Hành trình “về đích” còn gian nan
Xã đặc biệt khó khăn Pải Lủng, huyện Mèo Vạc (Hà Giang) được đầu tư từ nguồn lực của Nhà nước, sau 10 năm xây dựng nông thôn mới, hiện xã đã đạt 10/19 tiêu chí. Tuy nhiên, thu nhập bình quân của xã mới đạt 14 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo chiếm hơn 55% trong tổng số 597 hộ toàn xã.
Trong khi đó, theo bộ tiêu chí NTM giai đoạn 2016 - 2020 thì thu nhập bình quân của xã Pải Lủng tối thiểu phải đạt 36 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo phải từ 12% trở xuống mới đạt chuẩn NTM. Sự chênh lệch lớn giữa quy định và thực tế cho thấy, hành trình “về đích” NTM đối với xã Pải Lủng còn rất dài và lắm gian nan.
Đây cũng là thực trạng chung của đa số các xã ĐBKK trên cả nước. Không chỉ riêng tiêu chí hộ nghèo, thu nhập mà nhiều tiêu chí “cứng” khác trong bộ tiêu chí NTM giai đoạn vừa qua, thực sự gây khó cho các địa bàn ĐBKK.
Ngay cả việc thực hiện chỉ tiêu về chất lượng giáo dục, cũng là vấn đề nan giải ở nhiều địa phương vùng khó khăn, có đông đồng bào DTTS sinh sống. Theo quy định, các xã phải đạt tỷ lệ 70% học sinh sau khi học hết cấp THCS tiếp tục học lên cấp THPT. Nhưng ở các địa bàn này, đại đa số con em trên địa bàn sau khi học THCS xong sẽ đi học tại các trường trung cấp nghề, còn học lên nữa rất hạn chế, chỉ được khoảng 16 - 17%. Đó là chưa kể, chỉ tiêu này đang đi ngược chủ trương tích cực phân luồng học sinh sau THCS theo Luật Giáo dục nghề nghiệp.
Cần điều chỉnh để phù hợp
Hiện nay, Bộ tiêu chí quốc gia về NTM giai đoạn 2021-2025 đã được xây dựng, đưa ra lấy ý kiến. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều băn khoăn; bởi trong dự thảo vẫn còn những tiêu chí chưa tính tới đặc thù vùng miền, khu vực, không phù hợp với các đại bàn có điều kiện kinh tế - xã hội ĐBKK.
Đơn cử như, tiêu chí giao thông, trong dự thảo, ngoài quy định chung về cấp độ xây dựng đường giao thông còn bắt buộc phải làm rãnh thoát nước, trồng cây xanh dọc 2 bên đường. Quy định này áp dụng được với các xã đồng bằng, còn với miền núi, nhất là xã vùng cao sẽ rất khó thực hiện, vì địa hình phần lớn là đồi núi, có những con đường nông thôn dài vài chục km sẽ rất tốn kém kinh phí.
Với tiêu chí về điện. Dự thảo quy định phải “ngầm hóa” nguồn điện trên các tuyến đường nông thôn xem ra khó khả thi. Vì thực hiện điều này, đối với những tuyến đường ở các đô thị lớn cũng còn khó khăn, hống chi vùng miền núi.
Tại các cuộc hội thảo lấy ý kiến về bộ tiêu chí NTM giai đoạn 2021 – 2025, được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức tại nhiều khu vực trong năm 2019 và đầu năm 2020, đại diện lãnh đạo các địa phương đều cho rằng, để hoàn thành mục tiêu xây dựng NTM giai đoạn 2021 - 2025 ở vùng khó khăn, thì cần mạnh dạn trao quyền cho các địa phương để phù hợp với thực tế. Đơn cử như tiêu chí giao thông nên để UBND các tỉnh quy định cụ thể về tiêu chuẩn xây dựng, trồng cây xanh để cho phù hợp với địa phương.
Yêu cầu điều chỉnh tiêu chí NTM cho phù hợp trong giai đoạn tới cũng đã được Chính phủ chỉ đạo. Cụ thể trong văn bản số 239/TB-VPCP, ngày 14/07/2020 của văn phòng Chính phủ về thông báo Kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng có nêu rõ: Phó Thủ tướng giao Bộ NN&PTNT tiếp tục nghiên cứu, rà soát, hoàn thiện Bộ tiêu chí, đảm bảo tính khả thi. Trong đó, cần xây dựng các tiêu chí phù hợp với điều kiện thực tiễn, nguồn lực của địa phương, từng vùng, từng khu vực; phù hợp về địa lý, lịch sử, văn hóa, đặc biệt là trình độ phát triển kinh tế - xã hội ở mỗi vùng.