Hội nghị được tổ chức đúng dịp kỷ niệm 30 năm ngày tái lập tỉnh Quảng Ngãi.
Quảng Ngãi có tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) năm nay ước đạt gần 55.000 tỷ đồng. So với năm 1989, GRDP tăng 19,5 lần (tăng trưởng bình quân 10,49%/năm). Từ chỗ thu ngân sách năm 1989 chỉ đạt 16 tỷ đồng đã tăng lên ở mức hơn 16.700 tỷ đồng vào năm 2010, năm 2019 ước đạt 20.000 tỷ đồng.
Quảng Ngãi có “Qua Hội nghị xúc tiến đầu tư lần này, tỉnh Quảng Ngãi mong muốn các nhà đầu tư, các tập đoàn, các doanh nghiệp trong và ngoài nước đến tìm kiếm cơ hội hợp tác, đầu tư tại Quảng Ngãi, nơi có nhiều điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư, doanh nghiệp yên tâm làm ăn lâu dài. Nơi đã tạo dựng được niềm tin cho các nhà đầu tư thông qua các cơ chế, chính sách nhất quán của tỉnh về hỗ trợ doanh nghiệp trong quá trình hoạt động, sản xuất kinh doanh”, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Trần Ngọc Căng phát biểu khai mạc Hội nghị.
Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, Hội nghị xúc tiến đầu tư của Quảng Ngãi lần này quy mô lớn hơn, cách tổ chức hiện đại hơn hội nghị mà ông dự cách đây 3 năm rưỡi. Đặc biệt, lần này có nhiều “sếu đầu đàn” lớn, cả trong nước và nước ngoài tham dự như Tập đoàn Hòa Phát, FLC, VSIP…, nhất là có cả các doanh nghiệp trẻ.
Đánh giá cao những thành công đạt được của tỉnh, Thủ tướng cũng chỉ rõ: “Thứ vốn mà Quảng Ngãi đang thiếu hiện nay chính là môi trường kinh doanh”, Thủ tướng chỉ ra: Năm 2018, Quảng Ngãi xếp hạng không tốt về PCI (hạng 41), trong khi tỉnh đã từng đạt thứ hạng khá cao trong quá khứ (PCI thứ 7 năm 2013).
Vậy Quảng Ngãi phải làm gì? Thủ tướng yêu cầu tỉnh cần tiếp tục cải cách hành chính và nâng cao năng lực quản trị nhà nước, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải thiện năng lực cạnh tranh của địa phương. Tiếp tục thúc đẩy tính minh bạch và trách nhiệm giải trình của các cơ quan quản lý nhà nước, giảm chi phí thời gian, chi phí không chính thức, phát huy tính năng động, sáng tạo, tiên phong dám nghĩ dám làm của cán bộ các cấp… Phải có quy hoạch và chiến lược ưu tiên phát triển các ngành kinh tế một cách chọn lọc và rõ ràng dựa trên lợi thế so sánh để điều hướng phân bổ nguồn lực. Đặc biệt là giữa ưu tiên phát triển công nghiệp (đặc biệt là công nghiệp nặng) với du lịch…
Nhắn nhủ với chính quyền Quảng Ngãi, Thủ tướng nhấn mạnh, chính quyền cần khẳng định và nhất quán với quan điểm về thu hút nhà đầu tư là không “tham lớn khinh nhỏ” và cũng không được vì lợi ích trước mắt mà xem nhẹ lợi ích lâu dài. Thu hút được những nhà đầu tư lớn là rất quý giá, nhưng nuôi dưỡng được những nhà đầu tư nhỏ lớn lên càng đáng quý hơn nhiều.
Lưu ý các nhà đầu tư “nói phải đi đôi với làm, làm thì phải làm nhanh, không nói thứ không làm được”, Thủ tướng nêu rõ, các địa phương cần các nhà đầu tư có tiềm lực thực sự, dù ít, thay vì có nhiều nhà đầu tư nhưng kém năng lực. Nêu lên điều đó, Thủ tướng cho rằng, sẽ là lãng phí nếu doanh nghiệp chỉ xem lễ xúc tiến đầu tư như là dịp quảng bá hay khuếch trương hình ảnh.
Thủ tướng nhấn mạnh, Chính phủ luôn có niềm tin mạnh mẽ, coi trọng doanh nghiệp, dành nhiều thời gian quan tâm đến doanh nghiệp. Chính phủ và Thủ tướng sẽ thực hiện vai trò hỗ trợ và thúc đẩy doanh nghiệp. Do đó, sự chứng kiến của Thủ tướng, các bộ trưởng, lãnh đạo Nhà nước tại các hoạt động xúc tiến đầu tư là một “chứng chỉ” của niềm tin đối với doanh nghiệp.
Tại Hội nghị, Thủ tướng đã chứng kiến tỉnh Quảng Ngãi trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, quyết định chủ trương đầu tư cho 15 dự án với tổng vốn đầu tư 14.538 tỷ đồng, trao ghi nhận đầu tư cho 5 dự án với tổng vốn 3.640 tỷ đồng.
MẠNH HÀ-CÔNG PHƯƠNG