Chúng tôi về buôn Bhung, xã Cư Pui, huyện Krông Bông (Đăk Lăk). Cả cánh đồng lúa Ea Pren của buôn rộng 22ha, hiện 12ha bị khô cháy, 10ha còn lại đang mất đến nửa năng suất. Công trình hồ chứa nước tưới cho cánh đồng này cạn trơ đáy.
Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đăk Lăk, vụ Đông - Xuân năm nay, toàn tỉnh có 290.000ha cây trồng, trong đó 10.471ha cây trồng bị hạn. Nếu thời tiết tiếp tục nắng nóng, dự kiến đến cuối vụ, toàn tỉnh có khoảng 30.000ha cây trồng thiếu nước; trong đó diện tích bị mất trắng khoảng 2.000ha. Nếu nắng hạn tiếp tục kéo dài, thời gian tới sẽ có khoảng 2.000 hộ dân bị thiếu nước sinh hoạt.
Tình hình hạn hán tại các huyện phía Bắc tỉnh Đăk Nông cũng đang diễn biến phức tạp. Huyện Đăk Mil là một trong những địa phương hạn hán nặng nhất tỉnh. Toàn huyện có 31.104ha cây trồng lâu năm gồm cà phê, điều, tiêu, ca cao và các loại cây ăn quả thì có khoảng 28.708ha cây trồng cần nước tưới trong mùa khô này.
Theo báo cáo nhanh tình hình hạn hán, tỉnh Đăk Nông đã có hơn 260ha cây trồng, chủ yếu là cà phê đã bị khô hạn, cháy lá, rụng trái. Nếu nắng hạn tiếp tục kéo dài, toàn tỉnh sẽ có khoảng hơn 19.000ha cây trồng bị ảnh hưởng, khoảng 58 công trình thủy lợi cạn kiệt nguồn nước.
Tương tự, hạn hán cũng đang gây thiệt hại lớn về kinh tế cho các tỉnh Gia Lai, Kon Tum, Lâm Đồng. Đến cuối tháng 4, tỉnh Gia Lai đã có hơn 1.400ha cây trồng bị thiệt hại do hạn hán, chủ yếu là lúa. Các loại cây công nghiệp như cà phê, hồ tiêu đang là thời điểm cần nước tưới nhưng có nguy cơ bị chết. Còn tỉnh Kon Tum cũng đã có 761,85ha diện tích sản xuất nông nghiệp bị hạn.