Phát huy thế mạnh kinh tế rừng
Theo Quyết định số 222/QĐ-TTg ngày 14/3/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh Thái Nguyên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, quy hoạch đất rừng tỉnh Thái Nguyên đến năm 2030 là 172.000 ha, gồm: đất rừng đặc dụng 35.652 ha, đất rừng phòng hộ 37.028 ha, đất rừng sản xuất 99.320 ha.
Tỉnh Thái Nguyên đang tập trung phát triển hệ sinh thái rừng theo hướng đạt giá trị đa dụng. Nghĩa là không chỉ đơn thuần trồng rừng lấy gỗ, bảo vệ môi trường mà còn thu lợi từ các hoạt động dịch vụ môi trường, du lịch sinh thái và sản phẩm ngoài gỗ. Mục tiêu đến năm 2030 của tỉnh sẽ đạt giá trị sản phẩm gỗ từ rừng trên 10,9 nghìn tỷ đồng; giá trị lâm sản ngoài gỗ tăng 1,5 lần và thu từ du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng tăng 50% so với năm 2020...
Để đạt mục tiêu đề ra, tỉnh Thái Nguyên tiếp tục ưu tiên phát triển vùng trồng rừng nguyên liệu tập trung, tăng diện tích rừng gỗ lớn. Xác định đây là một trong những yêu cầu quan trọng để phát triển kinh tế rừng, tỉnh đã chỉ đạo chuyển dần rừng trồng gỗ nhỏ sang trồng gỗ lớn, tập trung ở các địa phương có lợi thế về rừng như: huyện Định Hóa, Đồng Hỷ, Võ Nhai, Đại Từ, Phú Lương. Đặc biệt, lưu tâm đến chất lượng giống cây rừng và kỹ thuật thâm canh tăng năng suất. Tiến tới tất cả gỗ rừng trồng phải được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững hoặc cấp mã vùng trồng để có thể đáp ứng yêu cầu thị trường trong và ngoài nước.
Rừng là nguồn sinh kế, nguồn thu nhập của người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, vì vậy, tỉnh Thái Nguyên xác định trồng cây gây rừng là “đòn bẩy” quan trọng để tăng thu nhập cho người trồng và chăm sóc rừng. Điển hình như huyện Phú Lương, hiện có gần 16.700ha rừng, chiếm 48% tổng diện tích tự nhiên. Trong số trên, diện tích rừng sản xuất là trên 14.200ha, còn lại là rừng phòng hộ (chủ yếu là các loại cây keo, mỡ, bạch đàn), tập trung tại các xã: Yên Ninh, Yên Đổ, Yên Lạc, Động Đạt… Mỗi năm toàn huyện trồng mới khoảng trên 500ha rừng, khai thác khoảng 350ha rừng với trên 50.000m³ gỗ. Năm 2023, giá trị kinh tế rừng của Phú Lương đạt 218 tỷ đồng.
Xã Yên Ninh là một trong những địa phương có diện tích đất lâm nghiệp lớn nhất huyện Phú Lương, với trên 3.100ha, trong đó có khoảng 2.100ha rừng sản xuất. Khai thác, phát huy lợi thế đó, xã luôn chú trọng khuyến khích, tạo điều kiện để người dân phát triển sản xuất lâm nghiệp; thực hiện đầy đủ các cơ chế, chính sách hỗ trợ bà con nhân dân phát triển kinh tế rừng, tham gia thực hiện các dự án trồng rừng… Hiện nay, trong xã có gần 1.000 hộ có nguồn thu nhập từ rừng, chiếm khoảng 50% tổng số hộ.
Ông Nông Văn Đoan, Phó Chủ tịch UBND xã Yên Ninh cho biết: Thời gian qua, cấp ủy, chính quyền xã Yên Ninh luôn khuyến khích, tạo điều kiện để người dân đầu tư trồng rừng kết hợp với chăn nuôi gia súc, gia cầm. Với cách làm này, người dân vừa chăm sóc được diện tích rừng đến tuổi khai thác, vừa có nguồn thu nhập thường xuyên để duy trì sinh hoạt, nâng cao đời sống. Nhiều hộ đã vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng. Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo của xã chỉ còn 3,33%, giảm 1,04% so với đầu năm 2023. Thu nhập bình quân đầu người đạt khoảng 40 triệu đồng/người/năm, tăng gần 10 triệu đồng so với năm 2020.
Nâng cao hiệu quả quản lý, bảo vệ rừng
Với phạm vi hoạt động rộng lớn, quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên gặp rất nhiều khó khăn; đặc biệt là ở các địa phương như Định Hóa, huyện Võ Nhai, Đồng Hỷ- nơi tập trung nhiều đồng bào dân tộc sinh sống, rừng bị tác động thường có địa hình hiểm trở, xa khu dân cư giao thông đi lại rất khó khăn… Tuy nhiên, với sự chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp, sự phối hợp chặt chẽ của các ngành có liên quan, sự đồng tình ủng hộ của nhân dân, công tác quản lý, bảo vệ rừng tại Thái Nguyên đã đạt được những kết quả quan trọng.
Tính đến nay, diện tích trồng rừng tập trung là 3.256,88 ha/3.400 ha, đạt 95,79% kế hoạch, bằng 120,51% so với cùng kỳ năm 2023 (2.702,5 ha). Trong đó: Rừng phòng hộ: 02 ha; rừng sản xuất: 3.254,8ha. Diện tích phát triển rừng gỗ lớn 2.294,8 ha, nâng diện tích phát triển rừng gỗ lớn toàn tỉnh đến nay lên 8.183,85 ha/5.600 ha, đạt 146,1% kế hoạch giai đoạn 2021-2025. Diện tích trồng cây quế tại huyện Định Hóa, Võ Nhai được 300 ha, nâng diện tích quế trên địa bàn toàn tỉnh đến nay là 4.806,63/6.500 ha, đạt 73,95% kế hoạch giai đoạn 2021-2025.
Số lượng cây xanh được cập nhật lên phần mềm quản lý cây xanh ThaiNguyen SmartTrees từ năm 2021 đến nay là là 9.266.750 cây, trong đó: Cây xanh phân tán là 3.253.193 cây (cây xanh đô thị: 91.948 cây; cây xanh nông thôn: 3.161.245 cây); trồng rừng tập trung là 6.013.557 cây (trồng rừng phòng hộ: 585.518 cây; trồng rừng sản xuất gỗ lớn: 1.249.209 cây; trồng rừng sản xuất gỗ nhỏ: 4.178.830 cây).
Trong công tác phòng cháy chữa cháy rừng, tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy rừng đặc biệt là những ngày dự báo cháy rừng cấp IV, cấp V; thường xuyên cập nhật thông tin cảnh báo nguy cơ cháy rừng, các điểm cháy trên phần mềm của Cục Kiểm lâm. Theo đó, trường hợp nhận được thông báo về điểm có nguy cơ cháy, các đơn vị đã khẩn trương chỉ đạo Kiểm lâm tại địa bàn phối hợp với chính quyền địa phương xác minh các điểm nguy cơ cháy và có phương án xử lý kịp thời.
Trong công tác truyền thông, Chi cục Kiểm lâm đã phối hợp với Đài Phát thanh truyền hình tỉnh xây dựng 04 phóng sự, 12 điểm tin, phối hợp với Cổng thông tin điện tử tỉnh Thái Nguyên xây dựng 01 cuộc tọa đàm về tín chỉ các bon, tổ chức 103 buổi tuyên truyền với 5.903 lượt người tham gia với các nội dung tuyên truyền: phổ biến pháp luật về cơ chế, chính sách phát triển lâm nghiệp bền vững; vận động người dân tham gia công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng, PCCCR, Đề án phát triển sản phẩm nông nghiệp chủ lực tỉnh Thái Nguyên; các quy định về trồng rừng thay thế khi chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác...
Ông Lê Cẩm Long – Chi Cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Thái Nguyên cho biết: Từ những kết quả đạt được trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, trong 6 tháng cuối năm, ngành Kiểm lâm Thái Nguyên sẽ tiếp tục tăng cường siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong công tác tham mưu; thực hiện các nhiệm vụ được giao đảm bảo đúng yêu cầu, đúng tinh thần chỉ đạo, đúng thời gian thực hiện, đúng quy định của pháp luật, đúng chức trách, nhiệm vụ được giao. Đồng thời, thực hiện tốt các chính sách của Trung ương và địa phương trong công tác bảo vệ và phát triển rừng; các chính sách hỗ trợ trồng rừng, bảo vệ rừng, hỗ trợ vùng đệm, các chính sách theo Đề án phát triển sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh... nhằm tạo điều kiện cho người dân phát triển kinh tế, tăng thu nhập, nâng cao đời sống cho người dân.