Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Chương trình MTQG phát triển Kinh tế - Xã hội
vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
giai đoạn 2021-2030

Công tác Dân tộc - Chính sách dân tộc

Hơn 11 năm bám bản chăm sóc sức khoẻ cho Nhân dân

Trần Cao Anh - 00:26, 16/10/2022

Trong cuộc chiến và đẩy lùi bệnh tật, để bảo vệ sức khoẻ người dân đã có biết bao tấm gương cống hiến thầm lặng của đội ngũ y bác sĩ, nhân viên y tế ở những xã vùng cao. Y sỹ Nguyễn Văn Trúc, Trưởng Trạm y tế vùng cao xã Phước Thành, huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam, đang ngày đêm bám bản, bám làng để chăm sóc, bảo vệ sức khỏe người dân bản vùng cao là một điển hình.

Y sỹ Nguyễn Văn Trúc khám bệnh cho bà con dân bản xã Phước Thành
Y sỹ Nguyễn Văn Trúc khám bệnh cho bà con dân bản xã Phước Thành

Tốt nghiệp trung cấp y tế của Trường Cao đẳng Y tế Quảng Nam, Nguyễn Văn Trúc quyết định lên nhận công tác tại trạm y tế xã vùng cao Phước Thành, huyện Phước Sơn. Là xã vùng sâu, vùng xa cách trung tâm huyện hơn 60 km, đường đi lại còn nhiều khó khăn, điều kiện khí hậu khắc nghiệt. Xã Phước Thành có trên 95% dân số là đồng bào DTTS, tỷ lệ hộ nghèo cao. Do vậy, điều kiện chăm sóc sức khỏe cho đồng bào các dân tộc còn rất nhiều thiếu thốn. Thấu hiểu những khó khăn của bà con, anh Trúc luôn tìm cách khắc phục sự thiếu thốn về thuốc men, điều kiện cơ sở vật chất để chăm sóc sức khỏe cho Nhân dân. Nhiều năm qua, từ lãnh đạo xã, thôn đến mọi người dân bản đều biết ơn và yêu quý y sĩ Trúc như người con ưu tú của bản làng.

Ký ức về những ngày đầu gian khó...

Phước Thành là xã vùng cao, đặc biệt khó khăn của huyện miền núi Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam. Cách đây hơn chục năm, chỉ cần nghe đến xã Phước Thành của huyện Phước Sơn là nhiều người không khỏi “sởn da gà”. Khó khăn không phải chỉ con đường đi lại cheo leo, xa xôi hiểm trở, mà không ít người e ngại bởi nơi đây là "ổ" của các dịch bệnh: Sốt rét, thương hàn, dịch sởi, lỵ... Toàn xã có 04 thôn, bản với hơn 2.500 người dân, nhưng đường đi từ xã đến thôn bản có khi cũng cả tuần mới về được.

Ngày anh về nhận công tác, trạm y tế lúc bấy giờ chỉ là ngôi nhà mái lợp tôn, vách thưng ván ọp ẹp, không giường bệnh, không tủ thuốc, trang thiết bị chỉ gồm vài chiếc xi-lanh, chiếc panh, chiếc kéo; còn thuốc thì mỗi tháng đều đặn anh phải cuốc bộ gần 60 km đường rừng ra Trung tâm Y tế huyện, vừa giao ban, vừa lĩnh thuốc bỏ vào ba-lô rồi tự "cõng" về để phục vụ khám, chữa bệnh và cấp phát cho Nhân dân. Trạm trưởng Trúc cười vui, nụ cười cùng với câu nói nhẹ tênh trong cái lạnh như cắt da cắt thịt nơi núi rừng cao điệp trùng cuối những ngày đầu Đông.

Chị Nguyễn Thị Thảo Ly, y sĩ, đồng nghiệp, cũng là người bạn đời đã gắn bó với anh tại Trạm Y tế Phước Thành hơn 10 năm qua. Chị kể: "Cũng vất vả và gian nan lắm. Thời gian đầu, mình là người đồng bằng, nên dân bản chưa tin, mà chỉ tin vào thầy cúng, thầy mo, và pà dâu cùng những hủ tục mê tín dị đoan…khi ốm đau người dân rất ngại đến trạm y tế. Họ thường chọn cách ở nhà cúng bái hoặc tự chữa. Từ khi có y sĩ Trúc về công tác, người dân bản thường xuyên đến trạm y tế xã để khám, chữa bệnh. Những trường hợp bệnh nặng thì chuyển lên tuyến trên chứ không để ở nhà như trước nữa. Nhưng rồi thấy mình chữa bệnh, cấp thuốc miễn phí tận tình, nhiều khi đem cả tính mạng ra để “đánh cược”, mong sao người ốm được chóng khỏi, người đẻ khó được bàn tay mình đỡ... Sau mỗi lần khám bệnh, uống thuốc, sức khỏe người dân tốt hơn. Lâu dần, như mưa dầm thấm lâu, rồi cũng thành công. Dân bản từ chỗ tin thầy thuốc, chuyển thành quý mến lúc nào không hay".

Vợ chồng Trạm trưởng Nguyễn Văn Trúc đã bám núi, bám rừng, bám bản, men theo đường mòn đi và về suốt hơn 11 năm qua để cùng Nhân dân địa phương chống chọi, đẩy lùi dịch bệnh. Nhớ lại thời điểm cách đây hơn 10 năm, ông Hồ Văn Phức, Chủ tịch UBND xã Phước Thành, xúc động kể lại cho chúng tôi một thời kỳ gian khó trong công tác y tế xã. Khi ấy Trạm y tế xã được làm bằng gỗ chỉ có 2 gian. Cơ sở hạ tầng chưa đảm bảo, thiếu cán bộ, thiếu trang thiết bị và thuốc. Bởi vậy, mỗi khi có bệnh xảy ra, thì dễ bùng phát thành dịch, nhất là dịch dễ lây lan như: sốt rét, bạch hầu. Từ năm 2015, Trạm Y tế xã Phước Thành được xây mới nhà cấp 4, có 3 phòng làm việc, trang thiết bị được đầu tư mới. Trạm có 3 cán bộ, gồm 2 sỹ đa khoa, 1 nữ hộ sinh.

Với 11 năm công tác, thì có gần 8 năm anh Trúc làm Trưởng trạm Y tế xã. Với trách nhiệm là trưởng trạm, anh đã tham mưu cho UBND xã chỉ đạo thực hiện các mục tiêu chương trình y tế quốc gia, phòng chống dịch ở người, vệ sinh an toàn thực phẩm… Đặc biệt triển khai tốt công tác phòng, chống dịch, các chương trình y tế, tiêm chủng, khám bệnh và kê đơn phát thuốc cho người bệnh, tuyên truyền, kiểm tra công tác vệ sinh an toàn thực phẩm. Nhờ vậy hàng năm, công tác tiêm chủng của xã Phước Thành luôn đạt trên 96%.

Ngoài chuyên môn, Trạm trưởng Nguyễn Văn Trúc còn làm tốt công tác tuyên truyền trong tiêm chủng
Trạm trưởng Nguyễn Văn Trúc luôn làm tốt công tác tuyên truyền trong tiêm chủng

Nhiều năm qua, các bệnh truyền nhiễm trên địa bàn đã giảm đáng kể không có dịch bệnh lớn xảy ra. 

Người con ưu tú của bản làng

Những năm qua, các y sĩ, nhân viên y tế thôn bản... đã có mặt trên khắp các bản làng xa xôi hẻo lánh. Không chỉ có anh Trúc mà còn nhiều cán bộ y tế khác vẫn ngày ngày cống hiến cho sự nghiệp y tế vùng cao, họ luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe nhân dân. Đặc biệt là công tác quân dân y kết hợp. Để thay đổi tư duy, nếp nghĩ của một nhóm người đã khó, huống hồ, Phước Thành là xã vùng cao có tới 95% là đồng bào DTTS, dân số hơn 2.500 người. Phong tục tập quán, cách nghĩ riêng; diễn biến bệnh tật cũng rất khác nhau. Điều quan trọng hơn là người dân khi đau ốm đã tự tìm đến trạm y tế để được khám bệnh, cấp thuốc; trẻ con chưa được tiêm chủng là bố mẹ cõng xuống trạm y tế cho y sĩ Trúc, tiêm vắc-xin phòng bệnh. Các chị em tộc người Bhnoong (một nhánh dân tộc Gié Triêng) không còn ngại đến trạm y tế xin thuốc tránh thai, bao cao su, trái lại khi mang thai họ còn đến đăng ký vào sổ khám bệnh và theo dõi thai nghén định kỳ, khi chuyển dạ là đến trạm y tế xã sinh nở.

Anh Trúc bảo: "Ngày tôi mới về nhận công tác, Phước Thành được coi là xã "trắng" về y tế. Khi mình đến phải làm tất cả từ đầu, nên rất vất vả trong công tác tham mưu, vì lãnh đạo xã đều là người địa phương, trình độ văn hóa, kiến thức hiểu biết về y tế còn hạn chế; bên cạnh đó, họ còn bị ảnh hưởng bởi phong tục, tập quán lạc hậu của địa phương. Nhưng rồi thấy mình làm việc có hiệu quả, cứu chữa được nhiều ca bệnh khó. Lâu dần bà con cũng tin lời mình nói, tin những kế hoạch mình vạch ra và huy động các ban, ngành của xã và lãnh đạo các thôn cùng phối hợp thực hiện".

Trạm y tế xã Phước Thành gồm các hạng mục: Khối nhà trạm 2 tầng, 12 phòng và khối nhà công vụ 1 tầng, 4 phòng với tổng diện tích xây dựng gần 600m2
Trạm y tế xã Phước Thành

Già làng Hồ Văn Ngòi, là người chứng kiến y sĩ Trúc từ khi đặt những bước chân đầu tiên về xã cho đến bây giờ là một Trạm trưởng y tế có uy tín trong Nhân dân. Ông chia sẻ: "Y sĩ Trúc đã trải qua nhiều vất vả. Ban đầu còn nhiều bỡ ngỡ, chưa được cán bộ xã và người dân ủng hộ, nhưng anh cứ âm thầm một mình tự làm, tự đi vận động, thuyết phục, thậm chí, có khi đến nhà từng người bệnh, anh còn bị chửi mắng rồi đuổi về; không ít cuộc họp ở xã anh không được mời đến dự... Nhưng Trúc vẫn kiên trì và tâm huyết nên đã được “trả công” xứng đáng. Nhiều năm qua, từ lãnh đạo xã, thôn cho đến từng người dân đều biết ơn và yêu quý Trúc như người con ưu tú của bản. Ai cũng mong vợ chồng y sĩ Trúc gắn bó lâu dài với địa phương, để chăm sóc sức khỏe, chữa bệnh cho dân bản". 

Trao đổi với chúng tôi, Bác sĩ Nguyễn Hữu Long, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Phước Sơn chia sẻ: "Y sĩ Trúc được lãnh đạo xã và người dân tin yêu đến mức nhiều lần Ban Giám đốc Trung tâm y tế huyện đã cử anh đi học để nâng cao trình độ, hay chuyển công tác về huyện cho bớt khó khăn, vất vả. Nhưng mỗi lần có ý kiến thì cấp ủy, chính quyền xã và người dân đề nghị được “giữ” vợ chồng y sĩ Trúc ở lại. Bản thân Trúc cũng muốn gắn bó lâu dài với người dân trong xã; hơn 11 năm gắn bó với nghề, trải qua nhiều áp lực, vất vả với nghề nhưng Trúc luôn giữ được sự nhiệt huyết, tận tâm với công việc.

Những cống hiến của Trúc thật đáng trân trọng, anh không chỉ là một y sĩ giỏi về chuyên môn, nghiệp vụ, giàu về y đức mà còn là tấm gương sáng trong ngành y tế vùng cao. Chính nhờ sự gầy dựng và duy trì được uy tín để tạo được lòng tin yêu của bà con đã giúp Trúc triển khai thành công tất cả các Chương trình y tế quốc gia về thôn bản một cách có hiệu quả. Trong nhiều năm cống hiến tại trạm y tế xã, Trưởng trạm Nguyễn Văn Trúc đã được nhận nhiều bằng khen, giấy khen của các cấp.

Tin cùng chuyên mục
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh làm việc với UBND tỉnh Khánh Hòa

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh làm việc với UBND tỉnh Khánh Hòa

Chiều 16/12, Đoàn công tác của Ủy ban Dân tộc do Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh làm Trưởng đoàn có buổi làm việc với UBND tỉnh Khánh Hòa về việc triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS và miền núi.