Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Chuyện về bác sĩ Và Bá Tủa

Phạm Việt Thắng - 18:48, 03/11/2021

Tốt nghiệp Đại học Y Thái Bình, Và Bá Tủa được nhà trường mời ở lại công tác, nhưng bác sĩ người Mông Và Bá Tủa đã "lắc đầu" để về với bản làng. Về quê, nhận được lời mời ra huyện làm việc, anh lại "lắc đầu": “Mình về Nhôn Mai thôi, bà con chờ mình lắm”.

Bác sĩ Và Bá Tủa thăm khám cho một bệnh nhân
Bác sĩ Và Bá Tủa thăm khám cho một bệnh nhân

Bác sĩ “ba ngoại ngữ”

Tôi gặp bác sĩ Và Bá Tủa cách nay đã gần chục năm. Ngày ấy, để vào xã Nhôn Mai, huyện Tương Dương (Nghệ An), chỉ có một cách là bơi thuyền qua hồ thủy điện Bản Vẽ. Ngày đó tôi đánh đường đi gặp anh để tìm hiểu cái sự lạ đời: Một bác sĩ tít tận trong bản xa, được mời ra huyện công tác nhưng lại từ chối. Gần mười năm sau, Và Bá Tủa vẫn từ chối rời bản, chỉ vì “bà con chờ mình lắm”.

Thực ra, năm 1997, sau khi tốt nghiệp Trung cấp Y Nghệ An, anh đã được phân công làm Trạm trưởng Trạm Y tế xã Nhôn Mai. Không hài lòng với kiến thức đã có, anh quyết tâm thi vào Đại học Y Thái Bình. Năm 2006, tốt nghiệp đại học, anh được nhà trường mời ở lại công tác, nhưng Và Bá Tủa lắc đầu nguây nguẩy. “Mình không xa Nhôn Mai được, nhớ lắm và bà con cũng nhớ mình lắm”, bác sĩ Tủa tâm sự.

Vừa mân mê cái ống nghe bằng kền sáng loáng, bác sĩ Tủa nhỏ nhẹ: Hồi đó bà con chưa tin thầy thuốc lắm đâu, cứ có bệnh là lại mời thầy mo cúng bái. Vả lại, bà con ở đây biết rất ít tiếng Kinh, thậm chí có người không biết, do vậy mà họ không nói rõ ra được các triệu chứng của bệnh, rất nguy hiểm. Nghĩ đi nghĩ lại, mình không những không rời Nhôn Mai được, mà còn phải học thêm tiếng Khơ Mú nữa. Có biết tiếng thì mới chữa được bệnh cho bà con.

- Thế là bác sĩ Tủa biết những ba “ngoại ngữ”, tôi đùa vui.

Bác sĩ Tủa cười hiền từ: Phải học thôi. Phải biết tiếng thì mới hiểu được người bệnh đau ở đâu, triệu chứng gì… Đó là chưa kể, biết tiếng thì mình còn tuyên truyền cho bà con để họ tự biết bảo vệ sức khỏe, nói với họ không có con ma nào cả, mà chỉ có khám chữa bệnh mới thôi bệnh. Nhất là giải thích cho bà con hiểu, thầy mo không đuổi được con ma đâu, chỉ có y học mới chữa khỏi bệnh thôi.

Đoạn anh chùng giọng, nét mặt nghiêm nghị: “Bố mình cũng là một thầy mo có tiếng đấy. Nhưng từ ngày mình làm Trưởng trạm đến nay, ông ấy gần như thất nghiệp, rất ít người mời bố đi cúng”.

- Chắc ông cụ buồn lắm, anh nhỉ?

- Ồ không. Bố tôi bảo, tao không làm thầy mo nữa thì làm việc khác. Mày đi học về, đuổi được con ma cho bà con là tao vui lắm rồi.

Phải sắp xếp mãi, bác sĩ Tủa mới có chút thời gian rảnh rỗi để trò chuyện với chúng tôi
Phải sắp xếp mãi, bác sĩ Tủa mới có chút thời gian rảnh rỗi để trò chuyện với chúng tôi

“Thần y”

Cụ Và Liềng Inh ở bản Piêng Cọp, xã Mai Sơn - người từ cõi chết trờ về, cứ mãi tấm tắc về bác sĩ Tủa: Đúng là “Thần y”!

Số là cụ bị bệnh biếu cổ, đã sưng to lắm. Một bệnh viện ở tỉnh Nghệ An xác định cụ bị ung thư giai đoạn cuối và khuyên gia đình đưa cụ về nhà lo hậu sự. Trong những cơn vật vã, cụ luôn miệng gọi bác sĩ Tủa. Các con thương bố, vượt rừng về xã Nhôn Mai để mời anh Tủa. Khi cáng được cụ đế Trạm xá xã Nhôn Mai thì mặt trời cũng đã đi ngủ. Nhưng tiếng kêu la của cụ đã không cho phép bác sĩ Tủa được yên giấc. Anh nói với người nhà, nếu tin anh và cam kết thì anh sẽ mổ ngay trong đêm. Sau ba tiếng đồng hồ, khối u nặng chừng 3 kg đã bị hoại tử được anh lấy ra. “Thực ra cụ chỉ bị áp xe bướu cổ, chứ không phải ung thư như chẩn đoán của bệnh viện”, bác sĩ Tủa cười rõ tươi.

7 ngày điều trị, cụ Và Liềng Inh nhẹ nhõm ra về với chi phí chỉ hơn 700.000 đồng. Khỏe khoắn. Cụ Ing cho các con mời bằng được bác sĩ Tủa sang nhà để làm vía, nhưng anh Tủa đã từ chối. Thậm chí cụ ngỏ ý biếu anh mấy con gà, anh cũng lắc đầu. “Người ta đã tốn kém bao nhiêu là tiền đi viện, mình chỉ mất công có mấy tiếng đồng hồ thôi mà, nhận quà của họ có tội chết”, bác sĩ Tủa nhớ lại.

Sau đận ấy, cụ Liềng Inh tự đặt lại tên mình là Và Nhìa Sáu để nhớ ơn cứu mạng của Và Bá Tủa. Giọng cụ oang oang: “Ta và gia đình biết ơn bác sĩ Tủa lắm lắm. Nhờ bác sĩ Tủa mà ta được sống khỏe mạnh như ngày hôm nay”.

Và ngay cả khi phải bất đắc dĩ làm bác sĩ chấn thương chỉnh hình, Và Bá Tủa cũng không chùn tay. Đó là trường hợp Và Chá Xìa ở bản Cò Phạt, bị trúng đạn, dập hết khuỷu tay và đã hoại tử. Vì nhà quá nghèo, Xìa không có tiền đi bệnh viện, bác sĩ Tủa động viên Xìa đến Trạm xá để điều trị. Đúng một tháng, tay của Xìa trở lại gần như bình thường. Cảm động quá, cậu xin được kết nghĩa anh em với Tủa. Và cũng chính Xìa là người nhắc lại câu chuyện cứu một người Lào bị súng săn cướp cò.

 Hôm đó, đã gần nửa đêm, người ta cáng một bệnh nhân ở huyện Sầm Tớ (Lào) đến Trạm xá. Ông này bị ba viên đạn găm vào những vị trí rất nguy hiểm. Không một phút đắn đo, bác sĩ Tủa cho bệnh nhân lên bàn mổ ngay trong đêm. Đến 6 giờ sáng thì ba viên đạn đã được lấy ra, bệnh nhân người Lào đã được cứu sống.

Theo chân bác sĩ Tủa đi thăm bệnh cho một số bà con, mới hiểu tấm lòng của người thầy thuốc nơi thâm sơn cùng cốc này. Cụ Vi Văn Vinh, ở bản Nhôn Mai tuy đang rất mệt nhưng cười thật tươi: “Quen tai rồi, nghe tiếng xe, ta biết ngay là anh Tủa đến thăm bệnh. Chỉ có anh Tủa mới bắt huyết áp xuống được”. Còn cụ Phởn thì cứ nắm chặt tay bác sĩ Tủa mà rằng: Mấy lần cấp cứu cả đêm, anh Tủa mà không đến kịp thì ta “đi” lâu rồi…

Điện thoại bác sĩ liên lục reo. “Đưa đến Trạm xá ngay lập tức” - anh Tủa nói như ra lệnh với người nhà một bệnh nhân. Rồi giường bên này người rên la, giường bên kia người cáu bẳn, thế mà bác sĩ Tủa luôn nở nụ cười hồn hậu. Dù trao đổi bằng tiếng Mông, nhưng nhìn ánh mắt hài lòng của người bệnh, tôi hiểu được anh đã nói gì với họ…

Tin cùng chuyên mục
Ghi ở Sủa Cán Tỷ

Ghi ở Sủa Cán Tỷ

Theo chân Phó Chủ tịch xã Cán Tỷ - Sùng Mí De (huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang) chúng tôi tới thôn Sủa Cán Tỷ làm công tác chuẩn bị cho Ngày Hội Đại đoàn kết toàn dân. Trong lúc chuyện trò cùng Trưởng thôn Vàng Chứ Lềnh về sự đổi thay của thôn bản, ông ngỏ lời mời tôi lên thăm nhà của Lù Mí Thánh – một trong 3 hộ dân của thôn được Nhà nước hỗ trợ xây dựng nhà ở kiên cố trong năm 2023.