Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Phổ biến pháp luật đến người dân vùng biên

Đỗ Long - Lê Hường - 18:02, 07/10/2023

Nhằm huy động được sức dân tham gia bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới, đảm bảo an ninh trật tự vùng biên, những năm qua, Bộ đội Biên phòng tỉnh Đắk Lắk không những thực hiện nhiệm vụ bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ mà còn làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật đến Nhân dân nơi biên cương Tổ quốc.

Bộ đội Biên phòng tuyên truyền pháp luật đến người dân vùng biên
Bộ đội Biên phòng tuyên truyền pháp luật đến người dân vùng biên

Hiệu quả các mô hình quân dân

Năm 2015, Ban Chỉ huy Đồn Biên phòng Ia R’vê triển khai Mô hình Câu lạc bộ (CLB) “Gia đình phụ nữ nói không vi phạm quy chế biên giới” tại thôn 5, xã Ia R’vê. Với mục đích tuyên truyền, vận động các thành viên trong gia đình không bị phạm quy chế biên giới, tích cực tham gian tự quản đường biên, mốc giới, giữ gìn an ninh trật tự chung trên địa bàn. CLB đặt ra tiêu chí hoạt động là hội viên và gia đình hội viên không được vi phạm quy chế biên giới; không chặt phá rừng; không tham gia mua bán phụ nữ và trẻ em qua biên giới; không buôn bán, vận chuyển ma túy…

Chị Đinh Thị Linh, Chủ nhiệm CLB “Gia đình phụ nữ không vi phạm quy chế biên giới” chia sẻ: Hàng tháng, CLB cử đại điện các hội viên cùng cán bộ, chiến sĩ đồn biên phòng tuần tra, bảo vệ đường biên, mốc giới. Trong các buổi sinh hoạt, cán bộ Đồn Biên phòng Ia R’vê sẽ cử cán bộ đến tham gia, cung cấp thông tin về tình hình an ninh trật tự khu vực biên giới, cập nhật chủ trương chính sách mới của Đảng, Nhà nước. Từ đó giúp chị em phụ nữ nâng cao hiểu biết về pháp luật, các quy định, quy chế biên giới.

Ia R’vê là một trong 4 xã biên giới của tỉnh Đắk Lắk. Toàn xã có 14 thôn, hơn 2.000 hộ, gần 7.000 khẩu với 23 thành phần dân tộc, trong đó, đồng bào DTTS chiếm 23%. Trước đây, người dân đa số sống dựa vào rừng nhưng nhận thức về pháp luật, quy định về đi lại, lưu trú trên địa bàn biên giới lại hạn chế nên tình hình an ninh diễn ra phức tạp.

Ngoài mô hình “Gia đình phụ nữ không vi phạm quy chế biên giới”, mô hình “Thôn không có thanh niên vi phạm pháp luật” cũng đang phát huy hiệu quả rất tốt tại địa phương.

Bộ đội Biên phòng đến từng nhà dân tuyên truyền
Bộ đội Biên phòng đến từng nhà dân tuyên truyền

Bà Trần Lệ Thủy, Bí thư Đảng ủy xã Ia R’vê khẳng định: Các mô hình quân dân trên địa bàn xã đã phát huy hiệu quả tốt, góp phần nâng cao hiệu quả tuyên truyền, vận động các thành viên trong gia đình không vi phạm quy chế biên giới. Mô hình không những giúp người dân địa phương nâng cao ý thức chấp hành pháp luật mà còn tích cực tham gia tự quản đường biên, mốc giới, huy động sức mạnh toàn dân bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia. Đồng thời, tạo điều kiện để hội viên phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế, xây dựng gia đình văn hóa, xây dựng quê hương.

Đưa kiến thức pháp luật đến người dân biên cương

Xã Ea Bung có 6 thôn, hơn 1.000 hộ dân, với 4.000 nhân khẩu gồm 7 dân tộc cùng sinh sống. Đường biên giới 11,8km có 2 Đồn Biên phòng đóng chân gồm Đồn Biên phòng Cửa khẩu Đắk Ruê và Đồn Biên phòng Yôk Mbre. Mong muốn giúp người dân nâng cao nhận thức về pháp luật, các đồn biên phòng trên địa bàn đóng quân xã Ea Bung đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nghiệp vụ, chú trọng đẩy mạnh vận động quần chúng, tăng cường tuyên truyền, phố biến, giáo dục pháp luật đến Nhân dân. Theo đó, định kỳ 3 tháng/lần, cấp ủy, chính quyền địa phương và hai Đồn biên phòng đóng chân trên địa bàn lại tổ chức tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật. Đồng thời, thành lập các tổ tự quản về an ninh trật tự, tự quản đường biên, 6 đội dân phòng và 3 tủ sách pháp luật.

Ông Phan Thanh Pha, Chủ tịch UBND xã Ea Bung khẳng định: Qua thời gian phối hợp, địa phương đánh giá rất cao tinh thần trách nhiệm của cán bộ, chiến sĩ Biên phòng đứng chân trên địa bàn xã. Nhờ làm tốt công tác phối hợp, nhiều năm qua trên địa bàn không có vi phạm quy chế biên giới, Nhân dân địa phương không có tình trạng phá rừng, mua bán đất rừng, xâm chiếm đất rừng.

Người dân xã biên giới Krông Na cùng cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng SêRêPốk tuần tra đường biên, mốc giới
Người dân xã biên giới Krông Na cùng cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng SêRêPốk tuần tra đường biên, mốc giới

Nhằm nâng cao hiệu quả tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, Bộ đội Biên phòng tỉnh Đắk Lắk đã triển khai nhiều cách làm, đa dạng về hình thức, phong phú về nội dung. Từ việc phát huy hiệu quả tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh, loa lưu động đến tuyên truyền tập trung trong các buổi sinh hoạt, đến tận nhà dân để tuyên truyền. Đặc biệt, Bộ đội Biên phòng Đắk Lắk còn thành lập các thư viện, tủ sách pháp luật và các tổ tư vấn pháp luật, câu lạc bộ chấp hành pháp luật.

Theo báo cáo, Bộ đội Biên phòng tỉnh Đắk Lắk đã xây dựng 14 “Tủ sách pháp luật” tại 4 xã biên giới với hàng nghìn đầu sách, tờ rơi, tờ gấp, băng đĩa có nội dung tuyên truyền về pháp luật. Thành lập các tổ tự quản về an ninh trật tự, tổ tự quản đường biên tại 38 thôn, buôn và hoạt động hiệu quả. Ngoài ra, Bộ đội Biên phòng Đắk Lắk còn phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức các Hội thi tìm hiểu kiến thức pháp luật, Ngày pháp luật với nhiều hình thức phong phú thu hút đông đảo Nhân dân vùng biên tham gia.

Đại tá Đỗ Quang Thấm, Chính ủy Bộ đội Biên phòng tỉnh Đắk Lắk chia sẻ: Sự kiện Luật Biên phòng Việt Nam chính thức có hiệu lực vào ngày 1/1/2022 có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Để luật đi vào cuộc sống, Bộ đội Biên Đắk Lắk mong muốn các ngành, đoàn thể tiếp tục phối hợp chặt chẽ với đơn vị, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật rộng rãi trong Nhân dân. Từ đó, tạo nên sức mạnh tổng hợp bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia.

Tin cùng chuyên mục
Nghệ An: Nỗ lực cho công tác xóa mù chữ để đồng bào thay đổi nếp nghĩ, cách làm

Nghệ An: Nỗ lực cho công tác xóa mù chữ để đồng bào thay đổi nếp nghĩ, cách làm

Năm 2022, Nghệ An được công nhận đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2, đây là tiền đề quan trọng để địa phương tiếp tục có những bước đi vững chắc trong công tác xóa mù chữ. Tuy nhiên, với điều kiện kinh tế - xã hội còn khó khăn, nhận thức của một bộ phận người dân còn hạn chế, địa bàn cách trở… đang là những trở ngại đối với công tác xóa mù chữ, đòi hỏi tỉnh Nghệ An có những giải pháp phù hợp.