Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Tăng cường chính sách chăm sóc sức khỏe Nhân dân vùng đồng bào DTTS Gia Lai: Ngăn chặn hiểm họa khi sinh con tại nhà (Bài 1)

Hòa Bình - 16:24, 29/11/2023

Hiện nay, tình trạng phụ nữ đồng bào DTTS ở vùng sâu, vùng xa tại tỉnh Gia Lai sinh đẻ tại nhà vẫn còn tồn tại. Và chỉ khi gặp biến chứng, họ mới chọn cách đến bệnh viện. Đây chính là nguyên nhân chính dẫn đến tử vong mẹ, tử vong sơ sinh cao ở vùng đồng bào DTTS.

Khi phụ nữ mang thai có dấu hiệu chuyển dạ cần được đưa ngay đến ngay cơ sở y tế để sinh đẻ đảm bảo an toàn cho cả mẹ và con
Khi phụ nữ mang thai có dấu hiệu chuyển dạ cần được đưa ngay đến ngay cơ sở y tế để sinh đẻ đảm bảo an toàn cho cả mẹ và con

Chỉ đến bệnh viện khi gặp biến chứng

Xã Đê Ar có 4.800 khẩu/ 7 thôn, làng, với hơn 95% là đồng bào Ba Na sinh sống. Đây cũng là một trong những địa phương ghi nhận nhiều ca tử vong trẻ sơ sinh do sinh tại nhà. Từ năm 2022 đến nay, xã này đã có 4 ca tử vong chu sinh (hiện tượng tử vong thai nhi và sơ sinh từ trước, trong và sau đẻ 7 ngày có tuổi thai từ tuần 22, chiều dài từ 25 cm và cân nặng từ 500 gram khi đẻ trở lên).

Bà Lê Thị Nguyệt, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Đê Ar cho biết: Người dân còn có thói quen sinh đẻ thuận tự nhiên và thường chọn sinh con tại nhà chứ ít khi đến cơ sở y tế. Cả xã chỉ có 2 cô đỡ. Năm 2022, xã có 104 phụ nữ sinh con, thì có gần 90% chọn sinh con tại nhà; chỉ có 46 người khám thai đúng định kỳ và 43 người có nhân viên y tế đến đỡ đẻ tại nhà. 4 ca tử vong chu sinh đều do nguyên nhân mang thai ngôi ngược, ngạt sau đẻ tại nhà. Có trường hợp thai phụ khám thai thường xuyên, siêu âm và bác sĩ đã cảnh báo nguy hiểm nếu sinh con tại nhà. Tuy nhiên, sản phụ không nghe lời khuyên nên dẫn đến vụ việc đau lòng.

Cô đỡ H’Nhach (xã Đê Ar, huyện Mang Yang) đã giúp đỡ nhiều sản phụ sinh con an toàn tại nhà
Cô đỡ H’Nhach (xã Đê Ar, huyện Mang Yang) đã giúp đỡ nhiều sản phụ sinh con an toàn tại nhà

Đứa bé thường xuyên bị đau yếu, khóc ngặt nghèo do sinh con tại nhà, là trường hợp của chị Đinh Phốt (xã Ayun, huyện Chư Sê). Cũng chính vì phong tục, ngoài chồng mình ra, thì không ai được động chạm vào phần tế nhị của cơ thể, đã khiến chị rất ái ngại trong việc khám thai cũng như đến bệnh viện sinh con. Do đó, các chuẩn đoán về tai biến sản khoa khi mang thai và sinh nở gần như không thể thực hiện được.

 “Đứa con đầu tiên mình chưa biết nhiều về kiến thức chăm sóc thai kỳ, sinh con an toàn nên cũng không đi thăm khám gì. Đến ngày sinh con, mình ngại gặp bác sĩ, gia đình mình cũng khó khăn nên mình chọn cách sinh con tại nhà. Giờ đứa nhỏ cũng hay ốm lắm, nuôi rất vất vả”, chị Phốt chia sẻ.

Theo ông Lê Đức Thọ, Phó Trưởng khoa Khoa sản, Bệnh viện đa khoa Gia Lai cho biết, phần lớn phụ nữ DTTS chỉ đến bệnh viện đẻ khi có biến chứng. Ông cho biết: "Tỷ lệ phụ nữ DTTS đi khám thai rất thấp. Họ chỉ đến bệnh viện khi họ có vấn đề. Tương tự tỷ lệ sử dụng các biện pháp tránh thai của đồng bào DTTS cũng rất thấp, vì thế họ có rất nhiều con, sức khoẻ không đảm bảo".

Rào cản trong chăm sóc sức khoẻ phụ nữ DTTS

Trong năm 2022, toàn tỉnh Gia Lai ghi nhận 5 ca tử vong mẹ do sinh con tại nhà. Việc không đi khám thai, sinh đẻ tại nhà là nguyên nhân dẫn đến tử vong mẹ, tử vong sơ sinh cao ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS.

Là một cô đỡ thôn bản của xã Đê Ar, trong năm 2022, Hnhach đã đỡ được cho 24 ca đẻ tại nhà. Hnhach kể: Phần lớn người dân tộc Ba Na không muốn sinh con ở bệnh viện. Họ cảm thấy xấu hổ khi sinh trước người lạ, bởi ngoài chồng mình ra thì không ai được động chạm vào phần tế nhị. Phong tục của người Ba Na là phụ nữ sinh con tại nhà và ở một cái chòi bên ngoài. Hơn nữa, đi bệnh viện xa lắm, họ không có tiền mua xăng để đi lại và trang trải cho các dịch vụ chăm sóc.

Hnhack là một trong số ít cô đỡ thôn bản và nhân viên y tế ở Gia Lai được tham dự tập huấn nâng cao năng lực về chăm sóc sức khỏe bà mẹ và kế hoạch hóa gia đình cũng như nâng cao kỹ năng truyền thông thay đổi hành vi. Tuy nhiên, Hnhack khẳng định rằng, để thay đổi được những thói quen, tập quán sinh đẻ tại nhà của đồng bào dân tộc ít người, hoạt động truyền thông cần phải được thiết kế để thay đổi hành vi không chỉ những người phụ nữ đang mang thai mà còn cả người thân, chính quyền thôn, xã và những người có ảnh hưởng trong thôn như già làng, Người có uy tín.

Cuộc sống của người dân ở nhiều buôn làng Gia Lai còn khó khăn, tập quán văn hóa... khiến tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe vùng đồng bào DTTS còn hạn chế
Cuộc sống của người dân ở nhiều buôn làng Gia Lai còn khó khăn, một số tập quán lạc hậu vẫn còn tồn tại, khiến việc tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe vùng đồng bào DTTS còn hạn chế

Tại những nơi vùng sâu, vùng DTTS, hiểm nguy của việc sinh con tại nhà luôn hiện hữu. Nhưng để thay đổi được thói quen này thì không hề dễ dàng. Cùng với đó, điều kiện kinh tế xã hội chưa phát triển, tập quán văn hóa cộng với điều kiện hạ tầng kém... là những nguyên nhân dẫn đến việc tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe vùng đồng bào DTTS còn hạn chế.

Vì vậy, muốn thay đổi thói quen, nhận thức của người dân trong việc chăm sóc sức khỏe sinh sản và vấn đề sinh đẻ tại nhà rất cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Công tác tuyên truyền, vận động người dân sinh con tại cơ sở y tế phải thực hiện thường xuyên, liên tục, bằng nhiều hình thức.

 Bên cạnh đó, cần thực hiện các chính sách chăm sóc sức khỏe Nhân dân vùng đồng bào DTTS, trong đó đào tạo thêm cô đỡ, cung cấp các gói đỡ đẻ sạch, hỗ trợ kinh phí cho các bà mẹ đi khám thai, sinh đẻ tại cơ sở y tế. Những trường hợp nguy cơ thì áp dụng biện pháp phù hợp đưa đến cơ sở y tế để sinh nhằm tránh hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra.

Tin cùng chuyên mục
Thách thức nâng cao chất lượng dân số vùng miền Tây Nghệ An: Tăng cường truyền thông về chăm sóc sức khỏe cho người dân (Bài 2)

Thách thức nâng cao chất lượng dân số vùng miền Tây Nghệ An: Tăng cường truyền thông về chăm sóc sức khỏe cho người dân (Bài 2)

Hàng loạt tồn tại, hạn chế đã được chỉ ra, trong đó nổi cộm là địa bàn sinh sống của đồng bào DTTS chủ yếu ở vùng sâu, vùng xa, điều kiện kinh tế khó khăn; trình độ dân trí, hiểu biết pháp luật của một bộ phận người dân còn hạn chế..., đã tạo "đất sống" cho những hủ tục, tập quán lạc hậu tồn tại. Đây chính là những thách thức lớn làm ảnh hưởng đến quá trình nâng cao chất lượng dân số vùng miền Tây xứ Nghệ. Thực tế, đã có nhiều giải pháp khắc phục hạn chế được đưa ra, trong đó là việc tổ chức các hoạt động truyền thông nhằm thay đổi tư duy; đồng thời lồng ghép cung cấp các dịch vụ khám sức khỏe, sàng lọc một số bệnh trong Nhân dân.