Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Thăm nhà lưu niệm cố ca sĩ Y Moan

Huỳnh Dũng Nhân - 16:44, 05/02/2021

Cuối năm 2020, tôi chọn TP. Buôn Ma Thuột cho chuyến du lịch cuối cùng của năm. Thật tình cờ, nơi tôi ở là Homestay trên đường mang tên cố ca sĩ, NSND người Ê Đê Y Moan Enuol.

Ca sĩ Y Moan.
Ca sĩ Y Moan.

Mọi người trong đoàn liền thuê xe máy đến thăm Nhà lưu niệm cố NSND Y Moan nằm tại buôn Dhă Prông, xã Cư Êbur (TP. Buôn Ma Thuột, Đăk Lăk) và cũng là nhà riêng của ông. Tìm nhà cố NSND Y Moan không khó, vì ngay cả một đứa trẻ ở quanh buôn này cũng biết và tận tình chỉ đường cho chúng tôi. Con đường mang trên Y Moan hơi có dáng dấp phố thị nhưng vẫn còn màu đất đỏ với những mảnh sân, vườn trước nhà gạch phơi đầy cà phê.
Nhà lưu niệm Y Moan nằm tại ngã ba một nhánh đường trong đường chính. Đó là một ngôi nhà sàn bằng gỗ, và sau khi trở thành nhà lưu niệm, có lẽ ngôi nhà sàn này đã được nâng cấp xinh xắn và vững chắc hơn. Ngay gian nhà dưới là phòng trưng bày các hiện vật được sưu tập sau khi ca sĩ Y Moan mất.

Căn phòng xinh đẹp này cũng là chỗ tụ họp uống trà, cà phê của các Fan hâm mộ giọng ca rực lửa của Tây Nguyên đại ngàn. Các hiện vật như công cụ lao động, các bộ cồng chiêng, đồ dùng đi săn, vật dụng sinh hoạt, trang phục lễ hội trong gia đình chiếm phần lớn không gian của nhà lưu niệm, hình ảnh và các hiện vật về ca sĩ Y Moan không nhiều, chỉ có một số tấm hình phóng to, một vài tấm bằng khen, giấy chứng nhận... Có lẽ ngay khi sinh thời ca sĩ Y Moan đã mong muốn dành tình cảm cho dân tộc Ê Đê và buôn làng nhiều hơn là cho mình. Và trong đời thường, Y Moan là một người nông dân thực thụ. Hằng ngày, ông vẫn lên nương, lên rẫy, khi về nhà lại dạy cho con em biết đàn, biết hát.

Bên cạnh gian trưng bày hiện vật có một phòng nhỏ trên tầng hai của nhà sàn. Đây là thư viện và phòng đọc sách của ca sĩ Y Moan. Chúng tôi bước vào bên trong thấy khá nhiều sách báo bộn bề trên các ngăn tủ cùng máy laptop và giấy tờ la liệt, chứng tỏ một không gian sách có nhiều người tìm đọc chứ không chỉ là để trưng bày.

Tại đây mọi người được cập nhật đầy đủ hơn mọi thông tin về Ca sĩ Y Moan: Ca sĩ Y Moan tên đầy đủ là Y Moan Êñuôl, tên thật là Y Bliêo, sinh ngày 6/9/1957 tại buôn M’Ðrắk trong một gia đình dân tộc Ê Đê sau chuyển về sinh sống tại buôn Dhă, xã Lạc Giao, TP. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đăk Lăk. Nhà nghèo, cuối lớp 6 ông phải bỏ học để giúp cha mẹ làm nương rẫy.

Năm 1975, khi 18 tuổi, ông được tuyển vào Đoàn văn công giải phóng Đăk Lăk, nhưng lúc đầu làm chân... chạy cờ, sau ông mới làm quen dần với âm nhạc chính thống và nhanh chóng trở thành ca sĩ hát chính của Đoàn. Năm 1976, ông đoạt Huy chương Vàng tại Hội diễn ca múa nhạc toàn quốc.

Năm 1979, Y Moan cưới cô gái cùng đoàn nghệ thuật, người gốc Bắc là Nguyễn Thị Minh Ngẫu. Hai ông bà có với nhau hai con trai: Y Vol Ênuôl (sinh 1980), Y Garia Ênuôl (sinh 1983) và một con gái H’Dresden Ênuôl (sinh 1992).

Tại nhà lưu niệm, mọi người cũng thấy những tấm hình của nhạc sĩ Nguyễn Cường được treo ở vị trí trang trọng. Vì nhạc sĩ Nguyễn Cường là người có công lớn trong sự nghiệp của ca sĩ Y Moan.

Năm 1979, khi Y Moan vào học ở Nhạc viện Hà Nội, nhạc sĩ Nguyễn Cường đã phát hiện ra tài năng của Y Moan và bồi dưỡng cho ông. Sau đó, Y Moan cũng đã tiếp tục được tu nghiệp tại Bungaria, Đức, Nga, Hungary, Romania...

Năm 1981, Sở Văn hóa – Thông tin Ðăk Lăk mời nhạc sĩ Nguyễn Cường vào Ðăk Lăk để sáng tác các ca khúc cho tỉnh và đây cũng được coi như một bước ngoặt lớn đưa sự nghiệp của Y Moan lên đến đỉnh cao.

Ngoài nhạc sĩ Nguyễn Cường, Y Moan cũng được nhiều người yêu mến giúp đỡ, tạo điều kiện cho giọng hát của ông bay cao, bay xa. Đó là Tiến sĩ Nguyễn Văn Lạng, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Đăk Lăk, nhạc sĩ Linh nga Niê Kđăm, nhà sử học Dương Trung Quốc, giáo sư Nguyễn Lân Hùng, ca sĩ Trần Hiếu...

Ông thành công với các nhạc sĩ sáng tác phong cách Tây Nguyên như: Trần Tiến, Nguyễn Cường, Y Phôn Ksơr, Mạnh Trí, Linh Nga, Đức Hùng, Quang Dũng, Vũ Lân, Sĩ Hùng... Những ca khúc của Nguyễn Cường được Y Moan biểu diễn rất thành công như "Ơi M’Ðrắk", "Ly cà phê Ban Mê", "Anh muốn sống bên em trọn đời"...

Phòng trưng bày trong nhà lưu niệm của ca sĩ Y Moan.
Phòng trưng bày trong nhà lưu niệm của ca sĩ Y Moan.

Y Moan đã từng biểu diễn ở nhiều nước. Không chỉ ca hát, ông còn sáng tác nhiều bài hát về Tây Nguyên, như Bài ca quê hương, Đi chơi với gió.

Năm 1997, Y Moan được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú, ngày 4 tháng 8 năm 2010, được đặc cách phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân vì những đóng góp cho sự nghiệp âm nhạc.

Ông qua đời ngày 1/10/2010 bởi căn bệnh ung thư dạ dày, hưởng dương 53 tuổi. Năm nay đã tròn 10 năm Tây Nguyên đại ngàn đã vắng tiếng hát rực lửa của Y Moan.

Chính quyền tỉnh Đăk Lăk và TP. Buôn Ma Thuột, quê hương của Y Moan đã lấy tên Y Moan để đặt tên cho một con đường. Đó là đường Lê Thị Hồng Gấm nối dài. Con đường này vừa được xây dựng, mở rộng khang trang, bắt đầu từ cuối đường Lê Thị Hồng Gấm vào buôn Đha Prong, nơi có ngôi nhà của cố NSND Y Moan.

Ca sĩ Y Vol (Con trai cố NSND Y Moan) cho biết, năm 2020 là tròn 10 năm ngày mất của NSND Y Moan nên anh cùng gia đình mong muốn sẽ tổ chức một đêm nhạc để tưởng nhớ đến ông. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên kế hoạch này đành tạm hoãn...
Nhưng hôm nay khi chúng tôi đến thăm Nhà lưu niệm, mọi người như vẫn thấy hình dáng cánh chim đại ngàn - ca sĩ Y Moan - với đôi mắt đen như than cùng mái tóc xoăn và nước da nâu bóng đang ngẩng cao đầu cất tiếng hát bài ca Ly cà phê Ban Mê... thiêu đốt lòng người./.

Tin cùng chuyên mục
Thách thức nâng cao chất lượng dân số vùng miền Tây Nghệ An: Tăng cường truyền thông về chăm sóc sức khỏe cho người dân (Bài 2)

Thách thức nâng cao chất lượng dân số vùng miền Tây Nghệ An: Tăng cường truyền thông về chăm sóc sức khỏe cho người dân (Bài 2)

Hàng loạt tồn tại, hạn chế đã được chỉ ra, trong đó nổi cộm là địa bàn sinh sống của đồng bào DTTS chủ yếu ở vùng sâu, vùng xa, điều kiện kinh tế khó khăn; trình độ dân trí, hiểu biết pháp luật của một bộ phận người dân còn hạn chế..., đã tạo "đất sống" cho những hủ tục, tập quán lạc hậu tồn tại. Đây chính là những thách thức lớn làm ảnh hưởng đến quá trình nâng cao chất lượng dân số vùng miền Tây xứ Nghệ. Thực tế, đã có nhiều giải pháp khắc phục hạn chế được đưa ra, trong đó là việc tổ chức các hoạt động truyền thông nhằm thay đổi tư duy; đồng thời lồng ghép cung cấp các dịch vụ khám sức khỏe, sàng lọc một số bệnh trong Nhân dân.