Thời đại công nghiệp hóa, những sản phẩm của nền khoa học kỹ thuật tiên tiến được áp dụng vào sản xuất nông nghiệp, giải phóng bớt sức lao động, mang lại năng suất, hiệu quả cao về kinh tế. Tuy nhiên, đối với vùng có địa hình phức tạp, núi đá hiểm trở như xã Yên Sơn, huyện Hà Quảng thì những chiếc máy cày, máy bừa hiện đại lại không thể áp dụng để lao động sản xuất.
Bởi thế, tại vùng cao xã Yên Sơn từ bao đời nay đã xuất hiện nghề truyền thống đúc lưỡi cày tại một số gia đình, trong đó gia đình ông Triệu Chiều Cản là một điển hình. Mỗi khi bà con cần mua lưỡi cày phục vụ cho vụ mùa mới hoặc có lưỡi cày bị hỏng, đều mang đến chỗ ông Cản nhờ sửa.
Ông Triệu Chiền Cản trò chuyện: “Tôi biết làm lưỡi cày từ năm hai mươi tuổi, ngày xưa ở đây nhà nào cũng biết làm, nhưng càng về sau người ta bỏ nghề vì nguyên liệu khó kiếm, vất vả, mất nhiều công sức. Những loại lưỡi cày mua ngoài chợ về, làm được vài tháng là mẻ hết, vì vấp phải đá. Lưỡi cày của mình tự đúc vừa cứng vừa dày, dùng được mấy năm, bền lắm!”.
Lò đúc của ông Cản nằm ở một lán nhỏ đơn sơ dựng trên vách núi, bên trong chất đầy những chiếc lưỡi cày cũ đã hỏng của bà con gửi sửa. Trong quá trình làm rèn, cần có hai người, một người kéo quạt gió tạo lửa nung chảy gang, còn một người đảm nhiệm việc đúc lưỡi cày.
Ông Cản cho biết, để có đủ nhiệt lượng nung chảy gang thì nguyên liệu phải là củi cây nhãn hay cây nghiến, nhưng giờ rất hiếm. Xưa kia, người dân phải lên rừng tìm củi, nhưng giờ không còn nhiều nữa. Cùng với đó là đất sét mà người dân nơi đây gọi là đất trắng để làm khuôn cũng phải đi rất xa để tìm. Còn nguyên liệu để đúc gang thì ông Cản thu mua lại những chiếc lưỡi cày đã cũ, hỏng để tạo nên những chiếc lưỡi cày mới.
Liệu mai này có còn nghề đúc lưỡi cày của người Dao Yên Sơn khi hiện nay, cả xã chỉ còn mỗi ông Triệu Chiền Cản giữ và duy trì nghề truyền thống của cha ông để lại.