Theo ông Nguyễn Thái Nam, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Thái Nguyên, thời gian qua, cùng với các chính sách Trung ương, các chương trình, dự án đặc thù trên địa bàn tỉnh đã và đang giúp cho vùng đồng bào DTTS tỉnh Thái Nguyên có nhiều khởi sắc. Tiêu biểu như, Đề án Phát triển KT-XH, ổn định sản xuất và đời sống các xóm, bản đặc biệt khó khăn có nhiều đồng bào dân tộc Mông sinh sống đến năm 2020; chính sách xoá các xóm, bản “trắng” về điện lưới Quốc gia; Dự án xóa phòng học tạm vùng đặc biệt khó khăn…
Chúng tôi đã tới thăm xóm Cao Biền, xã Phú Thượng, huyện Võ Nhai, một trong những địa phương hưởng lợi từ chương trình xóa các bản “trắng” về điện lưới quốc gia. Vừa cắm điện cho chiếc tủ lạnh mới mua, chị Triệu Thị Sinh ở xóm Cao Biền vui mừng cho biết, bản của chị chỉ có khoảng 50 hộ người dân tộc Dao nằm cách xa trung tâm. Trước đây, xóm không có điện lưới quốc gia, bà con phải dùng điện tự phát rất chập chờn. Thế nhưng từ tháng 9 /2020, xóm Cao Biền đã được kéo điện lưới. Từ khi có điện bà con rất phấn khởi, nhiều nhà đã sắm các trang thiết bị điện tử mới như ti vi, tủ lạnh, điều hòa…
Theo số liệu thống kê của Ban Dân tộc Thái Nguyên, dự án xoá các xóm, bản “trắng” về điện lưới Quốc gia của tỉnh giai đoạn 2016-2020 thực hiện cho 76 xóm, bản trên địa bàn 19 xã thuộc 5 huyện: Võ Nhai, Đồng Hỷ, Phú Lương, Đại Từ, Định Hóa với tổng mức đầu tư trên 207 tỷ đồng. Riêng công trình điện xóm Cao Biền thuộc giai đoạn 2, có tổng mức đầu tư trên 11,5 tỷ đồng, gồm 5,6km đường dây trung thế, 1 trạm biến áp 100KVA và gần 10km đường dây 0,4KV, cấp điện cho gần 50 hộ dân, điểm trường và nhà văn hóa xóm.
Không riêng gì đề án xóa điểm "trắng" về điện lưới tại các thôn bản, các chính sách đặc thù khác của Thái Nguyên, cũng đã góp phần thay đổi bộ mặt nông thôn miền núi. Điểm trường Khe Rịa thuộc trường Tiểu học Vũ Chấn, xã Vũ Chấn, huyện Võ Nhai trước kia thuộc diện đặc biệt khó khăn do chỉ có tranh tre vách nứa tạm bợ. Từ tháng 1/2017, điểm trường này đã được đầu tư hơn 1 tỷ đồng xây dựng trụ sở mới khang trang sạch sẽ. Hiện nay, điểm trường đã hoàn thành với 2 phòng học kiên cố cùng công trình nhà vệ sinh.
Cô Giáo Đinh Thị Kiều, Hiệu trưởng trường Tiểu học Vũ Chấn vui mừng chia sẻ, từ bao đời nay, con em đồng bào DTTS của bản Khe Rịa đi học vô cùng vất vả, mùa hè thì nắng hắt vào tận mặt, mùa đông thì gió lùa tới chân do phòng học là tranh tre vách nứa rột nát. Do đó, trước đây nhiều học sinh chỉ đến trường được vài tháng đã bỏ học, các thầy cô cũng rất vất vả trong việc vận động con em tới trường. Tuy nhiên, từ khi xây dựng điểm trường mới, học sinh đã tự giác đi học, thầy cô cũng không phải đến nhà vận động các em tới trường nữa.
Không riêng gì điểm trường Khe Rịa, từ 2017 đến nay, tỉnh Thái Nguyên đã đầu tư hơn 20 tỷ đồng xóa 33 điểm trường tạm tại các huyện Võ Nhai và Đồng Hỷ. Từ đó, góp phần giúp cho học học sinh vùng ĐBKK yên tâm học tập.
Đánh giá về công tác dân tộc trên địa bàn, ông Nguyễn Thái Nam, Trưởng ban Dân tộc cho biết, cùng với nguồn lực của Trung ương, các chính sách riêng của tỉnh đã cộng lực trở thành đòn bẩy thúc đẩy sự phát triển vùng DTTS trên địa bàn. Theo đó, tỷ lệ hộ nghèo trong vùng DTTS và miền núi giảm nhanh, bình quân 3,2%/năm (cao hơn mức giảm nghèo bình quân chung của cả tỉnh 1,5 lần) từ 19,22% năm 2016 xuống còn 6,17% năm 2019. HIện Thái Nguyên đã đứng thứ 2 trong 11 tỉnh khu vực miền núi Đông Bắc có tỷ lệ hộ nghèo thấp nhất (sau Quảng Ninh).
Đến nay, 100% số xã trên địa bàn tỉnh có đường ô tô đến trung tâm xã; trên 60% số đường trục xóm được cứng hoá; 76/76 xóm, bản thuộc 19 xã đã có điện lưới Quốc gia; 96% số hộ dân có điện lưới phục vụ sinh hoạt.