Cây trồng “khát” nước
Theo Sở Nông nghiệp và PTNT, đến nay, toàn tỉnh xuống giống được 73.209,6 ha cây trồng vụ Đông Xuân, đạt 92,1% kế hoạch, bằng 100,1% so với cùng kỳ năm trước. Hiện nay, mực nước tại các sông suối, ao hồ, mạch nước ngầm ở một số địa phương đang giảm mạnh đã ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình sinh trưởng của cây trồng.
Nắng nóng khốc liệt, nước ngầm sụt giảm, các cánh đồng khô khốc, nhiều cây trồng chết vì hạn. Điển hình tại huyện Ia Pa, từ giữa tháng 2 đến nay, mực nước sông Ba qua địa bàn đã trơ đáy, khiến 8 trạm bơm lấy nước từ sông này không thể hoạt động hết công suất. Hàng trăm ha lúa đang trong giai đoạn làm đòng đối mặt với nguy cơ thiếu nước. Trong đó, Trạm bơm điện của Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Chư Mố (huyện Ia Pa) có công suất 4 máy bơm, phục vụ nước tưới cho gần 200ha lúa nước. Tuy nhiên, khoảng nửa tháng nay, trạm bơm này chỉ hoạt động được 2 máy vì nước sông Ba gần như khô cạn.
Ông Kpă Kju, Giám đốc HTX Nông nghiệp Chư Mố cho biết: Hơn 2 tuần qua, mực nước sông Ba xuống rất thấp, gây nhiều khó khăn cho HTX trong việc lấy nước phục vụ sản xuất nông nghiệp. Dù HTX đã huy động máy múc và huy động người dân cùng đắp đập, chặn dòng để dẫn nước vào bể hút của trạm bơm nhưng cũng chỉ hoạt động được 2/4 tổ máy. Tình trạng này tiếp tục kéo dài thì chắc chắn những diện tích lúa nằm ở cuối kênh sẽ không có nước cung cấp.
Trong khi đó, hàng trăm ha lúa nước, khoai lang, bắp của người dân tại cánh đồng thôn Đoàn Kết (xã Ayun Hạ, huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai) cũng đối diện với nguy cơ ảnh hưởng do hạn. Hiện đã có 15 ha cây trồng bị thiệt hại, không có khả năng phục hồi. Diện tích này sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới bởi nguồn nước ngầm và các suối tại khu vực này đã cạn.
Tại huyện Chư Sê, để đảm bảo nước tưới cho diện tích cà phê và chanh dây, ngay sau Tết Nguyên đán, nhiều gia đình đã phải thuê nhân công vét giếng tìm nước. anh Trần Thanh Hoàng (làng Hăng Ring, thị trấn Chư Sê) đã thuê nhân công nạo vét lại giếng. Anh Hoàng lo lắng cho biết: “Mực nước ngầm năm nay tại khu vực này giảm trông thấy, như những năm trước, giếng của nhà tôi đảm bảo tưới cả ngày nhưng thời điểm Tết chỉ tưới được 2 - 3 tiếng đồng hồ đã khô. Sau khi tiến hành vét lại giếng thì cũng đảm bảo nước tưới cho khoảng 5 tiếng đồng hồ. Tình trạng này tiếp tục kéo dài thì rất đáng lo ngại, bởi diện tích chanh dây cần nước thường xuyên, trong khi cà phê của gia đình cũng chỉ mới tưới đợt 2 và chuẩn bị tưới đợt 3”.
Tích cực triển khai giải pháp chống hạn
Hiện nguồn nước trên sông Ba đang thiếu hụt, nguy cơ hạn hán trên cây lúa rất lớn, UBND huyện Ia Pa đã có Công văn gửi UBND tỉnh và các sở, ngành liên quan về việc kiến nghị Công ty thủy điện An Khê - Ka Nak xả nước để đảm bảo phục vụ sản xuất lúa trên địa bàn huyện.
Ngay từ đầu vụ Đông Xuân 2023 - 2024, huyện Ia Pa đã xây dựng lịch thời vụ, hướng dẫn người dân sản xuất giống lúa ngắn ngày, gieo sạ sớm hơn mọi năm từ 10 - 15 ngày. Tuy nhiên, năm nay, mực nước trên sông Ba và suối Đak Pi Hao đang khá khan hiếm, khiến các trạm bơm không thể hoạt động hết công suất để cấp nước cho đồng ruộng. Riêng sông Ba có 8 trạm bơm điện với 19 tổ máy cung cấp nước tưới cho khoảng 550 ha lúa nước nhưng mực nước trên sông Ba rất thấp, không đủ để các trạm bơm hoạt động. Ông Trần Minh Phương, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Ia Pa cho biết: “Huyện đã xây dựng kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng giai đoạn 2025 - 2030, trong đó, dự kiến sẽ chuyển đổi khoảng 680 ha đất vùng cao, xa nguồn nước và đất lúa kém hiệu quả sang trồng cây màu có giá trị kinh tế, sử dụng ít nước để đảm bảo sản xuất trong điều kiện biến đổi khí hậu. Bên cạnh đó, năm 2024, từ nguồn vốn bảo vệ đất trồng lúa, huyện sẽ đầu tư nâng cấp, hạ thấp các bể hút nước ở 2 trạm bơm lấy nước từ sông Ba phục vụ nước tưới cho bà con nông dân sản xuất với tổng kinh phí khoảng 2 tỷ đồng”.
Theo nhận định của Đài Khí tượng Thủy văn Khu vực Tây Nguyên: Dự báo dòng chảy trên các sông, suối ở tỉnh Gia Lai trong 10 ngày tới dao động theo điều tiết của các hồ chứa thủy điện với xu thế giảm dần, phổ biến thấp hơn từ 13 - 64% so với trung bình nhiều năm. Trong 10 ngày đầu tháng 3, có khả năng xảy ra hạn hán, thiếu nước cục bộ ở khu vực không chủ động nguồn nước, xa các công trình thủy lợi thuộc.
Trước nguy cơ hạn hán trên diện rộng tại nhiều địa phương, Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Gia Lai đã tích cực phối hợp với các ngành, địa phương triển khai nhiều giải pháp phòng, chống hạn nhằm hạn chế thiệt hại do hạn hán gây ra.
Ông Vũ Ngọc An, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Gia Lai, cho biết: Trước mắt, Sở đề nghị các địa phương, đơn vị khai thác công trình thủy lợi quản lý chặt chẽ nguồn nước, hạn chế rò rỉ thất thoát nước. Theo dõi và bám sát kế hoạch điều tiết nước của các công trình thủy điện để bố trí lấy nước cho phù hợp, điều hòa lượng nước bơm, tưới giữa cây cà phê và cây lúa nước; tổ chức bơm tưới cả ngày đêm khi có nước để đảm bảo nguồn nước tưới cho cây trồng. Cân đối, sử dụng hợp lý nguồn nước, áp dụng các biện pháp tưới tiên tiến, tiết kiệm nước cho lúa, cây trồng cạn. Đồng thời, huy động nguồn lực đầu tư sửa chữa, nâng cấp các công trình thủy lợi nhỏ để tích nước chống hạn khẩn trương triển khai thực hiện chương trình kiên cố hóa kênh mương nhằm phát huy hiệu quả, hạn chế thất thoát nước tưới…
“Về lâu dài, Sở tiếp tục tham mưu UBND tỉnh đề nghị Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và PTNT quan tâm đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng các dự án thủy lợi lớn để phục vụ tưới và cắt lũ trên hệ thống sông lớn chảy qua địa bàn tỉnh. Tăng cường đầu tư xây dựng mới các hồ chứa để chuyển nước tưới cho các vùng thường xuyên bị hạn trong điều kiện ứng phó biến đổi khí hậu, mở rộng diện tích được phục vụ nước tưới. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án đầu tư xây dựng, nâng cấp công trình thủy lợi, dự án hiện đại hóa thủy lợi thích ứng với biến đổi khí hậu CAMIS - ADB9 để nâng cao hiệu quả khai thác, mở rộng diện tích tưới ở các hệ thống thủy lợi” - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT thông tin thêm.