Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Chương trình MTQG phát triển Kinh tế - Xã hội
vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
giai đoạn 2021-2030

Diễn đàn kết nối chuỗi giá trị sản xuất và tiêu thụ nông sản vùng Tây Nguyên

Ngọc Thu - 21:24, 21/05/2022

Sáng ngày 21/5, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) phối hợp với UBND tỉnh Gia Lai tổ chức diễn đàn “kết nối chuỗi giá trị sản xuất và tiêu thụ nông sản vùng Tây Nguyên tại Gia Lai”. Tham dự, có Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến, lãnh đạo ngành 5 tỉnh Tây Nguyên, cùng nhiều doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp, cung ứng sản phẩm…

Quang cảnh Diễn đàn kết nối Tây Nguyên
Quang cảnh Diễn đàn kết nối Tây Nguyên

Vùng Tây Nguyên có diện tích tự nhiên 5.454.831 ha, chiếm 16,46% diện tích của cả nước, trong đó, diện tích đất nông nghiệp chiếm đến 91,75%. Dân số trên 5,9 triệu người, chiếm 4,4% dân số cả nước, với 47 dân tộc sinh sống với văn hóa phong phú, đặc sắc.

Năm 2021, mặc dù gặp rất nhiều khó khăn, nhưng nông nghiệp vùng Tây Nguyên vẫn phát triển ấn tượng, thị trường cà phê, hồ tiêu, cao su phục hồi mạnh mẽ, giá trị xuất khẩu tăng hơn 20% so với cùng kỳ năm trước.

Theo Bộ NN&PTNT, Tây Nguyên là địa bàn có vị trí chiến lược về kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh. Đồng thời, là một trong những trung tâm sản xuất nông sản hàng hóa lớn của cả nước, với sự dồi dào về sản lượng và phong phủ về chủng loại nông sản, như: Cà phê, bơ và chanh leo. Hiện khu vực đã có 141 chuỗi liên kết an toàn thực phẩm với nhiều sản phẩm đặc trưng như cà phê, mắc ca, mật ong… 583 sản phẩm OCOP được công nhận.

Phát biểu tại Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến nhận định, cùng với tiềm năng, lợi thế nội tại ngành Nông nghiệp, Tây Nguyên còn có hệ thống hạ tầng kinh tế kỹ thuật, thương mại, du lịch thuận lợi cho phát triển nông sản nội vùng, liên vùng và xuất khẩu. Hội tụ đầy đủ các yếu tố thiên thời, địa lợi, nhân hòa để kết nối chuỗi giá trị sản xuất và tham gia ngày càng sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu. Bên cạnh đó, Tây Nguyên cũng đối diện với nhiều thách thức do sản xuất manh mún, nhỏ lẻ và ảnh hưởng biển đổi khí hậu, biến động thị trường. Sự điều phối theo chuỗi ngành hàng, liên kết các địa phương có vùng nguyên liệu tương đồng chưa được chú trọng đúng mức.

 Bộ NN&PTNT, các tỉnh Tây Nguyên, các hiệp hội, doanh nghiệp cùng ký kết nhiều biên bản ghi nhớ, hợp tác
Bộ NN&PTNT, các tỉnh Tây Nguyên, các hiệp hội, doanh nghiệp cùng ký kết nhiều biên bản ghi nhớ, hợp tác

Tại Diễn đàn, các đại biểu cho biết sẽ khởi công 3 tuyến đường bộ cao tốc kết nối nội vùng và liên vùng giúp Tây Nguyên trong giai đoạn 2021 - 2025. Các tuyến gồm: Khánh Hòa - Buôn Mê Thuột; Tân Phú - Bảo Lộc; Bảo Lộc - Liên Khương. Đây được xem là bước đột phá giúp khu vực phát triển kinh tế nhanh chóng.

Đặt mục tiêu đến năm 2025, tốc độ tăng trưởng GDP nông nghiệp toàn vùng trên 3%/năm, các địa phương mong muốn các bộ, ngành Trung ương quan tâm hơn, mời gọi, kết nối các đối tác, doanh nghiệp đầu tư vào khu vực Tây Nguyên; từ đó hình thành và phát triển các vùng sản xuất, xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp có thế mạnh, đáp ứng các yêu cầu về rào cản kỹ thuật và quy định các thị trường tiêu thụ.

Đồng thời, hỗ trợ phát triển hệ thống logistics trong lĩnh vực nông sản, từ sản xuất, sơ chế, chế biến và xuất khẩu, giúp nông sản phát triển, tiến sâu vào thị trường quốc tế. Thời gian tới, các tỉnh Tây Nguyên định hướng phát triển đẩy mạnh chế biến, nhất là chế biến sâu, ứng dụng công nghệ cao, phát triển nông nghiệp số, thông minh, hữu cơ vào sản xuất…

Dịp này, Bộ NN&PTNT, các tỉnh Tây Nguyên, các hiệp hội, doanh nghiệp đã ký kết nhiều biên bản ghi nhớ, hợp tác.