Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Tết Chủi ke pi của người Tống

Giang Lam - 15:20, 22/09/2021

Người Tống (nhóm địa phương của dân tộc Pà Thẻn) định cư ở thôn Đồng Cướm, xã Trung Sơn, huyện Yên Sơn (Tuyên Quang) đến nay đã gần 100 năm. Họ có tiếng nói, trang phục và những nét văn hóa đặc trưng, trong đó có Tết Chủi ke pi hay còn gọi là Tết ma bếp - nghi lễ tín ngưỡng quan trọng của người Tống.

                     

Từ sáng sớm, người Tống đã đi ra suối bắt ốc để về nấu cháo dâng cúng "ma bếp"
Từ sáng sớm, người Tống đã đi ra suối bắt ốc để về nấu cháo dâng cúng "ma bếp"

Lễ cúng trong Tết Chủi ke pi

Ở thôn Đồng Cướm, xã Trung Sơn có nhiều dân tộc anh em sinh sống như: Dao, Nùng, Tống, Mông, Tày, La Chí... Bản làng nhỏ với 110 nóc nhà, trong đó có 15 hộ người Tống. Từ xa xưa, đời sống người Tống đã gắn liền với chiếc lửa; bếp lửa không chỉ giúp nấu chín các món ăn mà còn đặc biệt quan trọng trong việc thắp sáng, sưởi ấm và bảo vệ con người khỏi thú dữ. Người Tống coi "ma bếp" là một vị thần linh đặc biệt

Tết Chủi ke pi được tổ chức vào ngày 6 tháng 6 âm lịch hàng năm. Ông Thạch Văn Túc, Người có uy tín của thôn Đồng Cườm chia sẻ, đây là một trong nghi lễ quan trọng của người Tống.

Ông Thạch Văn Túc thực hiện nghi lễ cúng Tết của người Tống
Ông Thạch Văn Túc thực hiện nghi lễ cúng Tết của người Tống

Lễ vật bày biện ưu tiên sự giản đơn, có gì cúng nấy, tuy nhiên, món không thể thiếu đó là bát cháo ốc. Ngay từ sáng sớm, người dân nơi đây đã ra suối bắt ốc với mong muốn lựa chọn được những con ốc to và ngon. Với quan niệm đây là những linh vật nhỏ bé dẫn lối linh hồn ma bếp về chứng dám cho tấm lòng thành của gia chủ.

Bà Hoàng Thị Xuyến, người dân ở thôn Đồng Cướm cho biết, món cháo ốc được nấu đơn giản, đãi ốc sạch, đun sôi cháo rồi thả ốc vào, cho thêm lá lốt để khử mùi tanh. Công đoạn tuy đơn giản nhưng cần được làm với tất cả sự thành tâm thì mới được “ma bếp” chứng dám.

Người Tống quan niệm, việc chăm sóc bếp lửa chủ yếu là do phụ nữ đảm nhiệm. Bếp không chỉ là nơi nấu chín thức ăn mà còn thể hiện đức hạnh của người phụ nữ. Không gian bếp cũng là nơi cả gia đình trò chuyện, sum vầy, bàn tính mọi chuyện. Người Tống kiêng không chọc que, đổ nước, hơ quần áo ở bếp.

Với ý nghĩa nhẹ nhàng đó, Tết “Chủi ke pi” thường được tổ chức kín đáo, tránh ồn ào, hạn chế cho người ngoài biết, mất đi sự linh thiêng. Sau khi làm mâm lễ xong, người đàn ông trong gia đình sẽ bày biện mâm cỗ và bắt đầu nghi lễ. Ông Túc cho biết, nghi lễ diễn ra giản đơn. Người Tống không có bài cúng “ma bếp” mà suy nghĩ sao thì mình khấn vậy. Thông thường thì, các gia chủ cảm tạ ma bếp và cầu mong ma bếp tiếp tục phù hộ, chở che cho gia đình ấm no, hạnh phúc, bình an.

Sau khi thực hiện xong nghi lễ, cả gia đình quây quần thụ lộc
Sau khi thực hiện xong nghi lễ, cả gia đình quây quần thụ lộc


Những những giá trị văn hóa đặc trưng

Người Tống có tiếng nói riêng, là thứ tiếng họ được nghe từ lúc nằm nôi và truyền qua các thế hệ. Ngay từ nhỏ, người Tống thường dạy nhau hát những bài dân ca, bài hát ru như “Dặn em”, “Thăm đồng”, “Hẹn nơi bờ suối”… Trang phục của người Tống không sặc sỡ nhiều màu sắc mà khá đơn giản, thường làm bằng vải thô nhuộm chàm và ít hoa văn thêu thùa trang trí.

Bà Thạch Thị Sinh, năm nay hơn 70 tuổi chia sẻ, áo của phụ nữ Tống được cắt ngắn ngang thắt lưng, may kiểu xẻ ngực. Cổ áo ở giữa ngực có điểm họa tiết đơn giản màu xanh, màu vàng. Chính từ những hoa văn này và kiểu dáng của thân áo, làm tôn thêm vẻ độc đáo của bộ trang phục phụ nữ Tống. Váy phụ nữ Tống may kiểu váy xòe, nếp xếp váy đơn giản, nhẹ nhàng. Hai bên đầu váy nối với nhau tạo thành hai dây vải dài dùng để thay cho dây thắt lưng hay dải rút, thắt cho váy giữ chặt vào eo lưng người phụ nữ.

Trang phục người Tống đơn giản, nhẹ nhàng
Trang phục người Tống đơn giản, nhẹ nhàng

Trước đây, đàn ông Tống cạo nhẵn tóc, chỉ để một chỏm tóc dài (giống người Mông) trên đỉnh đầu, vấn khăn đầu rìu bằng vải chàm, mặc áo tứ thân, quần lá toạ. Hiện nay, đa phần đồng bào Tống nhiều tuổi thì vận trang phục giống người Tày, còn những người trẻ lại ăn vận giống người Kinh. Khác với một số DTTS ở phía Bắc, trong gia đình người Tống là gia đình phụ quyền, do người cha hoặc người chồng làm chủ. Anh em trong họ ai sinh trước đều được gọi là anh hay chị, không kể con chú, bác, cô, cậu...

Những món ăn của người Tống cũng không cầu kỳ mà được chế biến dựa trên những sản vật có sẵn từ gạo nương, rau rừng và những loại thịt gà, lợn được họ chăn nuôi. Ngoài ra, đồng bào vẫn thường làm những món ăn đặc sản như bánh trứng kiến hay thịt lợn muối.

Cuộc sống người Tống ưu tiên sự đơn giản nên các nghi lễ ma chay, cưới hỏi đều diễn ra nhẹ nhàng, không cầu kỳ nhưng có nét đặc trưng riêng. Đó là trong lễ cưới, nhà trai dâng lễ vật cho nhà gái là 1 con chó màu vàng. Sau đó con chó sẽ được nhà gái mổ thịt và dâng lễ lên tổ tiên, mời quan khách hai họ thưởng thức. Với niềm tin đó là điều may mắn, bình an, hạnh phúc cho đôi lứa trọn đời bên nhau.

Nếp nhà truyền thống của người Tống ở Tuyên Quang
Nếp nhà truyền thống của người Tống ở Tuyên Quang
Tin cùng chuyên mục
Ninh Thuận: Tổ chức thành công Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV năm 2024

Ninh Thuận: Tổ chức thành công Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV năm 2024

Ngày 22/11, tại TP. Phan Rang-Tháp Chàm, UBND tỉnh Ninh Thuận long trọng tổ chức Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV năm 2024 với chủ đề: “Các dân tộc tỉnh Ninh Thuận đoàn kết, đổi mới sáng tạo, phát huy lợi thế, tiềm năng, hội nhập và phát triển bền vững”. Đến dự có Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Nông Thị Hà; Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy-Chủ tịch HĐND tỉnh Phạm Văn Hậu; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trịnh Minh Hoàng, lãnh đạo các sở, ban, ngành, các huyện, thành phố cùng 250 đại biểu đại diện cho gần 170.000 đồng bào các DTTS trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận.