Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Tháng 7 về thành cổ Quảng Trị: Những bức di thư (Bài 3)

Thanh Hải - 08:55, 21/07/2022

Giữa những tháng ngày khốc liệt của mùa hè đỏ lửa năm 1972, không biết những người lính nơi cổ thành và người thân của họ nơi hậu phương đã nghĩ gì trong thời khắc sống chết cận kề như vậy? Tôi đã đi tìm câu trả lời ấy suốt nhiều năm và khi lặng im hàng giờ trước những bức di thư tại bảo tàng thành cổ, tôi đã hiểu được nhiều điều...

Những bức di thư tại Bảo tàng Thành cổ
Những bức di thư tại Bảo tàng Thành cổ Quảng Trị

Tầng 2 Bảo tàng Thành cổ Quảng Trị dành hẳn một khu vực trang trọng để trưng bày những bức di thư của những chiến sĩ tham chiến năm mươi năm trước. Thời gian đã khiến bức di thư hoen ố, những dòng chữ đang mờ dần… Tôi đọc được trong tủ kính ấy bức thư đã được phục chế của một chiến sĩ gửi cho người thân ở quê nhà, với nỗi niềm diết da, trìu mến, thương yêu. 

Trang cuối của một bức di thư
Trang cuối của một bức di thư

Đó là những dòng dự cảm được liệt sĩ Lê Văn Huỳnh viết vào ngày thứ 77 trong chiến dịch 81 ngày đêm bảo vệ thành cổ - khi mà sự khốc liệt của đạn bom đã lên đến tột cùng.

Lẽ nào, di thư thành cổ chỉ chừng này thôi sao? Tôi lật đật trở lại quầy sách ở nhà đón tiếp của Khu di tích và mừng rỡ khi thấy tập sách “Nhật ký Quảng Trị 1972” ấn hành quý 2 năm 2022. Cuốn sách đã dành rất nhiều trang in lại những bức di thư từ chiến trường của những người lính và những cánh thư từ hậu phương của người thân nơi quê nhà. Vậy là bản gốc của những bức di thư đã gần như mục nát, hư hỏng do thời gian?

Tôi đọc ngấu nghiến tập sách mà lòng rưng rưng cảm xúc, mắt nhòe đi lúc nào không hay. Hẳn là những bức di thư của những người thân gửi từ hậu phương, được những người lính đọc và giữ bên mình như một phần cơm ăn, nước uống, khí thở trong những ngày chiến đấu đối mặt với cái chết từng khắc, từng giờ. 

Trong tập sách ấy, tôi cũng đã thấy rất nhiều những bức thư, thậm chí là những đoạn thư của người lính viết vội trước và trong những thời khắc nghẹt thở của cuộc chiến gửi về cho gia đình. Thậm chí, có một vài bức thư kịp gửi vội cho những đồng đội bị thương chuyển về phía sau may mắn đến tay người thân ở hậu phương… Tất cả như thấm đẫm máu thịt, như còn ấm nóng hơi thở của những người ngã xuống trong thời khắc sinh tử 50 năm trước, trở thành một trong những thông điệp của lẽ sống, niềm tin, của khát vọng hòa bình bất diệt.

Có những bức di thư, như một dự báo về sự hy sinh của bản thân mình, hay đó là lời nói tránh thay cho từ “hy sinh” trước giờ phút cận kề cái chết. Tôi cũng đọc được trong số những bức di thư chan chứa niềm yêu thương, diết da của những lính trận gửi bố mẹ, vợ con ở hậu phương. Rất nhiều bức di thư là lời động viên, an ủi để người thân nơi hậu cứ yên lòng, vững dạ trước sự khốc liệt của chiến tranh…

Nhiều du khách rơi lệ khi được nghe kể lại những bức di thư
Nhiều du khách rơi lệ khi được nghe kể lại những bức di thư

Trong số những trang viết nơi chiến trận, là những cuốn nhật kí được tìm thấy dưới chiến hào, trong ngực áo phập phồng nhiệt huyết của những người lính trẻ. Những bức di thư ấy, hay là cuốn nhật kí đã luôn song hành bên hành trang người lính; trở thành thứ tài sản vô giá được họ nâng niu, trân trọng giữa chiến hào cổ thành.

Trong cuốn sách “Nhật kí Quảng Trị 1972”, tôi xin được dẫn ra những đoạn mà tôi đã đọc, đầy xúc cảm, thiết tha: “1/9/1972. Mẹ Tú và các con… Hà Nội quê ta thế nào. Máy bay giặc Mỹ có quấy nhiều không. Cả mẹ Tú và các con đi lại chú ý cẩn thận đấy, nhất là qua các trọng điểm…”. 

Từ thành cổ Quảng Trị - lặng ngắm và suy tư: Những bức di thư (Bài 3) 3

Ngày 19/6/1972, Tuệ của anh. Thư trước viết chưa gửi được cho Tuệ. Mới đây lại nhận được thư của Tuệ viết ngày 5 và 16/6, cả thư các con. Hôm nay, có người về, anh viết thêm cho Tuệ”… 

Hay, “Ngày 24/7/1972. Quang Bắc và Thống Nhất của bố. Bố định viết cho mỗi đứa một thư nhưng bố bận quá lại phải gửi cho kịp nên bố chỉ viết thư chung”…

Còn quê nhà, những bố mẹ, vợ con cũng đã gửi trọn niềm thương, nỗi nhớ, những tâm sự, day dứt khôn nguôi của cõi lòng theo từng cánh thư bay ra tiền tuyến. 

Tôi đọc đi đọc lại mấy dòng thư mà trân trọng hơn những hi sinh lặng thầm; càng hiểu hơn những nhớ nhung quắt quay, cồn cào của những người vợ trẻ ở phương xa. “Hà Nội, ngày 18/6/1972. Anh thân yêu. Sáng mai có người đi, tối nay vừa ra thầy về, Tuệ viết thư cho anh… Các anh dạo này chắc bận nhiều. Có lúc cũng nhớ anh. Chỉ lo bụng dạ anh có được tốt không?... Nhớ anh. Tuệ của anh. Nguyệt Tú”.

Những lá thư đã là nguồn động viên tinh thần lớn lao để những chiến sĩ thêm lạc quan, yêu đời mà vượt qua bao khốc liệt của cuộc chiến
Những lá thư đã là nguồn động viên tinh thần lớn lao để những chiến sĩ thêm lạc quan, yêu đời mà vượt qua bao khốc liệt của cuộc chiến

Hai chiều nỗi nhớ, hai chiều thông tin, hai chiều bình yên và cận kề cái chết… cứ thế song hành; trở thành một trong những sợi dây vô hình động viên người lính ở chiến trường, gieo lên niềm tin, hi vọng giữa mịt mù đạn bom. Có một điều: “ở hai đầu nỗi nhớ, yêu và thương, sâu hơn”, thì không thể nào chối cãi. Chính niềm tin, tình yêu ở cả hai chiều hậu phương và tiền tuyến đó, đã giúp người lính chiến đấu quên mình, xả thân vì nghĩa lớn, dù biết cái chết đang đến từng ngày, từng giờ. Họ đã chết, thậm chí chọn lấy cái chết để vợ con, người thân được sống trong bình yên; để quê hương luôn mãi thanh bình.

Còn và chắc chắn sẽ còn nữa, nhiều những bức di thư chưa được công bố hoặc tìm thấy. Nhưng, cũng có biết bao nhiêu người lính ở cổ thành đã ra đi giữa mùa xuân của cuộc đời, để thân thể mình hòa vào đất đá, cỏ cây. Họ chẳng kịp để lại một tấm hình, một phong thư mà chỉ để lại một khoảng trống mãi không thể lấp đầy trong lòng người ở lại.

Những bức di thư, mãi mãi là những lát cắt tình cảm, lát cắt lịch sử để hậu thế hôm nay có thêm một góc nhìn để hiểu về tâm thế những người chiến sĩ bảo vệ Thành cổ Quảng Trị 1972. Họ là những con người bằng xương, bằng thịt, chân chất, mộc mạc; đã chiến đấu hết mình với niềm tin vào thắng lợi cuối cùng vì mục tiêu giành độc lập, tự do cho Tổ quốc.

Tin cùng chuyên mục
Thách thức nâng cao chất lượng dân số vùng miền Tây Nghệ An: Tăng cường truyền thông về chăm sóc sức khỏe cho người dân (Bài 2)

Thách thức nâng cao chất lượng dân số vùng miền Tây Nghệ An: Tăng cường truyền thông về chăm sóc sức khỏe cho người dân (Bài 2)

Hàng loạt tồn tại, hạn chế đã được chỉ ra, trong đó nổi cộm là địa bàn sinh sống của đồng bào DTTS chủ yếu ở vùng sâu, vùng xa, điều kiện kinh tế khó khăn; trình độ dân trí, hiểu biết pháp luật của một bộ phận người dân còn hạn chế..., đã tạo "đất sống" cho những hủ tục, tập quán lạc hậu tồn tại. Đây chính là những thách thức lớn làm ảnh hưởng đến quá trình nâng cao chất lượng dân số vùng miền Tây xứ Nghệ. Thực tế, đã có nhiều giải pháp khắc phục hạn chế được đưa ra, trong đó là việc tổ chức các hoạt động truyền thông nhằm thay đổi tư duy; đồng thời lồng ghép cung cấp các dịch vụ khám sức khỏe, sàng lọc một số bệnh trong Nhân dân.