Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Chương trình MTQG phát triển Kinh tế - Xã hội
vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
giai đoạn 2021-2030

Tin tức

Tăng cường hợp tác phát triển kinh tế giữa TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh Tây Nguyên

Văn Yên - 10:58, 30/12/2022

Chiều 29/12, tại Tp. Đà Lạt (Lâm Đồng) đã diễn ra Hội nghị Tổng kết Chương trình hợp tác phát triển kinh tế, xã hội giữa TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh Tây Nguyên.

Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi phát biểu tại Hội nghị. (Ảnh: Diễm Thương)
Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi phát biểu tại Hội nghị. (Ảnh: Diễm Thương)

Tham dự Hội nghị có Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi; Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Trần Văn Hiệp; Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Trương Hải Long; Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum Lê Ngọc Tuấn; Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông Hồ Văn Mười; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk Võ Văn Cảnh; cùng đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành và doanh nghiệp tiêu biểu của các địa phương.

Báo cáo tại Hội nghị đã nêu rõ, vùng Tây Nguyên có vai trò, vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của cả nước. Phát triển Tây Nguyên nhanh và bền vững là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước và là nhiệm vụ xuyên suốt, trọng tâm, có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển của các địa phương trong vùng và cả nước. Tây Nguyên là vùng có thế mạnh sản xuất các sản phẩm nông sản chủ lực quy mô lớn, chiếm tỷ trọng cao, nhất là các cây công nghiệp, cây ăn quả.

Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh cùng các Chủ tịch UBND các tỉnh Tây Nguyên ký kết hợp tác phát triển kinh tế - xã hội. (Ảnh: Diễm Thương)
Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh cùng các Chủ tịch UBND các tỉnh Tây Nguyên ký kết hợp tác phát triển kinh tế - xã hội. (Ảnh: Diễm Thương)

Tuy nhiên, Tây Nguyên cũng còn những hạn chế, phát triển chưa tương xứng với tiềm năng lợi thế. Tăng trưởng kinh tế thiếu bền vững, có xu hướng chậm lại; GRDP bình quân đầu người vẫn còn ở mức thấp. Nhìn chung, đây vẫn là vùng gặp nhiều khó khăn, phát triển chủ yếu dựa trên nền tảng nông nghiệp với quy mô nhỏ; có ít chuỗi giá trị sản xuất gia tăng cao, thiếu lao động lành nghề, sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ, manh mún, rủi ro cao, chịu nhiều tác động của biến đổi khí hậu; công nghiệp, dịch vụ các tỉnh trong vùng chưa thực sự phát triển tương xứng với tiềm năng...

Trong những năm qua, TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh vùng Tây Nguyên đã ký kết và triển khai nhiều chương trình hợp tác, góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội tại các địa phương và có đóng góp nhất định cho sự phát triển kinh tế - xã hội của cả nước.

Các đại biểu tham dự Hội nghị
Các đại biểu tham dự Hội nghị

Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi khẳng định: Chương trình hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh vùng Tây Nguyên là hoạt động liên kết kinh tế mở nhằm tạo cơ hội đầu tư hấp dẫn cho các doanh nghiệp của các địa phương. Những năm qua, nhiều giải pháp đã được các địa phương triển khai, đặc biệt trong sản xuất, chế biến nông, lâm sản, khai khoáng… đã và đang góp phần quan trọng mang lại hiệu quả kinh tế cao cho các địa phương. Kết quả hợp tác giữa TP. Hồ Chí Minh với các vùng Tây Nguyên bước đầu đạt được những thành tựu nhất định, cụ thể trong các lĩnh vực như thương mại, công nghiệp, nông - lâm - thủy sản, hợp tác đầu tư, nhất là du lịch và các hoạt động an sinh - xã hội…

Được sự quan tâm chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, Chính quyền các địa phương, tạo mọi điều kiện thuận lợi, các chính sách ưu đãi cho các doanh nghiệp của TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh vùng Tây Nguyên tới đầu tư, sản xuất kinh doanh. Trên cơ sở các thông tin về xúc tiến đầu tư, phổ biến về tiềm năng, thế mạnh, lợi thế cạnh tranh và mục tiêu phát triển của thành phố và các địa phương, đã thu hút được các nguồn lực từ các thành phần kinh tế của TP. Hồ Chí Minh đến đầu tư, khai thác tiềm năng và thế mạnh của các tỉnh phục vụ cho mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.

Du khách tham quan gian hàng trưng bày đặc sản TP. Hồ Chí Minh và vùng 5 tỉnh Tây nguyên
Du khách tham quan gian hàng trưng bày đặc sản TP. Hồ Chí Minh và vùng 5 tỉnh Tây nguyên

Các dự án triển khai một cách hiệu quả, đã góp phần tăng thu ngân sách, chuyển giao các tiến bộ khoa học công nghệ, tiêu thụ sản phẩm, nguyên, vật liệu và giải quyết được nhiều việc làm cho lao động địa phương, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố và các tỉnh trong vùng.

Tại Hội nghị lần này, lãnh đạo UBND các tỉnh vùng Tây Nguyên và TP. Hồ Chí Minh cũng đã ký kết bản thỏa thuận hợp tác phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2025 với mục tiêu: Chuyển hóa tiềm năng, lợi thế của các bên thành giá trị cụ thể, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của các bên và khu vực; tạo cầu nối để các doanh nghiệp các bên liên kết, hợp tác với nhau, thúc đẩy hợp tác công tư trên nguyên tắc cùng có lợi và đóng góp vào sự phát triển chung của các bên; trao đổi kinh nghiệm về cải cách hành chính, quản lý nhà nước và hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, nâng cao đời sống của người dân.