao để Tiền Giang sầm uất, thịnh vượng hơn xưa?

PV - 16:15, 09/08/2018

Tại Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Tiền Giang sáng nay (9/8), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đặt nhiều bài toán đối với lãnh đạo tỉnh và các nhà đầu tư khi mà tỉnh “mặt tiền” của ĐBSCL hội tụ cả “nhất cận thị, nhị cận giang, tam cận lộ”…

Thủ tướng cho biết trở lại Tiền Giang lần này, ông có thêm niềm tin mới về một địa phương có vị trí chiến lược ở thế phong thủy đắc địa hàng đầu cho sự phát triển. Ảnh: VGP/Quang Hiếu Thủ tướng cho biết trở lại Tiền Giang lần này, ông có thêm niềm tin mới về một địa phương có vị trí chiến lược ở thế phong thủy đắc địa hàng đầu cho sự phát triển. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Đánh giá cao kết quả của hội nghị với khoảng 16.000 tỷ đồng sẽ đầu tư trực tiếp vào Tiền Giang trong nay mai, Thủ tướng cho rằng,  “một Tiền Giang mới đang sẵn sàng bứt phá vươn lên trong làm ăn kinh tế và sẽ trở thành động lực phát triển của toàn khu vực đồng bằng sông Cửu Long”.

Nhắc đến Tiền Giang trước đây mọi người thường nghĩ tới nơi cảnh trí mỹ miều, “ta thương, ta nhớ, ta liều ta đi”, nhưng lần này, về Tiền Giang,  Thủ tướng bày tỏ ông có thêm niềm tin mới về một địa phương có vị trí chiến lược ở thế phong thủy đắc địa hàng đầu cho sự phát triển của Tiền Giang nói riêng và Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) nói chung. Đây là tỉnh hội tụ đủ các yếu tố “nhất cận thị, nhị cận giang, tam cận lộ”. Tỉnh có sự kết nối thuận lợi với Thành phố Hồ Chí Minh, là tỉnh trải dọc bờ Bắc sông Tiền với chiều dài 120 km và có trục cao tốc Trung Lương với nhiều quốc lộ khác sẽ qua tỉnh. Đây còn là hành lang kinh tế, điểm giao hòa giữa miền Đông và miền Tây.

Với tỉnh ven sông, ven biển, có hệ sinh thái đặc biệt là sông ngòi, nguồn nước phong phú, có khả năng kết nối giao thông thuận lợi, Tiền Giang là “mặt tiền” của ĐBSCL.

Với các lợi thế đó, Thủ tướng cho rằng nếu Tiền Giang không thu hút được những nhà đầu tư lớn, doanh nghiệp có tầm nhìn xa trông rộng trong các lĩnh vực từ công nghiệp đến nông nghiệp, dịch vụ, đặc biệt công nghiệp chế biến phục vụ cây ăn quả là hết sức vô lý.

Tiền Giang sẽ là xung lực quan trọng của đoàn tàu kinh tế ĐBSCL, khu vực Đông Nam Bộ, Thủ tướng chia sẻ, vì vậy, bài toán đặt ra là Tiền Giang phải đi đầu trong đổi mới thì khu vực ĐBSCL mới có thêm những động năng cho sự phát triển, vượt trên những thách thức của biến đổi khí hậu, hạn mặn và tình trạng nhợt nhạt, tranh tối tranh sáng của sự phát triển dưới xa mức tiềm năng của toàn khu vực ĐBSCL.

Quang cảnh Hội nghị. Ảnh: VGP/Quang Hiếu Quang cảnh Hội nghị. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Cho rằng sự nhìn nhận nêu trên không phải là lạc quan thái quá, Thủ tướng nhắc lại lịch sử của vùng đất này hàng trăm năm trước. Ngay từ thế kỷ XVII, Mỹ Tho  cùng cù lao Phố (Biên Hòa) là hai trung tâm tấp nập nhất của Nam Bộ. Mỹ Tho trước đây chiếm vị trí trung chuyển quan trọng bậc nhất của các ghe chài to lớn từ miền Tây lên Chợ Lớn Sài Gòn. Đây cũng là địa phương có đường sắt đầu tiên của Đông Dương...

Những sử liệu này cho thấy vùng đất này từng có một vị trí quan trọng về thương mại của cả Nam Bộ. Do đó, với điều kiện hết sức thuận lợi như ngày nay gồm cả “thiên thời, địa lợi, nhân hòa”,  Thủ tướng đặt câu hỏi, tại sao chúng ta không thể “phục hưng” lại vùng đất này trở lại sầm uất và thịnh vượng hơn xưa?

Thủ tướng cho rằng nếu ĐBSCL được mệnh danh là “vương quốc trái cây” của cả nước thì Tiền Giang được xem là “vương quốc” của “vương quốc trái cây”. Bởi nơi đây rất nhiều loại trái cây và nông sản nổi tiếng. Do đó, Thủ tướng đặt câu hỏi liệu Tiền Giang có trở thành một chỉ dẫn địa lý về thương hiệu trái cây Việt Nam nói riêng và ASEAN nói chung hay không? Đây cũng là câu hỏi mà Thủ tướng mong muốn chính quyền và doanh nghiệp đầu tư vào tỉnh Tiền Giang trả lời trong tương lai gần.

Thủ tướng chứng kiến sự kiện tỉnh Tiền Giang trao giấy chứng nhận đầu thư cho 18 dự án. Ảnh: VGP/Quang Hiếu Thủ tướng chứng kiến sự kiện tỉnh Tiền Giang trao giấy chứng nhận đầu thư cho 18 dự án. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Ngoài ra, Tiền Giang cũng còn nhiều lợi thế khác như du lịch. Đặc sắc của du lịch miệt vườn sông nước Cửu Long, chợ nổi Cái Bè, cù lao Thới Sơn với Cồn Long, Cồn Lân, Cồn Quy, Cồn Phụng hợp thành vùng đất “tứ linh” vô cùng độc đáo, gắn với câu ca dao: “Mỹ Tho cảnh đẹp người xinh/Quyện lòng du khách, gợi tình nước non”. Tuy nhiên, dịch vụ du lịch còn ít, nhất là dịch vụ lưu trú, ăn uống, tham quan. Theo Thủ tướng, đây cũng là câu hỏi đặt ra với Tiền Giang.

Thủ tướng nhấn mạnh Tiền Giang hội tụ các yếu tố trở thành một siêu vệ tinh của Thành phố Hồ Chí Minh nếu có tầm nhìn và khả năng hiện thực hóa tầm nhìn phát triển một cách hiệu quả, đầy quyết tâm.

“Chính phủ thấu hiểu điều này và dành nhiều ngân sách cho phát triển cơ sở hạ tầng của Tiền Giang trước đây, bây giờ cũng như trong tương lai”, Thủ tướng nói và đề nghị Tiền Giang cần tích cực giải quyết các nút thắt và điểm nghẽn phát triển. Đó là tăng cường giải phóng mặt bằng để tạo quỹ đất sẵn có cho nhà đầu tư, giải quyết tốt công tác quy hoạch, bảo đảm tính linh hoạt, hiệu quả, hướng tới mục tiêu phát triển. Cần tiếp tục đối thoại với người dân nhiều hơn để giải quyết vướng mắc tồn tại.

Tích cực hỗ trợ tiếp cận nguồn vốn, nhất là vốn ưu đãi cho doanh nghiệp, người dân, đặc biệt khi Chính phủ ban hành Nghị định 57 về khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.

Thủ tướng thăm các gian hàng trưng bày sản phẩm của doanh nghiệp đầu tư tại Tiền Giang. Ảnh: VGP/Quang Hiếu Thủ tướng thăm các gian hàng trưng bày sản phẩm của doanh nghiệp đầu tư tại Tiền Giang. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Nhấn mạnh việc kết hợp tốt 5 nhà trong đó có nhà băng (ngân hàng), Thủ tướng cho biết đây là kênh quan trọng để huy động vốn cho người dân, nhất là trong sản xuất nông nghiệp, để làm sao chấm dứt tình trạng tín dụng đen đang lan tràn ở một số địa phương. Dư nợ tín dụng của Tiền Giang đạt gần 49.000 tỷ đồng, mới chỉ tương đương 63% GRDP của tỉnh, cho thấy tiềm năng cải thiện độ sâu tài chính của Tiền Giang vẫn còn rất lớn. Dư địa cho tăng trưởng còn nhiều. Bên cạnh đó, tỉnh cần tiếp tục xử lý các thủ tục hành chính rườm rà, làm tăng chi phí, mất cơ hội kinh doanh của doanh nghiệp.

Thủ tướng đề nghị các doanh nghiệp không nên chậm trễ với những dự án, kế hoạch đầu tư vào Tiền Giang bởi “tất cả chúng ta đều nhìn thấy một địa phương như Tiền Giang đang ngày càng quyết tâm chuyển mình theo hướng năng động chung của cả nước” khi mà các năm 2016, 2017, nửa đầu 2018, Tiền Giang đều duy trì tốc độ tăng trưởng cao, 8%/năm.

Ảnh: VGP/Quang Hiếu Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Thủ tướng mong các doanh nghiệp, vì quyền lợi của chính bản thân mình và sự phát triển của Tiền Giang, "hãy đón bắt thời cơ làm ăn mạnh mẽ để cùng nhau xây dựng tỉnh Tiền Giang phát triển”.

Tại Hội nghị, dưới sự chứng kiến của Thủ tướng, tỉnh Tiền Giang đã trao quyết định chủ trương đầu tư và chủ trương nghiên cứu cho các dự án với tổng số vốn trên 16.000 tỷ đồng.

Theo Cổng TTĐT Chính phủ

Tin cùng chuyên mục
Ninh Thuận: Tổ chức thành công Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024

Ninh Thuận: Tổ chức thành công Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024

Ngày 22/11, tại TP. Phan Rang-Tháp Chàm, UBND tỉnh Ninh Thuận long trọng tổ chức Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024 với chủ đề: “Các dân tộc tỉnh Ninh Thuận đoàn kết, đổi mới sáng tạo, phát huy lợi thế, tiềm năng, hội nhập và phát triển bền vững”. Đến dự có Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc (UBDT) Nông Thị Hà; Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND tỉnh Phạm Văn Hậu; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trịnh Minh Hoàng, lãnh đạo các sở, ban, ngành, các huyện, thành phố cùng 250 đại biểu đại diện cho gần 170.000 đồng bào các DTTS trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận.