Năm 1949, lớp viết báo Huỳnh Thúc Kháng đầu tiên chính thức được khai giảng với 42 học viên đến từ các báo Trung ương, quân đội, các ngành, đoàn thể liên khu, ngành thông tin của cả nước. Đây là khóa học đầu tiên trong lịch sử báo chí cách mạng Việt Nam và là duy nhất trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp. Năm 2019, địa điểm Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng đã được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch xếp hạng Di tích lịch sử Quốc gia.
Công trình tu bổ, tôn tạo Di tích lịch sử Quốc gia Địa điểm Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng được đầu tư với tổng kinh phí khoảng 12 tỷ đồng, từ nguồn xã hội hóa. Công trình do Hội Nhà báo Việt Nam làm chủ đầu tư. Theo thiết kế, công trình được xây dựng trên diện tích 859m2, gồm 3 hạng mục: Nhà Tổng bộ Việt Minh phỏng dựng, xây mới theo kiến trúc nhà sàn truyền thống; Nhà dạy học làm báo gồm 2 tầng, được xây mới trên cơ sở thiết kế theo hình ảnh tư liệu; các hạng mục khác (nhà bia, tường rào, cổng, nhà bảo vệ…).
Phát biểu tại Lễ khởi công, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Nguyễn Đức Lợi nhấn mạnh: Việc tu bổ, tôn tạo Di tích Địa điểm Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng có ý nghĩa rất quan trọng trong việc ghi dấu một phần lịch sử thiêng liêng của nghề báo, là “địa chỉ đỏ” của báo chí cách mạng Việt Nam. Đây là công trình mang tính nghệ thuật, văn hóa và lịch sử cao.
Sau khi hoàn thành, đây sẽ là nơi lưu giữ và giới thiệu những giá trị của báo chí cách mạng tại Chiến khu Việt Bắc năm xưa, phục vụ nhu cầu tham quan của Nhân dân và du khách. Mục tiêu đặt ra là phấn đấu hoàn thành công trình kịp thời phục vụ kỷ niệm 100 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/2025) và 75 năm Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng (4/4/2024)...
Cũng nhân dịp này, Hội Nhà báo Việt Nam trao tặng 10 suất quà cho các hộ nghèo tại xã Tân Thái; Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã trao tặng 900 suất quà (với tổng trị giá 500 triệu đồng) ủng hộ Quỹ vì người nghèo huyện Đại Từ để chăm lo đời sống cho các gia đình có hoàn cảnh khó khăn trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024.