Trong tiếng Serbia, tất được gọi là carapa. Đây là một tác phẩm thủ công tuyệt diệu vì không chỉ được đan bằng tay nhờ 5 kim đan mà còn có nhiều hoa văn, họa tiết với màu sắc sặc sỡ.
Để đan tất len, đầu tiên người thợ sẽ đan từ ngón chân lên gót, sau khi xong bàn chân thì mới tiến tới cổ chân, một điều hoàn toàn trái ngược với nơi khác. 5 cây kim có 5 chức năng, vừa nối kết, vừa tạo màu cho tất. Ngoài ra, người ta cũng thêu đính những vật trang trí lên tất, nhất là tất của cô dâu, chú rể. Carapa vì vậy đều là tất có họa tiết đôi, họa tiết kép mà hay gặp nhất với hình ảnh hoa lá như hoa chuông, hoa tuyết, hoa tu líp- một loài hoa đặc trưng của miền sơn cước; hình con vật như chú gà, chó mèo, chim câu; các hình học như ngôi sao, mặt trời, mặt trăng, sông núi, hiện tượng tự nhiên cùng những sinh hoạt hồn hậu của con người, như đi lại, cấy hái, chăn nuôi. Chúng luôn hiện lên với 3 màu tới 5 màu, chủ yếu là đỏ, đen/ da cam pha lẫn trắng, xanh dương, xanh lam, hồng hay tím… Các mô típ, màu sắc trên tất nói chung phụ thuộc vào cảm xúc và trí tưởng tượng của người đan với đa số là phụ nữ nông thôn, miền núi Serbia.
Sống giữa thiên nhiên, vào mùa Đông ban ngày là những đồng tuyết rơi trắng xóa, ban đêm là bầu trời sao lung linh huyền ảo, nên người Serbia gửi gắm vào đó rất nhiều tâm tư, tình cảm, hoài bão, nhất là mong ước về một cuộc sống ấm no, hạnh phúc, an nhàn.
Từ nhỏ, các bà mẹ Serbia đã dạy cho các em gái những kỹ thuật đan lát và cả những biểu tượng trên tất, để biết tất nào dành cho trẻ em, cho thiếu nữ, phụ nữ hay nam nhi. Điều thú vị là cả hai giới Serbia đều đi tất với màu sắc rực rỡ, chứa nhiều họa tiết đan xen kỳ ảo như một rừng hoa nở rộ.
Đặc biệt là những đôi tất trẩy hội, tất trong các lễ thánh, cưới xin- hiếu hỷ, mang tới một cảm giác vui tươi, đầm ấm. Khi ấy dù trời giá buốt nhưng chỉ cần nhìn mọi người chạy nhảy, nô đùa tung tăng với tất đã thấy nồng nhiệt, ấm lòng. Mọi người đều đi những đôi tất rất dài, thường quá gối để lộ hoa văn hấp dẫn. Để tránh bị tuột, ở mép bên trái của mỗi chiếc tất luôn có một sợi dây dai cho buộc vào chân, ống quần cố định vững chắc, nên dù bước mạnh thế nào cũng không sao. Sở dĩ mọi người phải đi tất dày và dài như thế vì địa hình ở nhiều nơi, nhất là vùng núi của Serbia rất hay ngập tuyết hiểm trở, dễ ngã.
Cùng với tất, họ cũng luôn đi giày gỗ, giày có mũi nhọn nhô cao nhằm rẽ tuyết. Và một nơi có thể thấy vô vàn những kiểu cách của tất và từ tháng 12 tới hết tháng 3 (mùa Đông của Serbia) là khu vực Timok, Knjazevc, Zajecar, Svrljig, Sokobanja… thuộc miền Bắc nước này. Yêu quý tất, dân gian ở đây dệt lên cả một vũ trụ bao la, diễm lệ tất và biến chúng trở thành di sản độc đáo cũng như phong cảnh thu hút du lịch vào mùa Đông. Đến đó, bạn sẽ thấy nổi rõ trên nền tuyết trắng và những đàn cừu đông đúc hàng vạn con là hàng nghìn đôi tất đi lại, sánh bước rộn ràng như những cây kim thêu vào núi đồi.