Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Tây Nguyên: Nhiều vùng trọng điểm cây công nghiệp có nguy cơ mất mùa

Lê Hường - 09:09, 03/04/2024

Nắng nóng liên tục trong thời gian dài khiến nhiều công trình thủy lợi ở các tỉnh Tây Nguyên khô cạn, mực nước ở các sông suối xuống thấp, đồng ruộng khô khốc, hàng trăm héc ta cây trồng khát nước. Nhiều vùng trọng điểm cây công nghiệp đối diện với nguy cơ mất mùa, khiến người nông dân lo lắng như ngồi trên đống lửa.

Hồ thủy lợi nông trường Đắk Gằn hiện đã cạn kiệt nước
Hồ thủy lợi nông trường Đắk Gằn, huyện Đắk Mil, tỉnh Đắk Nông hiện đã cạn kiệt nước

Hồ cạn, ruộng khô, cây trồng héo

Tháng 3, cao điểm mùa khô Tây Nguyên, ánh nắng vàng rực, những đám ruộng khô khốc, cả lúa lẫn cỏ cháy vàng, nhiều cây cà phê chuyển màu lá, héo rũ. 

Sáng sớm, ông Hoàng Đình Hào, thôn Sơn Trung, xã Đắk Gằn, huyện Đắk Mil, tỉnh Đắk Nông lom khom kéo, cuộn ống tưới sau một đêm canh, mót nước cứu cây trồng. Ông Hào thở dài mệt mỏi: Gia đình tôi có hơn 2ha, trong đó 1ha cà phê trồng lâu năm rễ bám sâu đỡ héo, còn rẫy cà phê mới trồng được 5 năm héo rũ lá do thiếu nước tưới. Hồ thủy lợi ở ngay trước nhà cạn kiệt, các ao của gia đình cũng không còn nước, giếng khoan cũng chỉ để duy trì nước sinh hoạt. Nửa tháng nay, đêm qua tôi thức đêm canh, mót nước tưới cho rẫy cà phê non héo rũ lá. Nếu thời tiết tiếp tục nắng nóng, nhà tôi phải tìm nguồn nước trong khu vực để mua về tưới cho cây.

Xã Đắk Gằn có 3 công trình thủy lợi, phục vụ tưới cho khoảng 7.000 ha cây trồng, chủ yếu cây công nghiệp, cây ăn trái, nhưng đến nay, 2 hồ đã cạn dẫn đến tình trạng khan hiếm nước sản xuất. Tình trạng hạn hán, thiếu nước sản xuất không chỉ xảy ra ở huyện Đắk Mil mà đang gây nhiều khó khăn cho các huyện phía Bắc của tỉnh như Cư Jút, Krông Nô.

Tương tự, tình trạng thiếu nước sản xuất cũng đang diễn ra tại nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk khiến người dân nơi đây đứng ngồi không yên.

Nhìn thửa ruộng hơn 3 sào lúa của gia đình nứt nẻ, chết dần, những ngày qua chị H’Nguyệt Uông ở buôn Dieo, xã Bông Krang, huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk rất xót xa, lo lắng. Chị H’Nguyệt chia sẻ: Đám ruộng này nằm cuối cánh đồng, mọi năm mực tước ở kênh dẫn lớn, gia đình lấy nước ở kênh dẫn vào ruộng luôn. Tuy nhiên, năm nay hạn hán lâu ngày, người dân ở phía đầu kênh sử dụng nhiều, đoạn cuối kênh mực nước xuống thấp, nên gia đình không thể đưa nước vào ruộng được. 

"Cả nửa tháng nay, tôi thường xuyên trực ở ruộng mong có nước để cứu cây trồng mà không có. Nếu những ngày tới trời không có mưa, ruộng lúa của gia đình tôi coi như vứt bỏ", chị H’Nguyệt Uông lo lắng nói.

Thiếu nước tưới nhiều rẫy cà phê héo úa
Thiếu nước tưới khiến nhiều rẫy cà phê héo úa

Theo báo cáo, xã Bông Krang có tổng số 11 công trình thủy lợi gồm 6 đập dâng, 1 trạm bơm và 4 hồ chứa. Tuy nhiên, hiện nay, mực nước các hồ chứa chỉ còn khoảng từ 20-30% dung tích thiết kế. Trong khi đó, mực nước sông suối, nước ngầm trên địa bàn cũng duy trì mức thấp. Đến nay, khoảng 100ha lúa trên địa bàn xã bị thiếu nước, khô hạn.

Huyện Lắk là địa phương có diện tích lúa lớn nhất tỉnh Đắk Lắk. Vụ đông xuân năm 2023-2024, toàn huyện có hơn 5,500ha lúa, nhưng đến nay hơn 100ha lúa đã bị khô cháy, mất trắng hoàn toàn. Dự báo, diện tích cây trồng bị thiệt hại sẽ gia tăng, do thời tiết còn tiếp tục nắng nóng, nguồn nước cạn kiệt.

Nhìn thửa ruộng khô cháy, suy kiệt, nhiều hộ dân ở huyện Lắk phải đào giếng ngay tại chân ruộng để tìm nguồn nước, hoặc đặt máy bơm tại các nhánh sông, suối nhỏ để bơm nước, nhưng tình hình cũng không mấy khả quan.

Ông Nay Y Phú, Chủ tịch UBND huyện Lắk chia sẻ: Vấn đề thiếu nước do hạn hán đang diễn ra tại các địa phương trên địa bàn huyện. Ngoài các biện pháp phòng chống hạn tại chỗ, huyện đã và đang đề nghị tỉnh, tiếp tục thi công xây dựng hồ Buôn Biếp (thuộc dự án hồ chứa nước Yên Ngựa). Nếu công trình hồ Buôn Biếp hoàn thành đưa vào sử dụng, việc tưới tiêu cho hơn 300ha lúa trên địa bàn hai xã Bông Krang và Yang Tao sẽ được đảm bảo.

Cánh đồng ở huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk khô khốc, lúa chết vì hạn hán
Cánh đồng ở huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk khô khốc, lúa chết vì hạn hán

Nỗ lực chống hạn

Tỉnh Đắk Lắk có 858 công trình thủy lợi, trong đó 619 hồ chứa, 161 đập dâng, 78 trạm bơm, nhưng mực nước ở nhiều công trình xuống thấp.

Theo báo cáo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk, trên địa bàn tỉnh có hơn 213.000ha cà phê, 27.720ha điều, 32.820ha hồ tiêu và 43.324ha cây ăn trái. Vụ đông xuân năm 2023-2024, toàn tỉnh gieo trồng 62.981ha cây trồng các loại, trong đó 40.000ha lúa nước nên nhu cầu nước tưới rất lớn.

Đến nay, diện tích cây trồng được tưới trực tiếp từ các công trình thủy lợi chỉ đạt 151.616ha, diện tích còn lại khai thác nguồn nước mặt sông, suối, ao hồ và nước ngầm. Vậy nhưng, mực nước trên các sông, suối cũng đang giảm dần, lượng dòng chảy phổ biến ở mức thấp hơn trung bình cùng kỳ những năm trước, một số sông, suối nhỏ bắt đầu khô kiệt. Dự báo, đến cuối vụ toàn tỉnh có khoảng 8.000ha cây trồng thiếu nước, trong đó 2.000ha cây dài ngày.

Ông Nguyễn Hoài Dương, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chia sẻ: Sở đã tham mưu UBND tỉnh ban hành phương án ứng phó thiên tai năm 2024 và phân công cụ thể nội dung. Trong đó, chính quyền địa phương, đơn vị liên quan tập trung ứng phó hạn hán, thiếu nước. Địa phương xây dựng kế hoạch sản xuất phù hợp, quản lý, điều tiết, bảo vệ nguồn nước, hướng dẫn người dân tích trữ, sử dụng hiệu quả nguồn nước và chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp… 

Bên cạnh đó, địa phương phối hợp với ngành chức năng đánh giá trữ lượng hồ chứa nước, công trình thủy lợi trên địa bàn để sử dụng hợp lý. Đồng thời, nạo vét kênh mương, đặt máy bơm dã chiến khai thác nước sông, suối; điều tiết chuyển nguồn nước từ công trình dư thừa nước đến công trình thiếu nước, đẩy nhanh tiến độ các dự án xây dựng công trình thủy lợi trọng điểm,…

Lâu ngày không có nước, chân ruộng nứt nẻ
Lâu ngày không có nước, chân ruộng nứt nẻ

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông Lê Trọng Yên, tỉnh Đắk Nông có 307 công trình thủy lợi, trong đó có 255 hồ chứa với tổng dung tích thiết kế 172 triệu m3. Tuy nhiên, đến nay tổng dung tích của các hồ đã giảm một nửa. Toàn tỉnh có khoảng hơn 8.000 ha cây trồng các loại, chủ yếu là cây công nghiệp dài ngày có nguy cơ thiếu nước tưới. 

Để giảm thiệt hại do hạn hán gây ra, tỉnh Đắk Nông cũng đặt ra nhiều phương án chống hạn cho cây trồng. Giải pháp chống hạn trước mắt, là vận động Nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng hợp lý, lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm, nạo vét ao hồ tích trữ nước. Về lâu dài, tỉnh kiến nghị Trung ương quan tâm, hỗ trợ xây dựng, nâng cáo, sửa chữa các công trình thủy lợi xuống cấp.

Tin cùng chuyên mục
Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Dù mới được thành lập nhưng các Câu lạc bộ (CLB) “Thủ lĩnh của sự thay đổi” tại huyện Đak Đoa (tỉnh Gia Lai) đã góp phần trang bị cho học sinh nhiều kiến thức, kỹ năng bổ ích để các em nói lên tiếng nói của mình và thay đổi nhận thức của thế hệ trẻ đồng bào DTTS ngay từ trên ghế nhà trường. Đặc biệt, các em còn là những hạt nhân tiên phong thay đổi nhận thức, xóa bỏ định kiến giới, từ đó dần xóa bỏ thói quen, tập tục lạc hậu ở thôn ấp, bản làng để cùng nhau vươn lên phát triển.