Nguyên nhân là do kinh phí đầu tư “nhỏ giọt”, chưa có sự quan tâm đúng mức của các cấp ngành. Do đó, công tác dạy và học của thầy trò vùng cao vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn.
Chậm tiến độ...Theo Quyết định 368/QĐ-UBND tỉnh Quảng Ngãi, đến năm 2020, toàn tỉnh phải thành lập 39 trường PTDT bán trú THCS, với tổng kinh phí thực hiện hơn 756,6 tỷ đồng. Thực hiện quyết định này, từ năm 2016, ngành giáo dục tỉnh đã chọn 20 điểm có số lượng học sinh nằm trong diện bán trú khẩn cấp, để thành lập trường PTDT bán trú THCS.
Thế nhưng, đến cuối năm 2017, chỉ thành lập được 17 trường, trong đó mới có 14 trường đủ điều kiện được cấp phép hoạt động.
Theo tìm hiểu, nguyên nhân chậm tiến độ xây dựng các trường PTDT bán trú THCS, là do các địa phương không cân đối được nguồn ngân sách. Trao đổi với chúng tôi, ông Võ Thìn, Phó Chủ tịch UBND huyện Sơn Tây cho hay: Theo kế hoạch, trong năm 2017, huyện thành lập 3 trường PTDT bán trú, đến nay mới thành lập được 2 trường. Theo quy định về xây dựng cơ sở vật chất, huyện chỉ trích kinh phí xây dựng cơ sở vật chất trường lớp học; còn kinh phí để xây dựng nhà ở, nhà ăn, mua sắm thiết bị bên trong và công trình nước sinh hoạt đều phải chờ nguồn của ngành giáo dục hoặc ngân sách tỉnh, nhưng hiện nay, nguồn này vẫn chưa được hỗ trợ.
Đây cũng là thực trạng chung khiến cho hàng trăm học sinh ở các huyện miền núi: Ba Tơ, Sơn Tây, Tây Trà... gặp khó khăn. Minh chứng như tại Trường Tiểu học và THCS Ba Giang (Ba Tơ) có 70 học sinh nằm trong diện phải ở bán trú do nhà ở xa trường từ 6-10km. Không có bán trú, những ngày mưa lớn, nước sông, suối dâng cao, các em phải nghỉ học, hoặc phải xin tá túc nhà dân quanh khu vực trường.
Để giải quyết bài toán về kinh phí, ông Trần Hữu Tháp, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Quảng Ngãi cho rằng, khi phân bổ kinh phí hằng năm, ngành tài chính nên chia phần trăm trong các nguồn chi theo Quyết định 368 để các huyện chi đầu tư thành lập trường bán trú.
Về phía Sở GD&ĐT, sẽ có văn bản chấn chỉnh một số trường hợp thực hiện việc thành lập trường PTDT bán trú chưa đúng quy trình, chưa đúng kế hoạch; Sở cũng sẽ đề nghị các huyện báo cáo về tình hình kinh phí đã thực hiện và sẽ thực hiện, nhu cầu kinh phí cần tiếp tục cho việc đầu tư xây dựng trường PTDT bán trú THCS... để có cơ sở tiếp tục tham mưu cho UBND tỉnh xem xét giải quyết.
Không đảm bảo chất lượngBên cạnh thiếu kinh phí thành lập trường PTDT bán trú THCS, thì ngay cả các trường đã có bán trú đang gặp khó khăn do cơ sở vật chất vừa thiếu, vừa xuống cấp. Tại điểm Trường Tiểu học &THCS Ba Xa (Ba Tơ), có 130 học sinh ở bán trú trong điều kiện các phòng khá chật chội, ẩm thấp. Thầy Nguyễn Duy Bắc, Hiệu trưởng cho biết: Do được thành lập trên cơ sở vật chất từ một trường phổ thông công lập cũ nên phòng ở, nhà vệ sinh, nhà bếp, nhà ăn cho các em đều khá tạm bợ. Toàn trường có 181/282 em thuộc diện phải ở bán trú, nhưng mới giải quyết được chỗ ở cho 130 em/6 phòng. Số còn lại các em phải tá túc nhà dân xung quanh trường hoặc đành về nhà, dù đường xa.
Ở huyện miền núi Minh Long, chất lượng phòng ở bán trú cho học sinh một số trường cũng không khá hơn. “Do cơ sở vật chất thiếu thốn nên chỉ thu xếp được cho 26/135 en học sinh được ở bán trú. Khu bán trú không có nhà ăn, bếp nấu, nhà vệ sinh và cán bộ cấp dưỡng cũng không có nên các em phải tự lo nấu ăn buổi tối, còn buổi trưa, nhà trường hợp đồng với người dân để nấu cho các em ăn tạm”, thầy Nguyễn Anh Tuấn, Hiệu Trưởng trường PTDT bán trú Long Môn cho hay.
Có thể nói, những khó khăn về nhà bán trú đã ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng học tập và cuộc sống của các em học sinh. Thiết nghĩ, các ngành chức năng của tỉnh Quảng Ngãi cần nhanh chóng gỡ “nút thắt” về kinh phí để việc xây dựng các trường PTDT bán trú THCS theo đúng lộ trình, qua đó từng bước nâng cao chất lượng giáo dục cho các huyện miền núi trong tỉnh.
ĐẠT THÀNH NHÂN