Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Tạo nhận thức điểm đến Việt Nam với du khách thế giới

PV - 17:29, 07/01/2022

Đại dịch Covid-19 qua đi sẽ tạo ra một khoảng trống rất lớn cho ngành Du lịch Việt Nam vì việc đón khách quốc tế của chúng ta phụ thuộc vào đối tác gửi khách. Một khi điểm đến kém hấp dẫn thì đối tác sẽ hướng khách của họ đi du lịch ở địa điểm khác hay quốc gia khác dẫn đến có thể mất thị trường trọng yếu. Vì thế, cần tăng cường quảng bá nhận thức điểm đến Việt Nam tới du khách quốc tế.

Tạo nhận thức điểm đến Việt Nam với du khách thế giới

Hậu Covid-19 có thể sẽ “biến mất” một số mô hình du lịch cũ

Cụ thể trong một vài năm qua, khi khách Trung Quốc và Nga rời thị trường Nha Trang thì phải mất khoảng thời gian rất dài để Nha Trang có thể cân bằng lại thị trường khách của mình.

Doanh nghiệp du lịch Việt Nam sẽ rất bị động vì sau Covid-19 thì rất nhiều đại lý du lịch ở Châu Âu và Mỹ phải đóng cửa hoặc chuyển đổi mô hình khác vì không còn khách du lịch quan tâm đến loại hình du lịch đó nữa hoặc đã phá sản sau thời gian dài dịch bệnh. Hiện nay nếu các doanh nghiệp Việt Nam vẫn phụ thuộc vào các đối tác ở những thị trường trọng điểm thì e rằng rất nhiều đối tác đã đóng cửa hoàn toàn hoặc không còn hoạt động theo mô hình du lịch cũ.

Sau Covid-19 có thể nhiều nhóm sản phẩm du lịch sẽ không còn khách du lịch như: loại hình du lịch dành cho người lớn tuổi và di chuyển qua nhiều quốc gia; loại hình du lịch tự do Tây ba lô di chuyển nhiều nước trong cùng một kỳ nghỉ; các mô hình du lịch tham gia đông người có thể sẽ chỉ còn phù hợp cho du khách nội địa và khách đoàn của các nước trong khu vực mà thôi. Và tất nhiên sẽ xuất hiện các loại hình du lịch khác phù hợp với tình hình mới và Việt Nam cần nghiên cứu và xây dựng các sản phẩm phù hợp để đón đầu những làn sóng du lịch mới hậu Covid-19.

Rất khó để đưa ra ước tính cho năm 2022 vì chưa biết đại dịch sẽ diễn biến như thế nào. Tuy nhiên, có thể nói về các xu hướng du lịch mới có khả năng xuất hiện trong năm tới như: Du lịch quốc tế với các hạn chế vẫn được duy trì bởi cả điểm đến và hãng hàng không nhằm đảm bảo an toàn 100% cho người tiêu dùng. Tăng cường xét nghiệm Covid-19; hai năm sau đại dịch, xét nghiệm Covid vẫn sẽ được thực hiện như một biện pháp phòng ngừa.

Du lịch có ý thức sẽ được khởi động. Trong đó, đi du lịch đến các điểm đến xa hơn, nhưng với thời gian lưu trú kéo dài, vì người tiêu dùng muốn tận hưởng càng nhiều càng tốt mỗi nơi họ đến thăm. Biến đổi khí hậu là một vấn đề đang diễn ra hiện nay và ngày càng gia tăng. Người tiêu dùng bây giờ có trách nhiệm hơn nhiều và nhận thức được thực tế họ đang sống hàng ngày, vì thế, du lịch xanh sẽ ngày càng phát triển.

Tạo nhận thức điểm đến Việt Nam với du khách thế giới 1

Một xu hướng mới sẽ xuất hiện là “Ed-Ventures" (Loại hình du lịch mạo hiểm kết hợp đào tạo kỹ năng). Đó là về việc kết hợp giáo dục và các kỳ nghỉ cho các thành viên nhỏ tuổi nhất trong gia đình. Trong khi người lớn có thể cần làm việc từ xa hoặc tham gia các cuộc họp, con cái của họ có thể tham gia hội thảo và học tập một cách vui tươi.

Các hoạt động du lịch có thể được khách quốc tế yêu thích bao gồm: Các hoạt động du lịch ngoài trời; kỳ nghỉ dài tại một địa điểm; du lịch theo nhóm nhỏ và tour du lịch riêng; khách có xu hướng chọn những khách sạn nhỏ bên cạnh những khách sạn lớn; du lịch chú trọng vào sức khoẻ; các loại sản phẩm du lịch bền vững; xu hướng sử dụng công nghệ để sắp xếp cho các chuyến du lịch ở những vùng xa xôi một cách dễ dàng.

Sau đại dịch Covid-19, có thể nhiều loại hình du lịch truyền thống biến mất và nhường chỗ cho các loại hình du lịch mới thay thế. Đây cũng là cơ hội để Việt Nam cũng như các nước khác nắm bắt được nhu cầu và thị hiếu để tạo ra các sản phẩm du lịch mới, và có cách tiếp cận mới để thu hút du khách đến Việt Nam.

Quảng bá, xúc tiến thị trường sẽ thất bại nếu đi theo lối mòn

Hiện nay, hoạt động quảng bá quốc tế du lịch Việt Nam chủ yếu dựa vào các hoạt động hàng năm của Tổng cục Du lịch, trong các hoạt đó bao gồm việc tham dự các hội chợ du lịch lớn của thế giới để hỗ trợ các doanh nghiệp du lịch tìm đối tác, tổ chức các chương trình roadshow tại các thị trường chiến lược để giúp các doanh nghiệp kết nối và hợp tác với nhau. Ngoài ra những năm gần đây cả Tổng cục Du lịch cũng như các Sở quản lý du lịch các địa phương cũng chủ động tổ chức xúc tiến và quảng bá du lịch ra thế giới. Cụ thể là Hà Nội đã chi những khoảng tiền lớn để quảng bá trên kênh CNN hay Quảng Bình thực hiện nhiều hoạt động quảng bá tầm thế giới trong những năm gần đây.

Hoạt động quảng bá và xúc tiến của Tổng cục Du lịch thường xoay quanh các chủ đề xúc tiến hỗ trợ kết nối doanh nghiệp. Các hoạt động quảng bá nhận thức điểm đến có đầu tư nhưng không đáng kể trong những năm gần đây. Vì những lý do này nên rất nhiều khách du lịch trên thế giới biết về Việt Nam một cách mơ hồ, thậm chí có những người còn nghĩ Việt Nam đang còn chiến tranh.

Tạo nhận thức điểm đến Việt Nam với du khách thế giới 2

Ở các nước du lịch phát triển trong khu vực Đông Nam Á như Thái Lan thì họ phân định ra các nhiệm vụ rất rõ ràng. Ở cấp Chính phủ thì họ có Tổng cục Du Lịch (TAT) chuyên thực hiện các nhiệm vụ quảng bá "nhận thức điểm đến" tầm quốc gia, nhiệm vụ của TAT là làm sao để người dân ở các thị trường các nước mục tiêu thường xuyên nghe về một Thái Lan hấp dẫn, thường xuyên được xem những hình ảnh, video về đất nước Thái Lan và thường xuyên đọc được những thông tin cập nhật mới nhất về du lịch Thái Lan. Một khi đã tạo được nhận thức về điểm đến rồi thì các hiệp hội doanh nghiệp, các doanh nghiệp sẽ tự tìm đến các diễn đàn, hội chợ du lịch để kết nối và hợp tác với nhau. Một thực tế là Thái Lan không trông chờ các đại lý hay đối tác nước ngoài chi tiền quảng bá nhận thức điểm đến cho họ, thay vào đó TAT đã chi nhiều tiền để quảng bá đến khách du lịch tại thị trường tiềm năng và tạo ra các nhu cầu của khách du lịch, từ đó các công ty hay đại lý du lịch sẽ xây dựng sản phẩm và tiếp cận khách hàng. Ở Thái Lan việc quản lý nhà nước về du lịch thuộc Bộ Thể thao và Du lịch, là một cơ quan quản lý nhà nước khác với TAT.

Tại Việt Nam thì Tổng cục Du lịch (VNAT) là vừa thực hiện công tác quản lý nhà nước về du lịch vừa thực hiện nhiệm vụ quảng bá hình ảnh du lịch quốc gia. Theo tạp chí Forbes (năm 2016) đánh giá mức đầu tư 2 triệu USD của Việt Nam cho xúc tiến du lịch chỉ bằng 2,9% của Thái Lan, 2,5% của Singapore và 1,9% của Malaysia. Theo xếp hạng của Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF), Việt Nam đứng thứ 80 trong danh sách 136 quốc gia về hiệu quả quảng bá cho du lịch. Chỉ số này thấp hơn nhiều quốc gia trong khu vực, đứng sau cả Lào (xếp hạng 53) và Campuchia (xếp hạng 73). Những năm gần đây thì Hà Nội và một số địa phương khác chủ động đầu tư quảng bá trên truyền thông quốc tế như CNN và một số kênh khác.

Việc duy trì mô hình xúc tiến (tham gia hội chợ, tổ chức roadshow...) hiện nay chỉ tiếp cận được chủ yếu là các đại lý bán vé máy bay, các công ty, các đại lý du lịch tại các thị trường mục tiêu. Trong khi việc quảng bá tạo nhận thức về điểm đến cho người dân ở thị trường mục tiêu thì đang rất hạn chế dẫn đến số người biết về một đất nước Việt Nam năng động, tươi đẹp còn ít.

Với nguồn ngân sách đầu tư cho quảng bá du lịch quốc gia ra thế giới hạn hẹp như hiện nay thì Việt Nam khó có thể giới thiệu những hình ảnh đẹp của đất nước và con người Việt Nam đến với các thị trường tiềm năng được. Khi không thể tạo ra nhận thức rằng có một đất nước Việt Nam xinh đẹp, điểm đến hấp dẫn thì sẽ không tạo ra nhu cầu du lịch đến Việt Nam được. Trong khi đó các nước lân cận thì thực hiện rất nhiều kênh để tiếp cận khách du lịch hàng ngày.

Đối diện với những thách thức

Mặc dù Việt Nam có nhiều lợi thế về tài nguyên du lịch, bao gồm tài nguyên thiên nhiên và văn hoá, tuy nhiên với những hạn chế tồn tại trong nhiều năm sẽ khiến tốc độ phục hồi và phát triển của du lịch Việt Nam khó bắt kịp các nước láng giềng. Một số hạn chế dưới đây có thể là thách thức lớn cho du lịch Việt Nam trong quá trình phục hồi cũng như phát triển trong thời kỳ hậu Covid-19.

Mặc dù Việt Nam có rất nhiều lợi thế về tài nguyên thiên nhiên, tài nguyên văn hoá tuy nhiên việc vận dụng những tài nguyên để tạo ra những sản phẩm du lịch là chưa theo kịp với xu thế hiện nay của thế giới. Các loại hình sản phẩm du lịch thể thao ngoài trời, trên không, dưới nước chuyên nghiệp chưa có khung pháp lý rõ ràng hay khuyến khích phát triển cũng là rào cản để Việt Nam có thêm những sản phẩm độc đáo, đa dạng hơn so với những sản phẩm du lịch truyền thống tồn tại nhiều năm nay.

Hiện nay hầu hết các doanh nghiệp du lịch Việt Nam hoạt động theo mô hình B2B và phụ thuộc hoàn toàn vào đối tác nước ngoài về chiến lược marketing cũng như giới thiệu điểm đến hay sản phẩm. Điều này hạn chế rất nhiều trong khâu tiếp cận khách hàng cũng như giới thiệu đến cho họ những sản phẩm mới hay những điểm độc đáo của Việt Nam mà các đối tác hay đại lý nước ngoài không giới thiệu hoặc không muốn giới thiệu. Việt Nam cần có nhiều công ty du lịch hoạt động theo mô hình B2C để chủ động thị trường và tiếp cận đến đối tượng khách du lịch để giới thiệu và mời gọi họ đến Việt Nam. Mô hình kinh doanh du lịch inbound Việt Nam cần tăng tỷ lệ B2C lên khoảng 50% thị phần nhằm tránh phụ thuộc quá lớn vào thị phần B2B đồng thời tăng cường khâu quảng bá trực tiếp từ khách du lịch của nhóm B2C.

Tạo nhận thức điểm đến Việt Nam với du khách thế giới 3

Mỗi địa phương cần có một sản phẩm du lịch đặc trưng

Oxalis Adventure (Công ty TNHH MTV Chua Me Đất) là công ty 100% vốn đầu tư trong nước thành lập năm 2011 tại Quảng Bình. Oxalis là công ty du lịch đặc thù và không giống với nhiều công ty du lịch hiện nay đang hoạt động tại Việt Nam: Oxalis tập trung và đầu tư chuyên môn cao trong lĩnh vực du lịch thám hiểm hang động, trải nghiệm thiên nhiên theo nhóm nhỏ. Tập trung nguồn lực và chuyên môn tạo ra sản phẩm riêng và tự đầu tư và khai thác. Oxalis tập trung vào một loại hình du lịch mà không mở đại trà nhiều loại hình du lịch khác. Các sản phẩm du lịch nổi thế giới của Oxalis có thể kể đến bao gồm "thám hiểm Sơn Đoòng, hang động lớn nhất thế giới". Khám phá Hang Én, Hang Va, Tú Làn, Hang Tiên, trong đó Chinh phục Sơn Đoòng - hang động lớn nhất thế giới là sản phẩm đẳng cấp thế giới và được các tạp chí du lịch quốc tế bình chọn là một trong những sản phẩm du lịch đáng trải nghiệm nhất trên thế giới. Trước Covid-19 Oxalis đón khoảng 10.000 đến 15.000 lượt khách du lịch mỗi năm trong đó có 80% là khách du lịch quốc tế và 20% là khách du lịch trong nước. Từ khi xãy ra đại dịch Covid-19 đến nay thì toàn bộ khách quốc tế đóng băng và chỉ còn khách du lịch trong nước tham gia tour.

Muốn phục hồi và phát triển ngành Du lịch thời gian tới, cần định vị, định hình Du lịch Việt Nam trong thời kỳ mới với những lợi thế về tài nguyên thiên nhiên, tài nguyên lịch sử văn hoá, các dòng sản phẩm du lịch chủ đạo. Đồng thời xác định mục tiêu cũng như phạm vi và quy mô, thực hiện chiến lược phát triển phù hợp với các thị trường tiềm năng. Một khi đã có những lĩnh vực then chốt thì Việt Nam sẽ dễ dàng quy hoạch và mời gọi các nhà đầu tư chuyên nghiệp, có nghề đến để tạo ra những sản phẩm độc đáo và dẫn đầu xu thế của thế giới.

Tạo nhận thức điểm đến Việt Nam với du khách thế giới 4

Việt Nam cần có chiến lược quảng bá hình ảnh điểm đến Việt Nam ra thế giới theo kịp với các xu thế công nghệ hiện nay. Đầu tư một khoản tiền tương xứng để ngành du lịch chi tiêu trong việc quảng bá nhận thức điểm đến tại các thị trường mục tiêu nhằm tạo ra nhu cầu du lịch để giúp các doanh nghiệp du lịch bán được sản phẩm của họ đến khách hàng. Ở các nước phương Tây họ có thu thuế lưu trú từ khách du lịch để phục vụ những lợi ích chung của khách du lịch bao gồm công tác quảng bá. Ở Việt Nam cũng có thể áp dụng hình thức trích 5-10% kinh phí từ các nguồn thu tham quan danh lam thắng cảnh trên toàn quốc để tạo một phần ngân sách phục vụ cho công tác quảng bá một các bài bản. Một khi công tác quảng bá được thực hiện tốt thì khách du lịch sẽ yên tâm và mạnh dạn đến Việt Nam du lịch.

Du lịch là ngành kinh tế tổng hợp và để phát triển cần có sự đồng bộ hóa về hạ tầng kỹ thuật, chính sách phát triển của du lịch và các ngành nghề liên quan đặc biệt là ngành dịch vụ và các ngành kinh tế bổ trợ. Đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành có các chính sách hỗ trợ, ưu đãi phát triển du lịch để huy động tổng hợp các nguồn lực cả đầu tư công, đầu tư tư nhân để phát triển du lịch; quan tâm đầu tư phát triển đồng bộ hệ thống giao thông kết nối giữa các trung tâm du lịch lớn trong cả nước; ưu tiên phát triển du lịch tại các địa phương phù hợp với lợi thế của từng tỉnh, thành phố trong Chiến lược phát triển Du lịch Việt Nam đến năm 2030 để mỗi địa phương có các sản phẩm du lịch đặc trưng, đẳng cấp và thương hiệu được khẳng định trên thị trường thế giới, tạo ra các vùng du lịch phát triển với các hạt nhân tiêu biểu để cạnh tranh với các nước trong khu vực, thu hút khách du lịch quốc tế.

Tin cùng chuyên mục
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình: Rà soát, lựa chọn các dự án đầu tư có trọng tâm thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình: Rà soát, lựa chọn các dự án đầu tư có trọng tâm thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS

Sáng 9/11, tại Tp. Pleiku, tỉnh Gia Lai, Ủy ban Dân tộc phối hợp với các ban, bộ, ngành Trung ương và các địa phương tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I từ năm 2021 - 2025 (gọi tắt là Chương trình MTQG 1719) khu vực miền Trung - Tây Nguyên và đề xuất nội dung Chương trình MTQG 1719 giai đoạn II từ năm 2026 - 2030.