Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Chương trình MTQG phát triển Kinh tế - Xã hội
vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
giai đoạn 2021-2030

Tăng cường tiếng Việt cho học sinh DTTS ở Sóc Trăng: Nhiều giải pháp phù hợp từng cấp học được triển khai

N.Tâm – H.Diễm - 15:08, 30/06/2021

Thực hiện Đề án “Tăng cường tiếng Việt cho trẻ em mầm non, học sinh tiểu học vùng DTTS giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến 2025”, tỉnh Sóc Trăng đã triển khai nhiều giải pháp phù hợp từng cấp học và tình hình thực tế ở địa phương. Qua đó, giúp các em có thêm kỹ năng cơ bản trong việc sử dụng tiếng Việt, tạo tiền đề cho việc học tập, từng bước góp phần nâng cao chất lượng giáo dục vùng DTTS.

Một buổi sinh hoạt giao lưu thao giảng Chuyên đề “Tăng cường tiếng Việt cho trẻ em người DTTS”. Tại Trường Mẫu giáo Hoa Mai, TP. Sóc Trăng
Một buổi sinh hoạt giao lưu thao giảng Chuyên đề “Tăng cường tiếng Việt cho trẻ em người DTTS”. Tại Trường Mẫu giáo Hoa Mai, TP. Sóc Trăng

Mỹ Xuyên là huyện có đông đồng bào Khmer sinh sống, vì vậy việc tăng cường tiếng Việt cho trẻ là nhiệm vụ quan trọng. Tại Trường mầm non Tham Đôn - nơi có 80% trẻ em dân tộc Khmer theo học, thời gian qua, Trường đã thực hiện tốt việc hướng dẫn giáo viên lựa chọn nội dung tăng cường tiếng Việt , phù hợp với nhận thức của trẻ và điều kiện thực tế của địa phương.

Cô Lý Thị Y, Hiệu trưởng Trường Mầm non Tham Đôn chia sẻ: “Do đặc thù là trường có đông trẻ là người DTTS, nên chủ yếu các em nói bằng tiếng mẹ đẻ. Việc dạy trẻ học nói tiếng Việt rất quan trọng, giúp trẻ nâng cao khả năng sử dụng tiếng Việt, tạo tiền đề cho việc học tập, lĩnh hội kiến thức, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục vùng DTTS”.

Để triển khai tốt Đề án, 100% cán bộ quản lý, giáo viên của Trường được tập huấn chuyên đề tăng cường tiếng Việt do Phòng GD&ĐT huyện và Sở GD&ĐT tỉnh Sóc Trăng tổ chức. Các giáo viên đã xây dựng nhiều mô hình sáng tạo, kết hợp chữ viết ở trên các bảng biểu, góc học tập, đồ dùng, đồ chơi, ghi tên các cây hoa, cây xanh quanh khuôn viên nhà trường…, giúp trẻ được làm quen với chữ viết ở mọi lúc, mọi nơi, tạo điều kiện thuận lợi cho trẻ luyện nói, luyện nghe, thực hành hỏi - đáp tiếng Việt. Đồng thời, giáo viên luôn nâng cao phương pháp, kỹ năng tăng cường tiếng Việt, tổ chức các hoạt động phù hợp với nhóm, lớp và thường xuyên trao đổi, trò chuyện với trẻ bằng tiếng Việt.

Đặc biệt, để tạo nền tảng cho các bé sắp vào lớp 1, nhà trường tăng cường các buổi học tiếng Việt với các kỹ năng nghe, nói, đọc số. Việc này sẽ giúp trẻ mạnh dạn, tự tin giao tiếp và vốn từ tiếng Việt sẽ phong phú hơn.

Sóc Trăng đã có nhiều hoạt động tăng cường dạy tiếng Việt cho học sinh DTTS
Sóc Trăng đã có nhiều hoạt động tăng cường dạy tiếng Việt cho học sinh DTTS

Tại thị xã Vĩnh Châu, việc triển khai dạy tiếng Việt cho học sinh DTTS cũng được ngành giáo dục thị xã quan tâm. Ông Lý Văn Luận, Phó Phòng GD&ĐT thị xã Vĩnh Châu cho biết: Ngành Giáo dục tỉnh Sóc Trăng đã tiến hành tổng kết giai đoạn I của Đề án và đánh giá cơ bản đạt được các yêu cầu theo kế hoạch đề ra.

Bước vào giai đoạn II (2021-2025) của Đề án, ngành giáo dục thị xã sẽ tiếp tục triển khai các giải pháp tăng cường tiếng Việt phù hợp với điều kiện của từng địa phương. Đặc biệt, là chuẩn bị đầy đủ sách giáo khoa, tài liệu dạy học, tiếp tục điều chỉnh nội dung, chương trình dạy học; khuyến khích giáo viên chủ động, sáng tạo trong tổ chức dạy học và các hoạt động giáo dục khác, tổ chức các hoạt động ngoại khóa như ngày hội đọc sách, giao lưu tiếng Việt...

Chương trình giáo dục mầm non cho trẻ em DTTS, là bước đệm quan trọng để các em dễ dàng tiếp cận với chương trình tiểu học, do đó, Sở GD&ĐT đã tổ chức các lớp bồi dưỡng cho 200 cán bộ quản lý, giáo viên cốt cán tại các cơ sở giáo dục có đông học sinh DTTS đang tổ chức dạy học tăng cường tiếng Việt.

Phòng GD&ĐT các huyện, thị xã, thành phố tổ chức lớp tập huấn đại trà cho 79 cán bộ quản lý và 325 giáo viên dạy lớp 1, tại các trường vùng DTTS có số học sinh Khmer trong mỗi lớp từ 60% trở lên và có nhu cầu tăng cường tiếng Việt.

Các cơ sở giáo dục xác định, nội dung tăng cường tiếng Việt là nhiệm vụ trọng tâm nên tập trung lồng ghép trong sinh hoạt chuyên môn, bồi dưỡng thường xuyên nhằm góp phần nâng cao chất lượng dạy học. Ngoài ra, tất cả giáo viên và học sinh có đều có đủ tài liệu “Em nói tiếng Việt” (sách học sinh) và hướng dẫn dạy học “Em nói tiếng Việt” (sách giáo viên).

Nhờ những giải pháp trên, đến nay, có khoảng 80% học sinh lớp 1 là người DTTS được tăng cường tiếng Việt.

Tin cùng chuyên mục
Phổ cập xóa mù chữ: Cách làm hay ở Lạng Sơn

Phổ cập xóa mù chữ: Cách làm hay ở Lạng Sơn

Không chỉ được tăng cường khả năng sử dụng tiếng Việt, kỹ năng tính toán, mà các học viên còn được tham dự Ngày hội giao lưu Toán, Tiếng Việt để vận dụng kiến thức đã học vào thực tiễn… Đây là cách làm sáng tạo trong công tác xóa mù chữ đã và đang lan tỏa, góp phần nâng cao chất lượng công tác xóa mù chữ cho đồng bào DTTS vùng sâu, vùng xa, biên giới Lạng Sơn.