Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Trang phục truyền thống của dân tộc Thổ Nghệ An

Nguyệt Anh (T/h) - 08:36, 30/09/2021

Không cầu kỳ như trang phục của đồng bào Mông, Thái,… trang phục của đồng bào Thổ ở Nghệ An tương đối giản đơn, có nhiều nét tương đồng như trang phục dân tộc Thái trong vùng, nhưng cũng không khó để nhận biết ở một vài điểm khác biệt ...

Cô gái dân tộc Thổ trên cánh đồng lúa
Cô gái dân tộc Thổ trên cánh đồng lúa

Người Thổ là một trong 54 dân tộc Việt Nam. Người Thổ có nhiều nhóm khác nhau, có các tên gọi khác như Kẹo, Mọn, Cuối, Họ, Đan Lai, Ly Hà, Tày Pọng, Con Kha, Xá Lá Vàng... Nhóm dân tộc Việt-Mường có vùng cư trú chính ở phần phía tây tỉnh Nghệ An, Việt Nam. Người Thổ nói tiếng Thổ, tiếng Cuối... ngôn ngữ thuộc Ngữ chi Việt, nhưng có nhiều phương ngữ khác nhau.

Người Thổ ở Nghệ An hiện có khoảng trên 63.000 người, cư trú tập trung ở các huyện phía Tây của tỉnh như Nghĩa Đàn, Quỳ Hợp, Tân Kỳ. Đồng bào Thổ sống cận cư với đồng bào Thái nên đời sống sinh hoạt, văn hóa vật thể, phi vật thể có nhiều nét tương đồng với người Thái địa phương.

Trang phục truyền thống của phụ nữ dân tộc Thổ gồm áo trắng và váy kẻ sọc đen trắng
Trang phục truyền thống của phụ nữ dân tộc Thổ gồm áo trắng và váy kẻ sọc đen trắng

Từ xa xưa, người Thổ có nghề trồng bông truyền thống nhưng lại không tự dệt may trang phục cho mình. Hầu hết phụ nữ Thổ đều sử dụng váy của đồng bào Thái (nhóm Thái Man Thanh hay còn gọi là Thái -Thanh) để mặc trong ngày thường (thời xưa) cũng như hội hè, đình đám (xưa, nay). Việc trao đổi này đã trở thành tập quán phản ánh sự gắn bó giữa 2 dân tộc anh em mà trong một truyền thuyết đã nói tới. Truyền thuyết kể rằng: Xưa kia, có 2 chị em sinh ra trong một gia đình người Thái -Thanh. Họ càng lớn, càng xinh đẹp. Rồi cô em đi lấy chồng là người dân tộc Thổ ở làng khác, nhưng do kinh tế quá khó khăn nên phải về nhà ngoại xin chị áo mặc. Người chị cũng nghèo nhưng thương em nên đã cắt cho em vạt dưới chiếc áo của mình. Vì vậy, áo phụ nữ Thái –Thanh hiện nay rất ngắn, còn áo của phụ nữ Thổ thì phải vá phần trên. Đó là kiểu áo 5 thân, phần trên khác màu.

Mỗi nhóm dân tộc Thổ ở các địa phương khác nhau, trang phục sẽ có những đặc điểm khác nhau
Mỗi nhóm dân tộc Thổ ở các địa phương khác nhau, trang phục sẽ có những đặc điểm khác nhau

Tuy nhiên, trang phục của mỗi nhóm dân tộc Thổ lại có những đặc điểm khác nhau theo từng vùng cư trú. Chẳng hạn như áo của phụ nữ Thổ vùng Nghĩa Đàn thường dùng chất vải thô, màu trắng, cổ viền, ống tay hẹp như áo cánh của phụ nữ Kinh. Áo của phụ nữ Thổ vùng là loại áo ngắn, ống tay dài, khác màu với thân áo, cổ tròn, khuy áo bấm. Khi mặc, áo thả lỏng ra bên ngoài.

Còn chiếc váy truyền thống của phụ nữ Thổ giống như váy của người Thái -Thanh, chất liệu sợi bông, nhuộm chàm, có sọc viền ngang chân váy. Khi mặc, những đường sọc của váy tạo thành các đường tròn song song quanh trục thân. Chân váy dày hơn thân váy, do người phụ nữ đã sáng kiến đệm thêm một lớp vải trắng phía trong chân váy để giữ váy được bền, thẳng nếp. Phần trên được nối thêm một đoạn vải trắng khoảng 30 phân làm thành cạp váy (váy phụ nữ Thái- Thanh không có đặc điểm này).

Phụ nữ Thổ sử dụng thắt lưng xanh giống phụ nữ dân tộc Thái trong vùng
Phụ nữ Thổ sử dụng thắt lưng xanh giống phụ nữ dân tộc Thái trong vùng

Riêng phụ nữ vùng Nghĩa Mai, Nghĩa Lợi, Nghĩa Lộc, Nghĩa Lãm (huyện Nghĩa Đàn) mặc váy vải sợi bông màu đen, có yếm trắng giống như người Kinh. Đi cùng chiếc váy áo là chiếc thắt lưng màu xanh hoặc màu vàng thắt quanh hông, buộc hai đầu vào cạnh hông chứ không buộc thắt nút. Đối với những phụ nữ thuộc gia đình khá giả thì mặc những loại váy bằng chất liệu tơ tằm, một phần ba thân váy và gấu đều dệt hoa văn mỹ miều.

Phụ nữ Thổ không dùng nón, mũ che mưa, nắng mà chủ yếu dùng chiếc khăn vuông khổ rộng khoảng 80 cm bằng vải phin trắng, gấp lại để đội đầu.

Xưa kia, đàn ông dân tộc Thổ mặc giống như người Kinh với bộ quần áo bà ba, không phân biệt màu. Tuy nhiên, cũng có những vùng, đàn ông Thổ chỉ mặc quần trắng, cạp vấn, chiếc áo dài màu đen. Khi đi đám đình, họ đội cả khăn nhiễu màu tím.

Các cô gái dân tộc Thổ biểu diễn dân vũ trong Lễ hội Bốc mó tại Làng Văn hóa Du lịch các dân tộc Việt Nam
Các cô gái dân tộc Thổ biểu diễn dân vũ trong Lễ hội Bốc mó tại Làng Văn hóa Du lịch các dân tộc Việt Nam

Trong đám tang, người Thổ mua lại những tấm vải thô trắng của người Thái để may quần áo. Đồ tang lễ phải may đường kim lộn ngược giống như mặc áo trái. Gấu áo xổ ra te tua. Con cháu đội mũ rơm-thể hiện sự đau đớn, thương tiếc sâu sắc đối với người đã khuất. Khi để tang, người phụ nữ đeo khăn dài trắng như người Kinh.

Nhìn chung, trang phục truyền thống của đồng bào Thổ tương đối giản đơn, bởi đồng bào không nắm được kỹ thuật dệt vải, nhuộm vải, thêu thùa. Ngày nay, chỉ trong những ngày thực sự quan trọng đối với bản làng, phụ nữ Thổ mới mặc trang phục truyền thống. Còn nam giới thì hoàn toàn mặc như người Kinh trong ngày thường cũng như hội, lễ.

Tin cùng chuyên mục
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình: Rà soát, lựa chọn các dự án đầu tư có trọng tâm thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình: Rà soát, lựa chọn các dự án đầu tư có trọng tâm thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS

Sáng 9/11, tại Tp. Pleiku, tỉnh Gia Lai, Ủy ban Dân tộc phối hợp với các ban, bộ, ngành Trung ương và các địa phương tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I từ năm 2021 - 2025 (gọi tắt là Chương trình MTQG 1719) khu vực miền Trung - Tây Nguyên và đề xuất nội dung Chương trình MTQG 1719 giai đoạn II từ năm 2026 - 2030.