Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Thành công từ mô hình trồng rau “5 không”

Sơn Ngọc - 17:31, 29/03/2023

Ở khu phố 15, thị trấn Phước Dân (Ninh Phước, Ninh Thuận), anh Nguyễn Minh Châu ở Láng Ngựa là một trong những điển hình thanh niên khởi nghiệp với mô hình trồng rau thủy canh “5 không”, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ nông sản sạch của người tiêu dùng.

Anh Nguyễn Minh Châu trồng thủy canh rau xà lách Lolo chuẩn bị thu hoạch.
Anh Nguyễn Minh Châu trồng thủy canh rau xà lách Lolo chuẩn bị thu hoạch

Tốt nghiệp chuyên ngành xây dựng tại Trường Đại học Nguyễn Tất Thành, anh Châu từng có quãng thời gian làm kỹ thuật cho các công ty xây dựng tại TP. Hồ Chí Minh. Nhưng với niềm đam mê nông nghiệp, anh đã theo học hỏi kỹ thuật trồng rau thủy canh từ HTX Nông nghiệp Tuấn Ngọc ở Tp. Thủ Đức rồi trở về quê nhà đầu tư xây dựng nhà lưới để trồng rau thủy canh. Đây là phương pháp trồng rau mới trong nhà bao che lưới không kén đất, vì cây sinh trưởng trong môi trường giá thể được nuôi dưỡng từ nguồn nước tuần hoàn. Không lo ngại trước thời tiết mưa lũ; canh tác liên tục vì không phải mất thời gian làm đất.

“Rau xanh trồng theo phương pháp thủy canh bảo đảm tăng trưởng nhanh hơn, sản lượng cao hơn, chất lượng đồng đều hơn so với trồng trên đất. Đây là kỹ thuật tiên tiến được nhiều nhà vườn áp dụng trồng rau xanh cung cấp cho thị trường hiện nay. Tháng 10/2022, mình thu hoạch lứa rau đầu tiên khoảng 100 kg đưa ra thị trường được người tiêu dùng ưa chuộng”, anh Châu chia sẻ.

Điều chúng tôi lấy làm bất ngờ là rau xanh trồng theo phương pháp thủy canh cho ra sản phẩm đồng đều về chiều cao, màu sắc, thân lá của từng cá thể. Với 18 sàn thép khoan 720 lỗ/sàn dùng để đặt giá thể xơ dừa mang hạt nảy mầm được tưới tuần hoàn dinh dưỡng hữu cơ theo phương pháp tuần hoàn. Từ khi gieo hạt đến khi thu hoạch thời gian 30 - 45 ngày, tùy theo từng loại cải.

Hiện nay, anh Châu gieo trồng các giống cải phổ biến cung cấp cho thị trường như bó xôi, tần ô, cải ngọt, xà lách Lolo, cải thìa… Xà lách Lolo và cải bó xôi là hai loài rau trước đây thương lái đưa từ Đà Lạt về cung cấp người tiêu dùng Phan Rang. Anh Châu đã trồng thành công hai loài rau “khó tính” với chất lượng ngọt giòn bảo đảm an toàn.

Điểm đặc biệt của rau thủy canh là nhà vườn giữ lại một phần giá thể nuôi bộ rễ được bao nylon nên có khả năng giữ cây rau tươi từ 7 - 10 ngày. Mỗi ngày, anh Châu thu hoạch 30 - 40 kg rau sạch cung cấp cho siêu thị, các điểm bán nông sản sạch và các nhà hàng trên địa bàn. Giá bán rau trung bình 30 - 45 ngàn đồng/kg, tùy theo từng loại rau. Trừ hết chi phí sản xuất, bước đầu anh Châu có lãi 8 - 10 triệu đồng/tháng.

Trên đà thành công đó, anh Nguyễn Minh Châu thành lập Công ty TNHH MTV Nông nghiệp Huyền Vy. Ngày 5/1/2023, Công ty được Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Ninh Thuận chứng nhận “Đủ điều kiện an toàn thực phẩm để sản xuất, kinh doanh sản phẩm rau thủy canh”. Sản phẩm rau thủy canh thương hiệu Huyền Vy bảo đảm “5 không”: Không nhiễm kim loại nặng; không nhiễm vi khuẩn Coli, Selmonela; không dư lượng thuốc bảo vệ thực vật; không biến đổi gen; không thuốc tăng trưởng.

Chia sẻ với chúng tôi, anh Nguyễn Minh Châu cho biết: Với những nỗ lực trong sản xuất nông nghiệp, tôi được Huyện đoàn Ninh Phước giới thiệu tham gia cuộc thi ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp thanh niên tỉnh Ninh Thuận năm 2023. Tôi đã tiến hành in ấn nhãn hiệu sản phẩm và đăng ký sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Đồng thời tiếp tục vay vốn mở rộng thêm 500 m2 nhà kính trồng rau thủy canh, tăng sản lượng hàng hóa, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của thị trường.

Tin cùng chuyên mục
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình: Rà soát, lựa chọn các dự án đầu tư có trọng tâm thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình: Rà soát, lựa chọn các dự án đầu tư có trọng tâm thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS

Sáng 9/11, tại Tp. Pleiku, tỉnh Gia Lai, Ủy ban Dân tộc phối hợp với các ban, bộ, ngành Trung ương và các địa phương tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I từ năm 2021 - 2025 (gọi tắt là Chương trình MTQG 1719) khu vực miền Trung - Tây Nguyên và đề xuất nội dung Chương trình MTQG 1719 giai đoạn II từ năm 2026 - 2030.