Trước bối cảnh nhu cầu lương thực trên thế giới đang tăng cao, nhà xuất khẩu gạo lớn thứ hai và thứ ba trên thế giới là Việt Nam và Thái Lan sẽ chung tay đàm phán, nhằm tăng giá gạo một cách hợp lý bằng cách sử dụng cơ chế định giá trên thị trường toàn cầu.
Để thực hiện thỏa thuận, Thái Lan và Việt Nam sẽ hướng tới việc tạo ra một cơ chế đàm phán chính phủ, đồng thời cố gắng thuyết phục thêm các nước xuất khẩu gạo tham gia sáng kiến này.
Phía Thái Lan và Việt Nam đã thành lập nhóm công tác đặc biệt để triển khai hợp tác. Nhóm công tác đặc biệt của hai nước sẽ sớm tổ chức cuộc họp để thảo luận chi tiết về thỏa thuận hợp tác, với mục tiêu thống nhất các bước triển khai hướng tới việc tăng giá gạo xuất khẩu, phù hợp với chi phí sản xuất tăng cao gần đây.
Chủ tịch Hiệp hội Nông dân Thái Lan Pramot Charoensin cho biết, so với 2 năm trước, chi phí sản xuất trồng lúa ở Thái Lan hiện đã tăng gần gấp đôi, từ mức 4.500-5.000 baht/tấn lên mức 7.500-8.000 baht/tấn.
Trong khi đó, chi phí sản xuất lúa gạo của Việt Nam hiện đang ở trong tình trạng tốt hơn Thái Lan do chi phí lao động trong lĩnh vực trồng lúa thấp hơn. Chi phí sản xuất của Việt Nam thấp hơn khoảng 100 USD/tấn gạo so với Thái Lan.
Chủ tịch Hiệp hội Nông dân Thái Lan hoan nghênh hợp tác giữa Việt Nam và Thái Lan về giá gạo, tuy nhiên cảnh báo rằng Ấn Độ vẫn có tiếng nói lớn nhất trong việc định giá gạo trên thị trường toàn cầu do vị thế là nước xuất khẩu hàng đầu.
Do đó, nếu chỉ riêng Thái Lan và Việt Nam bán gạo với giá cao hơn, các quốc gia nhập khẩu gạo có thể chuyển sang Ấn Độ để tìm nguồn cung.
Năm 2021, Ấn Độ là nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới với 19,55 triệu tấn, trong khi Việt Nam và Thái Lan lần lượt đứng ở vị trí thứ hai và thứ ba với sản lượng 6,24 triệu tấn và 6,12 triệu tấn. Thái Lan đặt mục tiêu xuất khẩu 7 triệu tấn gạo trong năm 2022.