Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Giữ vững biên cương từ “thế trận lòng dân”

Ngọc Ánh- Thanh Nga - 17:48, 20/08/2023

Lịch sử đã khẳng định, nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới sẽ không thể hoàn thành nếu không dựa vào sức mạnh của “thế trận lòng dân”. Chính vì vậy trong thời gian qua, Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh Đắk Lắk đã phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, kết hợp với thế trận quân sự, an ninh và đối ngoại, tạo thành thế trận biên phòng toàn dân vững chắc, góp phần thực hiện thắng lợi sự nghiệp xây dựng và bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia.

Người dân xã biên giới Krông Na, huyện Buôn Đôn lau chùi, bảo vệ cột mốc biên giới.
Người dân xã biên giới Krông Na, huyện Buôn Đôn lau chùi, bảo vệ cột mốc biên giới.

Những khó khăn, thách thức ở vùng biên

Đắk Lắk là tỉnh nằm ở trung tâm địa bàn chiến lược Tây Nguyên. Đây cũng là địa phương có vị trí quan trọng về chính trị, kinh tế- xã hội, quốc phòng- an ninh với đường biên giới dài hơn 71 km tiếp giáp với nước bạn Campuchia.

Khu vực biên giới của tỉnh Đắk Lắk có 4 xã (38 thôn, buôn) thuộc 2 huyện biên giới gồm: xã Ia R’vê, Ia Lốp, Ea Bung (huyện Ea Súp) và xã Krông Na (huyện Buôn Đôn), với 6.720 hộ, 23.419 khẩu, 26 dân tộc anh em cùng sinh sống, trong đó DTTS chiếm 39,3%. Thu nhập chính của người dân chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp là chính....

Bộ đội Biên phòng Đắk Lắk, vận động người dân biên giới treo cờ Tổ quốc trong các ngày lễ, tết của đất nước và dân tộc.
Bộ đội Biên phòng Đắk Lắk, vận động người dân biên giới treo cờ Tổ quốc trong các ngày lễ, tết của đất nước và dân tộc.

Những năm qua, mặc dù Đảng, Nhà nước có nhiều chủ trương, chính sách chăm lo xây dựng vùng biên giới, nhưng do đất đai cằn cỗi, khí hậu khắc nghiệt, trên biên giới thường xuyên bị hạn hán, lũ lụt, nên đời sống còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao (55,7%). Hệ thống giao thông tuy đã được đầu tư xây dựng, nhưng do địa hình sông, suối nhiều; cầu, cống chưa được xây dựng kiên cố, nên thường bị chia cắt vào mùa mưa.

Khu vực biên giới có vườn quốc gia Yok Đôn với diện tích khá lớn, đây là khu vực không thể bố trí dân cư, rất khó khăn trong việc bố trí, tổ chức lực lượng quản lý, bảo vệ biên giới. Trong khi đó, tình hình anh ninh chính trị vẫn còn tiềm ẩn nhiều yếu tố bất ổn, khó lường; tình trạng xuất nhập cảnh trái phép, vi phạm quy chế biên giới, an ninh nông thôn diễn ra phức tạp; các thế lực thù địch, phản động lợi dụng địa bàn khu vực biên giới để chống phá sự nghiệp cách mạng của Đảng, công cuộc đổi mới của đất nước, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc. Những thách thức đó ảnh hưởng không nhỏ tới “thế trận lòng dân” bảo vệ biên cương Tổ quốc.

Bộ đội Biên phòng Đắk Lắk trên đường tuần tra biên giới.
Bộ đội Biên phòng Đắk Lắk trên đường tuần tra biên giới.

Xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở vững mạnh

Đại tá Đỗ Quang Thấm, Phó Chính ủy Bộ Chỉ huy BĐBP Đắk Lắk cho biết: Thời gian qua, Đảng ủy Bộ Chỉ huy BĐBP Đắk Lắk đã chủ động ký kết quy chế phối hợp với Huyện ủy Buôn Đôn và Huyện ủy Ea Súp nhằm tăng cường sự lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia; xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, toàn diện trên khu vực biên giới. Các Đồn biên phòng đều có quy chế phối hợp với Đảng ủy các xã biên giới.

Đảng ủy Bộ Chỉ huy BĐBP Đắk Lắk tham mưu với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đắk Lắk ban hành Quyết định số 741 “Quy định về nhiệm vụ, quyền hạn, mối quan hệ công tác của đảng viên Đồn Biên phòng tham gia sinh hoạt tạm thời tại chi bộ thôn, buôn các xã biên giới”; theo đó, đã điều động 4 cán bộ tăng cường cho 4 xã biên giới, giữ chức vụ Phó Bí thư Đảng ủy xã; 52 đảng viên tham gia sinh hoạt đảng tạm thời tại 100% các chi bộ thôn, buôn; 72 cán bộ, đảng viên các Đồn Biên phòng phụ trách 333 hộ gia đình tại 4 xã biên giới. Trên cương vị công tác được giao, các đồng chí luôn phát huy tinh thần, trách nhiệm, tích cực tham mưu có hiệu quả việc xây dựng, củng cố hệ thống chính trị, phát triển kinh tế-xã hội, củng cố quốc phòng- an ninh trên địa bàn.

Bộ đội Biên phòng Đắk Lắk gần dân, sát dân, chăm lo đời sống Nhân dân.
Bộ đội Biên phòng Đắk Lắk gần dân, sát dân, chăm lo đời sống Nhân dân.

Ông Nguyễn Sỹ Nghĩa, Bí thư Đảng ủy xã biên giới Krông Na (huyện Buôn Đôn) cho biết, từ khi có BĐBP về tăng cường giúp địa phương, các vấn đề nổi cộm, bức xúc, phức tạp nảy sinh trong Nhân dân đã được ngăn chặn và xử lý kịp thời, người dân khu vực biên giới luôn tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, không nghe những luận điệu tuyên truyền của kẻ xấu, yên tâm định canh, định cư, bám buôn làng, cùng BĐBP tham gia bảo vệ đường biên, cột mốc, giữ vững biên cương Tổ quốc.

Bên cạnh đó, cùng với quản lý, bảo vệ 71 km biên giới tiếp giáp với tỉnh Mondulkiri (Campuchia), Đảng ủy, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Đắk Lắk đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai hiệu quả công tác đối ngoại quốc phòng, đối ngoại biên phòng, nâng cao hiệu quả công tác hợp tác với lực lượng bảo vệ biên giới Mondulkiri như quản lý, bảo vệ biên giới, đấu tranh phòng, chống tội phạm, hoạt động xuất nhập cảnh trái phép…

Nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân

Xác định việc gần dân, sát dân và chăm lo cuộc sống cho dân là cơ sở xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc, trong thời gian qua, Đảng ủy, Bộ Chỉ huy BĐBP Đắk Lắk thực hiện phương châm: “Đồn là nhà, biên giới là quê hương, đồng bào các dân tộc là anh em ruột thịt”, từ đó kiên trì thực hiện “ba bám” là “bám đơn vị, bám địa bàn, bám chủ trương, chính sách”; “bốn cùng” là cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng dân tộc.

Bộ đội Biên phòng Đắk Lắk chăm sóc sức khỏe cho người dân vùng biên.
Bộ đội Biên phòng Đắk Lắk chăm sóc sức khỏe cho người dân vùng biên.

Cùng với đó là triển khai nhiều mô hình, việc làm giúp dân xóa đói, giảm nghèo. Tiêu biểu như: Mô hình chăn nuôi nhím, vịt trời, kỳ nhông, thỏ lai cao sản, bò sinh sản, heo lai thương phẩm F2, gà thả vườn, cá nước ngọt…; mô hình trồng gừng, trồng ớt trong bao, trồng xoài lai trái vụ,… Đặc biệt, mô hình trồng cây lúa nước đem lại hiệu quả năng suất cao, người dân sản xuất 2 vụ trên cánh đồng 30 ha tại buôn Đrang Phốk, xã Krông Na, huyện Buôn Đôn thay vì chỉ sản xuất 1 vụ như trước đây. Đảng ủy, Bộ Chỉ huy, Hội Phụ nữ BĐBP tỉnh cũng trao hàng trăm con bò giống sinh sản, trao vốn khởi nghiệp, mô hình sinh kế trị giá hàng tỷ đồng cho hàng trăm gia đình, hội viên phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn tại các xã biên giới.

Bộ đội Biên phòng Đắk Lắk kèm học sinh biên giới ôn bài.
Bộ đội Biên phòng Đắk Lắk kèm học sinh biên giới ôn bài.

BĐBP cũng đã phối hợp các cơ quan, đơn vị, nhà hảo tâm huy động trên chục tỷ đồng để xây dựng hơn 200 ngôi nhà: “Mái ấm cho người nghèo nơi biên giới”, nhà “Nghĩa tình Trường Sơn”, nhà “Mái ấm chiến sĩ nơi biên giới”, nhà “Đồng đội" cho gia đình chính sách, người có công, người cao tuổi cô đơn, không nơi nương tựa; xây dựng nhà văn hóa cộng đồng, nhà đoàn kết quân- dân; xây dựng công trình dân sinh (19 giếng khoan, 3 phòng học, 3 phòng khám quân - dân y kết hợp chăm sóc sức khoẻ cho Nhân dân ở khu vực biên giới); xây dựng 5 công trình “Nước ngọt vùng biên”; mở 5 lớp xoá mù chữ cho hơn 100 người dân.

Đại tá Đỗ Quang Thấm, Phó Chính ủy Bộ Chỉ huy BĐBP Đắk Lắk động viên học sinh vùng biên đến trường.
Đại tá Đỗ Quang Thấm, Phó Chính ủy Bộ Chỉ huy BĐBP Đắk Lắk động viên học sinh vùng biên đến trường.

Cán bộ, chiến sĩ BĐBP Đắk Lắk tự nguyện đóng góp, hỗ trợ 40 em học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn ở 4 xã biên giới, trong đó có 22 em là người DTTS, hỗ trợ mỗi em 500 nghìn đồng/tháng; tạo điều kiện về nơi ăn, chốn ở và hỗ trợ việc học hành đối với 4 “con nuôi đồn biên phòng”; trong chương trình “nâng bước em tới trường”, BĐBP đã nhận đỡ đầu cho 145 cháu; tặng hàng trăm xe đạp, hàng nghìn sách, vở, dụng cụ học tập cho các em học sinh,…

Hình ảnh người “Thầy thuốc quân hàm xanh”,“Thầy giáo quân hàm xanh”, cán bộ, chiến sĩ BĐBP quên mình giúp dân trong phòng, chống lụt bão, cứu hộ, cứu nạn,... đã in đậm trong tâm trí người dân biên giới. Những việc làm đó đã góp phần củng cố, tăng cường niềm tin của Nhân dân với Đảng, Nhà nước và lực lượng Biên phòng, qua đó góp phần xây dựng “thế trận lòng dân” đáp ứng yêu cầu sự nghiệp bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới quốc gia.

Bộ đội Biên phòng Đắk Lắk giúp dân dọn nhà sau mưa lũ.
Bộ đội Biên phòng Đắk Lắk giúp dân dọn nhà sau mưa lũ.

Mỗi người dân biên giới là một cột mốc sống

Già làng Y Mok H’ra ở Buôn Đrang phốk xã biên giới Krông na huyện Buôn Đôn kể: Buôn Đrang phốk có 145 hộ với 558 nhân khẩu (100% là dân tộc Ê Đê, M’nông, Gia Rai, Lào). Trước năm 2006, đời sống của bà con trong buôn rất khó khăn, nhiều gia đình bỏ buôn đi tìm vùng đất mới, trong buôn chỉ còn lại vài chục hộ. Từ khi được BĐBP Đắk Lắk xây dựng hệ thống kênh mương nội đồng, khai hoang, mở rộng diện tích đồng ruộng, hướng dẫn bà con áp dụng khoa học - kỹ thuật sản xuất, người dân trồng lúa nước đã đem lại hiệu quả năng suất cao, sản xuất được 2 vụ trên cánh đồng 30 ha thay vì chỉ sản xuất 1 vụ như trước, bà con dần ổn định cuộc sống và quyết tâm bám trụ tại buôn làng.

Bà con xã biên giới Krông Na (huyện Buôn Đôn) cùng bộ đội Biên phòng tuần tra bảo vệ đường biên, cột mốc biên giới.
Bà con xã biên giới Krông Na (huyện Buôn Đôn) cùng bộ đội Biên phòng tuần tra bảo vệ đường biên, cột mốc biên giới.

“Bà con trong buôn tin yêu BĐBP lắm, gắn bó với bộ đội như anh em ruột thịt. Bất cứ việc gì trong buôn làng đến ngoài nương rẫy, bà con đều gọi BĐBP đến giúp. BĐBP cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng dân tộc với bà con; tuyên truyền, vận động bà tin vào đường lối đổi mới của Đảng, Nhà nước; đoàn kết gắn bó, thi đua lao động sản xuất, xóa đói giảm nghèo, nuôi dạy con cái... Nhờ BĐBP mà đời sống vật chất - tinh thần của bà con trong buôn đã được nâng lên rõ rệt. Người dân trong buôn chấp hành pháp luật tốt hơn, không còn tình trạng phát rừng làm rẫy, du canh, du cư, vi phạm quy chế biên giới mà tập trung lao động sản xuất, ổn định cuộc sống”, Già làng Y Mok H’ra phấn khởi cho biết.

Hiện, trên toàn tuyến biên giới của tỉnh Đắk Lắk có 38 tổ tự quản, 23 tập thể, 421 hộ gia đình, 3.290 cá nhân đã tự nguyện cam kết tham gia đấu tranh phòng, chống tệ nạn xã hội trên địa bàn; 38 tập thể, 614 hộ gia đình, 1.768 cá nhân tự nguyện đăng ký tham gia tự quản đường biên, cột mốc.

Bà con biên giới gắn bó với bộ đội Biên phòng như anh em ruột thịt.
Bà con biên giới gắn bó với bộ đội Biên phòng như anh em ruột thịt.

Hội Phụ nữ các xã biên giới thành lập 4 mô hình câu lạc bộ “Gia đình hội viên phụ nữ không vi phạm quy chế biên giới” với 97 hội viên, 1 câu lạc bộ “Phụ nữ tham gia bảo vệ đường biên, cột mốc” tại xã Ia Rvê với 12 hội viên phụ nữ thôn đăng ký tham gia, 1 mô hình “Phụ nữ tố giác tội phạm, tham gia giữ gìn an ninh trật tự ở khu vực biên giới”, 1 mô hình “Chi hội Phụ nữ 3 an toàn”.

Việc xây dựng ‘thế trận lòng dân” ở vùng biên đã khơi dậy lòng yêu nước, tinh thần đoàn kết của người dân biên giới; tạo cơ sở vững chắc góp phần thực hiện thắng lợi sự nghiệp xây dựng và bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia.

Tin cùng chuyên mục
Tăng cường nâng cao năng lực cho người dân vùng DTTS và miền núi Nghệ An

Tăng cường nâng cao năng lực cho người dân vùng DTTS và miền núi Nghệ An

Nhằm thúc đẩy đồng bào các DTTS phát triển toàn diện trên các lĩnh vực đời sống, kinh tế, xã hội, trong nhiều năm qua, việc nâng cao kiến thức, trình độ, năng lực… cho người dân vùng đồng bào DTTS và miền núi Nghệ An được các cấp, các ngành trong tỉnh rất quan tâm. Đặc biệt, từ khi triển khai Chương trình MTQG phát triển kinh tế -xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn I: từ năm 2021-2025 (Chương trình MTQG 1719) nội dung này càng được thực hiện bài bản, quyết liệt hơn nhờ nguồn lực đầu tư, hỗ trợ của Chương trình.