Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Tháng 7 về Thành cổ Quảng Trị: Thành cổ đâu dễ nhìn thấy (Bài 4)

Thanh Hải - 09:08, 22/07/2022

Lâu nay, nghĩ về thành cổ chỉ là 81 ngày đêm khốc liệt của đạn bom, của mất mát, hi sinh. Nhưng ở thành cổ, còn có những điều không dễ gì nhìn thấy; cứ ẩn hiện trong lòng đất, trong cỏ cây, trong hoa lá, trong mỗi bức tượng, trong mỗi bức phù điêu… và chỉ thực sự đồng hiện khi chúng ta nhập tâm...

Đài tưởng niệm các Anh hùng Liệt sĩ trong Thành cổ Quảng Trị
Đài tưởng niệm các Anh hùng Liệt sĩ trong Thành cổ Quảng Trị

Tôi bước vào cổng chính thành cổ, phía tay trái là vần thơ đầy tự hào, như một chân lý, như một lẽ tất nhiên của lịch sử: “Hễ có Việt Nam, có cổ thành…”. Tác giả Trần Bạch Đằng đã viết như thế trong một tâm thế ngẩng cao đầu, trong một tâm thế sẵn sàng, một tâm thế chủ động của một người dân đất Việt, trước sự xâm lăng của kẻ thù ngoại bang. Nó cũng là khí phách, sự kiêu hãnh, là sự đáp trả bằng ý chí của cả một dân tộc.

Lịch sử cũng đã chứng minh điều ấy qua 81 ngày đêm năm 1972. Cuộc chiến đấu bảo vệ thành cổ, gắn với dòng sông Thạch Hãn đầy bi tráng đã đi vào lịch sử, như bản hùng ca bất tử, lay động lương tri loài người, trở thành biểu tượng sáng ngời của Chủ nghĩa anh hùng cách mạng, mãi mãi khắc ghi trong lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc Việt Nam.

81 bức phù điêu ghi lại 81 ngày tháng bảo vệ thành cổ
81 bức phù điêu ghi lại 81 ngày tháng bảo vệ thành cổ

Điều gì đã làm nên chiến thắng 81 ngày đêm năm ấy, giữa mưa bom, bão đạn dập vùi của kẻ thù. Ở thời điểm đó, Mỹ Ngụy với vũ khí tối tân, phương tiện chiến tranh hiện đại… so sánh với chúng ta quá là khập khiễng.

 Nhưng yếu tố con người đã chiến thắng và đập tan mọi tính toán quân sự, ngoại giao của kẻ thù. Như cách mà di bút của Tổng Bí thư Lê Duẩn, nay còn lưu giữ tại bảo tàng thành cổ, tôn vinh: “Chúng ta đã chịu đựng không phải chúng ta là gang thép, vì gang thép cũng chảy với bom đạn của chúng. Mà chính chúng ta là những con người, những con người thật sự - những con người Việt Nam, với truyền thống 4000 năm đã giác ngộ sâu sắc trách nhiệm trọng đại trước Tổ quốc, trước thời đại”.

Dường như ở cổ thành, mỗi cành cây, ngọn cỏ, bức tường đều thấm đẫm máu đào liệt sĩ mà trở nên linh thiêng
Dường như ở cổ thành, mỗi cành cây, ngọn cỏ, bức tường đều thấm đẫm máu đào liệt sĩ mà trở nên linh thiêng (Ảnh:vnexpress)

81 ngày đêm năm ấy, biết bao chiến sĩ đã hy sinh ở thành cổ nhưng chưa tìm lại được hài cốt. Tri ân các anh, hậu thế đã dựng xây một đài tưởng niệm hình thành ngôi mộ chung cho hàng ngàn chiến sĩ tại trung tâm di tích.

Nhiều người hẳn sẽ không biết về thiết kế của ngôi mộ ấy đặc biệt đến thế nào. Ngôi mộ tập thể này được thiết kế theo quan niệm triết lý âm dương, mang ý nghĩa sâu sắc là để siêu thoát cho linh hồn những người lính đã khuất. Dưới chân nấm mồ được đắp theo hình bát giác tượng trưng cho bát quái, bốn lối bậc cấp đi lên tượng trưng cho tứ tượng, tầng dâng hương là tầng lưỡng nghi. Bên trên là mái đình Việt cách điệu, trên mái đình là bình thái cực.

Theo quan niệm triết lý phương Đông thì, thái cực sinh lưỡng nghi, lưỡng nghi sinh tứ tượng, tứ tượng sinh bát quái, bát quái vận hành sinh vạn vật làm vũ trụ phát triển không ngừng. Trên tầng lưỡng nghi gồm hai nửa âm và dương, như mối quan hệ mật thiết giữa trời và đất, giữa ngày và đêm, giữa người sống và người chết. Ở cổ thành, hiện hữu đủ những điều ấy.

Hồ sen ngát xanh ở Thành cổ Quảng Trị
Hồ sen ngát xanh ở Thành cổ Quảng Trị

Rồi con số 81 thôi cũng đã bao điều lý thú. Có 81 bậc thang đi lên tượng trưng cho 81 ngày đêm chiến đấu ở Thành cổ Quảng Trị. Ngay nửa phần âm, là một cây đèn màu đỏ tượng trưng cho phần dương trong âm. Đèn này có chiều cao 8,1m, được ví như “Đèn thiên mệnh” với chức năng thiêng liêng là chuyển tải linh hồn các chiến sỹ giải phóng quân từ cõi âm về cõi vĩnh hằng. 

Chưa kể, phía bên ngoài tầng lưỡng nghi còn có 81 bức phù điêu, là 81 tờ lịch ghi lại từng ngày một của cuộc chiến 81 ngày đêm tại thành cổ Quảng Trị từ 28/06/1972 – 16/09/1972 theo chiều ngược kim đồng hồ.

Trên đỉnh của cây thiên mệnh có ngọn lửa mang ý nghĩa, là ánh hào quang của cuộc chiến 81 ngày đêm “quyết tử cho tổ quốc quyết sinh” trên chiến trường Quảng Trị. Giữa cây thiên mệnh là ba áng mây tượng trưng cho tam tài: Thiên – Địa – Nhân với ý nghĩa là cầu nối giữa trời, đất và con người.

Nửa phần dương còn lại được lát bằng nền gạch đỏ là màu của sự sống, sự sinh sôi nảy nở. Trên phần dương có một lỗ tròn tượng trưng cho phần âm trong dương, phần âm trong dương này thông vào lòng nấm mồ. Lòng nấm mồ rỗng có 2 trục đường chính giao nhau về tứ phương, về mặt tâm linh thì đây là nơi hội tụ linh hồn của các chiến sỹ tứ phương về nấm mồ chung này.

Lặng nghe kí ức đau thương về 81 ngày đêm bảo vệ thành cổ
Lặng nghe kí ức đau thương về 81 ngày đêm bảo vệ thành cổ

Ấn tượng lắng sâu với biết bao người khi hành hương về thành cổ, là hành trang người lính đặt giữa 2 trục đường giao nhau dưới lòng nấm mồ chung. Một chiếc mũ tai bèo, một đôi dép cao su, một bi đông nước, một khẩu súng AK và một chiếc ba lô. Giản dị đến nghẹn ngào, nhưng đã cùng các anh làm nên lịch sử, làm nên một “dáng đứng Việt Nam”: “Không một tấm hình không một dòng địa chỉ. Anh chẳng để lại chi trước lúc lên đường. Chỉ để lại dáng đứng Việt Nam tạc vào thế kỷ”.

Ở giữa hai phần âm và dương có đặt một lư hương để cho mọi người khi đến Thành cổ thắp một nén hương với lòng thành tâm nguyện cầu linh hồn chiến sĩ sẽ từ cõi âm theo đèn thiên mệnh siêu thoát về cõi vĩnh hằng và sẽ thanh thản nơi chín suối…

Thành cổ Quảng Trị được xây dựng dưới thời Nguyễn, mang dấu ấn của một thời quân chủ phong kiến cuối cùng trên nước Việt. Sau 81 ngày đêm, nhiều công trình, di tích ở thành cổ đã đổ sập. Lòng đất ấy là một túi bom đạn khổng lồ, là nấm mồ chung của rất nhiều chiến sĩ… thế nên quá trình phục hồi đã có sự lựa chọn. Nhiều công trình dưới thời Nguyễn không được phục dựng là vì thế.

Tác giả bên bức tường còn sót lại ở thành cổ
Tác giả bên bức tường còn sót lại ở Thành cổ Quảng Trị

Tôi và lớp lớp thế hệ hôm nay vào Thành cổ, cũng đã cúi đầu và nhẹ bước chân hơn… Tôi đã tri ân các anh linh liệt sĩ theo cách của riêng mình như thế. Nhưng nếu có ai đó hỏi về vùng đất thiêng ấy, thì vẫn thấy những hiểu biết của mình quả là nhỏ bé, những cảm nhận của mình quả là ít ỏi. Mỗi nhành cây, ngọn cỏ, bức tượng, tranh ảnh ở cổ thành như có linh hồn, như được nuôi dưỡng, chở che bởi linh hồn của những chiến sĩ tử trận. Còn dưới nền đất thiêng ấy là một thế giới - thế giới của những chiến sĩ cảm tử giữ thành chưa được hé mở hết...

Tôi vẫn mãi hằng tin như thế.

Tin cùng chuyên mục
Thách thức nâng cao chất lượng dân số vùng miền Tây Nghệ An: Tăng cường truyền thông về chăm sóc sức khỏe cho người dân (Bài 2)

Thách thức nâng cao chất lượng dân số vùng miền Tây Nghệ An: Tăng cường truyền thông về chăm sóc sức khỏe cho người dân (Bài 2)

Hàng loạt tồn tại, hạn chế đã được chỉ ra, trong đó nổi cộm là địa bàn sinh sống của đồng bào DTTS chủ yếu ở vùng sâu, vùng xa, điều kiện kinh tế khó khăn; trình độ dân trí, hiểu biết pháp luật của một bộ phận người dân còn hạn chế..., đã tạo "đất sống" cho những hủ tục, tập quán lạc hậu tồn tại. Đây chính là những thách thức lớn làm ảnh hưởng đến quá trình nâng cao chất lượng dân số vùng miền Tây xứ Nghệ. Thực tế, đã có nhiều giải pháp khắc phục hạn chế được đưa ra, trong đó là việc tổ chức các hoạt động truyền thông nhằm thay đổi tư duy; đồng thời lồng ghép cung cấp các dịch vụ khám sức khỏe, sàng lọc một số bệnh trong Nhân dân.