Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Tặng áo ấm cho học sinh, kết nối các trường vùng cao

PV - 11:16, 25/12/2020

Ngày 24/12, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Phùng Xuân Nhạ đã tới thăm và tặng quà một số trường học khó khăn trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn, khởi động cho chương trình “Điều ước cho em”.

Bộ trưởng GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ trao tặng áo ấm tới các học sinh Bắc Kạn
Bộ trưởng GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ trao tặng áo ấm tới các học sinh Bắc Kạn

Chương trình “Điều ước cho em” do Bộ GD-ĐT phối hợp Ban điều hành Đề án Hệ tri thức Việt số hóa của Chính phủ, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và các Bộ ngành liên quan triển khai.

Tại Trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học và THCS Nhạn Môn, huyện Pác Nặm, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã cùng các nhà hảo tâm trao tặng 389 chiếc áo ấm, 389 đôi ủng cho 389 học sinh và nhiều phần quà ý nghĩa, ấm áp tới thầy và trò nhà trường trị giá hơn 500 triệu đồng.

Bày tỏ sự xúc động được đến thăm và chia sẻ với những học sinh, giáo viên ở vùng khó khăn thông qua chương trình “ Điều ước cho em ”, Bộ trưởng cho biết, đây là chương trình rất có ý nghĩa, đặc biệt là đối với các vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi.

Theo Bộ trưởng, điều ước có nhiều, có những điều ước rất giản dị, thiết thực như các em có được bữa ăn trưa, chiếc áo ấm, có các điều kiện để học tập, sinh hoạt tốt hơn. Chương trình “Điều ước cho em” nhằm kết nối giữa các nhà trường, các cá nhân có điều kiện tốt hơn với những trường, điểm trường và những nơi thầy cô, học sinh còn nhiều khó khăn. Qua đó, chia sẻ, hỗ trợ cho các trường, điểm trường, học sinh vùng khó khăn về cơ sở vật chất, trường lớp, điện nước, nhà vệ sinh, các điều kiện học tập, đồ dùng, thiết bị và những điều kiện rất thiết yếu như bữa ăn trưa, áo ấm, chăn ấm…

“Chương trình này sẽ góp phần rất quan trọng để đưa học sinh đến trường và được học tập tốt hơn, giúp cho các thầy cô giáo ở những vùng khó khăn được cải thiện điều kiện làm việc… Với sự kết nối trực tiếp từ những cần được giúp đỡ tới những người có thể giúp đỡ, chương trình này sẽ kết nối được rất tốt và tạo ra được mạng lưới cộng đồng hỗ trợ lẫn nhau, chung tay để cùng phát triển sự nghiệp GD-ĐT”, Bộ trưởng nói.

Để việc kết nối đạt hiệu quả, theo Bộ trưởng, các trường phải rà soát để thống kê những điều kiện còn thiếu một cách chính đáng, để từ đó sẽ tập hợp chia sẻ trực tiếp tới những đơn vị, cá nhân có mong muốn hỗ trợ để họ lựa chọn các nội dung hỗ trợ phù hợp. “Bộ GD-ĐT sẽ nhận nhiệm vụ kết nối một cách rất minh bạch, kịp thời, đúng người, đúng việc, đúng nhu cầu của cả kênh hỗ trợ và kênh cần hỗ trợ”, Bộ trưởng nhấn mạnh. Một trong những kênh kết nối mà chương trình “Điều ước cho em” hướng đến là trường giúp trường, bạn giúp bạn, thầy cô giúp thầy cô, qua đó các nhà trường có cơ hội kết nghĩa với nhau, giúp nhau không phải chỉ một lần mà trong suốt quá trình tổ chức dạy và học và qua các năm.

Với cách làm này, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ tin trường, chương trình sẽ tạo ra được một sự chia sẻ bền vững chứ không phải chỉ hỗ trợ nhất thời. Bởi trong ngành Giáo dục có rất nhiều trường học có điều kiện hơn mong muốn được kết nghĩa, bảo trợ cho những trường có hoàn cảnh khó khăn, đặc biệt là ở miền núi. “Đây là xu hướng rất tốt để chủ trương này sẽ được nhiều trường, nhiều thầy cô và học sinh trong ngành Giáo dục hưởng ứng”, Bộ trưởng tin tưởng.

Ngoài chương trình tặng quà tại Trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học và THCS Nhạn Môn, huyện Pác Nặm, trong lần này, Bộ GD-ĐT còn tổ chức động thổ, khởi công sân trường, nhà vệ sinh, bếp ăn bán trú tại điểm Trường Slam Vè thuộc Trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học và THCS Nhạn Môn (huyện Pác Nặm) và khởi công bếp ăn bán trú tại điểm trường mầm non Nặm Lẩu, xã Sĩ Bình, huyện Bạch Thông.

Sau chương trình khởi động hôm nay, Bộ GD-ĐT sẽ tiếp tục triển khai chương trình này trên phạm vi toàn quốc với nhiều hoạt động kết nối thiết thực và hiệu quả./.

Tin cùng chuyên mục
Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Dù mới được thành lập nhưng các Câu lạc bộ (CLB) “Thủ lĩnh của sự thay đổi” tại huyện Đak Đoa (tỉnh Gia Lai) đã góp phần trang bị cho học sinh nhiều kiến thức, kỹ năng bổ ích để các em nói lên tiếng nói của mình và thay đổi nhận thức của thế hệ trẻ đồng bào DTTS ngay từ trên ghế nhà trường. Đặc biệt, các em còn là những hạt nhân tiên phong thay đổi nhận thức, xóa bỏ định kiến giới, từ đó dần xóa bỏ thói quen, tập tục lạc hậu ở thôn ấp, bản làng để cùng nhau vươn lên phát triển.