Vì Nhân dân phục vụ…
Đóng chân trên địa bàn biên giới, hơn ai hết, những cán bộ, chiến sĩ (CBCS) Biên phòng thấu hiểu những khó khăn của đồng bào các DTTS vùng biên. Vì thế, ngoài hỗ trợ mô hình sinh kế để giúp bà con xóa đói, giảm nghèo; CBCS các ĐBP ở Nghệ An còn xây dựng nhiều mô hình xã hội để hỗ trợ đồng bào.
Một trong những mô hình ý nghĩa, nhân văn mà lực lượng biên phòng đang thực hiện là “con nuôi biên phòng”, “nâng bước em đến trường”. Từ mô hình, hiện đang có 96 cháu học sinh có hoàn cảnh khó khăn được hỗ trợ 500.000đ/cháu/tháng; trực tiếp nuôi dưỡng, chăm sóc 17 cháu là con nuôi các ĐBP. Đặc biệt, triển khai Chương trình MTQG phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi gia đoạn 2021-2025, lực lượng đã thực hiện tốt dự án “Cán bộ, chiến sĩ quân đội nâng bước em tới trường” với 150 cháu tại các địa bàn khu vực biên giới được nhận hỗ trợ; triển khai thành công mô hình “đồng hành cùng ký túc xá vùng biên” cho 65 em học sinh Đan Lai tại khu nội trú trường THCS xã Môn Sơn (Con Cuông).
Cùng với chủ trương chung, các ĐBP đều bám sát thực tế địa bàn, xây dựng những mô hình hỗ trợ kết hợp với công tác dân vận hiệu quả. Điển hình như mô hình “Tổ hợp ngôi nhà thiện nguyện” của ĐBP Mỹ Lý ( huyện Kỳ Sơn) là minh chứng rõ nét nhất.
Sau 3 năm triển khai, “Tổ hợp ngôi nhà thiện nguyện” đã trở thành địa điểm cấp đồ dùng sinh hoạt cho các gia đình có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn với giá 0 đồng. Tại đây còn có thư viện, điểm cắt tóc, phòng máy tính phục vụ miễn phí cho học sinh, cán bộ, Nhân dân trên địa bàn.
Trung tá Hoàng Thế Tài, Chính trị viên ĐBP Mỹ Lý tâm sự: Mô hình thu hút đông đảo các tầng lớp Nhân dân đến để lấy đồ dùng sinh hoạt, một mặt hỗ trợ những hộ khó khăn, mặt khác tạo điều kiện để cán bộ, chiến sĩ đơn vị tiếp xúc, trò chuyện với người dân nhằm thực hiện hiệu quả công tác tuyên truyền, dân vận.
Một trong những cách làm hay của cán bộ chiến sĩ ĐBP Tam Quang (huyệnTương Dương) là đã thành lập “Tổ thợ xây mang áo lính”, nhằm hỗ trợ nhân lực giúp người dân trên địa bàn xây dựng nhà ở, các công trình dân sinh để lại nhiều dấu ấn tình người trong mỗi nếp nhà, trên mỗi bản làng, thôn xóm...
Qua 4 năm thành lập, Tổ đã xây dựng, hoàn thành gần 10 công trình, gồm: nhà cho các gia đình có hoàn cảnh khó khăn, phòng học tại các ngôi trường trên địa bàn và nhiều tuyến đường giao thông nông thôn.
Thực hiện phương châm “nói đi đôi với làm”, nhiều năm qua, BĐBP Nghệ An đã tham mưu, phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp thực hiện các chủ trương lớn như: Điều động cán bộ biên phòng về tăng cường cho xã, giữ các chức danh bí thư, phó bí thư đảng ủy các xã biên giới. Hiện nay, BĐBP tỉnh Nghệ An cũng đang duy trì 27 cán bộ tăng cường cho các xã biên giới; 84 đảng viên chuyển sinh hoạt tạm thời về các thôn, bản yếu kém, địa bàn phức tạp; 522 đảng viên phụ trách 2.387 hộ gia đình ở khu vực biên giới. Trên các cương vị khác nhau, CBCS biên phòng đang bám sát địa bàn, hỗ trợ chính quyền địa phương và Nhân dân ổn định về chính trị, cuộc sống; góp sức giữ vững “3 yên” ( yên dân, yên địa bàn, yên biên giới).
Trên những nẻo đường tuần tra
Những hoạt động thắm tình quân - dân, đã giúp đồng bào các dân tộc ở khu vực biên giới tỉnh Nghệ An thêm tin yêu, hỗ trợ BĐBP bảo vệ biên giới, bảo đảm an ninh trật tự địa bàn. Theo đó, BĐBP tỉnh Nghệ An đã phối hợp với chính quyền địa phương xây dựng được 89 tổ, vận động 585 hộ gia đình, 628 cá nhân tham gia tự quản đường biên, mốc quốc giới, bảo đảm an ninh trật tự tại địa bàn.
Trong quá trình lao động sản xuất, Nhân dân kịp thời phát hiện, thông báo cho BĐBP, lực lượng chức năng nhiều thông tin, sự việc phát sinh trên biên giới, địa bàn. Chỉ tính từ đầu năm 2023 đến nay, Nhân dân biên giới đã tố giác để các đơn vị BĐBP tỉnh Nghệ An xử lý 40 vụ/44 đối tượng vi phạm pháp luật và cung cấp nhiều nguồn tin có giá trị, phục vụ cho công tác đấu tranh, phòng, chống tội phạm khu vực biên giới.
Các hoạt động thiết thực của BĐBP tỉnh Nghệ An, đã góp phần thay đổi bộ mặt kinh tế - xã hội vùng biên giới, từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào các dân tộc trên biên giới. Đó là điều kiện hết sức thuận lợi cho việc huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và của toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia.
Ông Lầu Bá Thái, Phó Chủ tịch UBND xã Nậm Cắn (Kỳ Sơn) thông tin: Các bản trên địa bàn xã đều tổ chức tổ tự quản với quân số 3 người/tổ. Ngoài việc thường xuyên nắm chắc tình hình, cung cấp thông tin kịp thời cho chính quyền và lực lượng chức năng, các tổ tự quản của xã còn phối hợp với dân quân và BĐBP tuần tra, kiểm soát bảo vệ đường biên, cột mốc. Nhờ thực hiện tốt phong trào này nên trong thời gian qua, địa bàn biên giới của xã bảo đảm an toàn, kinh tế phát triển, đời sống Nhân dân không ngừng được nâng lên.
Hiện nay, trên các tuyến biên giới của tỉnh Nghệ An đang duy trì hoạt động hiệu quả 84 tổ, với 498 người tham gia tự quản đường biên, mốc giới và 716 tổ, với gần 4.000 người tự quản an ninh thôn, bản.
Ông Nguyễn Văn Thông, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Nghệ An cho biết: Những kết quả đạt được trong công tác phối hợp giữa BĐBP với cấp ủy, chính quyền các địa phương không chỉ thể hiện rõ vai trò lực lượng nòng cốt trong bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia, mà lực lượng BĐBP còn có những đóng góp rất quan trọng thúc đẩy kinh tế-xã hội khu vực biên giới...