Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Hỗ trợ học sinh bán trú ở địa bàn vừa thoát nghèo: Cần có sự tiếp sức mới

PV - 14:50, 14/11/2018

Khi điều kiện kinh tế của nhiều gia đình vẫn còn nghèo khó, nhưng địa phương lại được công nhận thoát khỏi tình trạng ĐBKK; vì thế nhiều chính sách hỗ trợ hộ nghèo bị “cắt”, trong đó có chính sách hỗ trợ học sinh bán trú. Nguy cơ hàng nghìn học sinh phải bỏ học đang hiện hữu ở rất nhiều địa phương trên cả nước.

Bỏ học vì địa phương thoát nghèo!

Năm học 2016-2017, theo thống kê, toàn tỉnh Quảng Nam có 5.812 học sinh được thụ hưởng chế độ hỗ trợ học tập theo Nghị định 116/2016/NĐ-CP (Nghị định 116). Nhưng bước sang năm học 2017-2018, toàn tỉnh có 1.843 trường hợp (699 học sinh THPT, 1.144 học sinh tiểu học và THCS) bị “cắt” chế độ hỗ trợ.

Dù địa phương thoát khỏi tình trạng ĐBKK nhưng học sinh DTTS ở những địa bàn này vẫn cần được trợ sức để theo đuổi việc học. (Ảnh minh họa) Dù địa phương thoát khỏi tình trạng ĐBKK nhưng học sinh DTTS ở những địa bàn này vẫn cần được trợ sức để theo đuổi việc học.
(Ảnh minh họa)

Năm học 2018-2019, số học sinh thuộc diện hỗ trợ học tập theo Nghị định 116 ở Quảng Nam tiếp tục giảm xuống. Cụ thể, theo danh sách học sinh trung học phổ thông được hưởng chính sách hỗ trợ theo Nghị định 116 năm học 2018-2019 được UBND tỉnh Quảng Nam phê duyệt ngày 06/11/2018, toàn tỉnh có 3.058 em. So với năm học 2016-2017, thì năm học này có 2.754 học sinh bị “cắt” chế độ hỗ trợ học tập.

Một trong những nguyên nhân chính khiến nhiều học sinh bị “cắt” chế độ hỗ trợ học tập, là do địa bàn các em sinh sống đã thoát khỏi tình trạng ĐBKK. Theo số liệu của Ban Dân tộc tỉnh, từ năm 2017, toàn tỉnh có 93 thôn, 18 xã thuộc 9 huyện miền núi của tỉnh đã ra khỏi diện nghèo. Chiếu theo quy định của Nghị định 116 thì, học sinh ở địa bàn đã thoát nghèo sẽ không tiếp tục được thụ hưởng chế độ hỗ trợ học tập.

Theo ông Hồ Thanh Tân, Phó Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Quảng Nam, các thôn bản, xã trên địa bàn tuy đã ra khỏi diện nghèo, nhưng điều kiện kinh tế-xã hội còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo còn cao. Việc không được hưởng chế độ hỗ trợ đã tác động đến việc học tập, huy động học sinh ra lớp, nguy cơ bỏ học của học sinh thuộc đối tượng này là khá lớn.

Trên thực tế, học sinh bỏ học vì địa phương thoát khỏi diện nghèo đã xảy ra trên thực tế. Năm học 2017-2018, chỉ tính trên địa bàn huyện Tây Giang (Quảng Nam) có 371 học sinh không thuộc diện thụ hưởng Nghị định 116 do có hộ khẩu ở địa bàn đã thoát nghèo, nhiều học sinh đã bỏ học. Ở Trường THPT Tây Giang, vào đầu năm học 2017-2018, sau khi nghe công bố danh sách hưởng chế độ, toàn trường đã có trên 40 học sinh bỏ học.

Năm học 2018-2019, tình trạng học sinh ở các địa bàn miền núi phải bỏ học do gia đình các em quá nghèo, dù chưa có số liệu thống kê nhưng cũng đang ở mức báo động. Chỉ tính ở Trường PTDTBT THCS Nguyễn Văn Trỗi (xã A Tiêng, huyện Tây Giang), năm học này nhà trường có tới 260 trong tổng số 266 học sinh bị cắt hỗ trợ; hiện đã có 22 học sinh nghỉ học giữa chừng.

Chỉ là giải pháp tạm thời

Tình trạng học sinh phải nghỉ học do địa phương ra khỏi diện nghèo không phải là cá biệt ở Quảng Nam mà cũng xảy ra ở nhiều địa phương khác trên cả nước. Theo số liệu của Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, tính đến tháng 8/2018, cả nước đã có 21/2.139 xã thuộc Chương trình 135 hoàn thành tiêu chí nông thôn mới; có 19/291 xã ĐBKK vùng bãi ngang ven biển và hải đảo thoát khỏi diện nghèo.

Cùng với đó là hàng trăm thôn ấp, xóm bản thoát khỏi tình trạng ĐBKK. Điều này cũng đồng nghĩa hàng nghìn học sinh ở các địa bàn này sẽ không được thụ hưởng chính sách hỗ trợ học tập theo Nghị định 116.

Theo Nghị định 116, học sinh có hộ khẩu thường trú ở địa bàn ĐBKK sẽ được hỗ trợ 520 nghìn đồng/học sinh/tháng và 15kg gạo/học sinh/tháng. Nhưng khi địa phương nơi học sinh thường trú thoát nghèo, thì các em không được nhận nguồn hỗ trợ này của Nhà nước nữa.

Để học sinh không thuộc diện thụ hưởng chế độ tiếp tục học tập, ngành Giáo dục và chính quyền một số địa phương đã kịp thời triển khai những giải pháp mang tính tạm thời. Như ở huyện Than Uyên (Lai Châu), năm 2017, xã Ta Gia ra khỏi Chương trình 135; theo đó trên địa bàn có 289 học sinh không được hưởng chế độ ăn bán trú. Quyết tâm duy trì tỷ lệ học sinh đến trường, cấp ủy, chính quyền, các trường học xã Ta Gia đã tổ chức kêu gọi các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp ủng hộ, giúp đỡ; vận động cán bộ, giáo viên cùng chung tay, chia sẻ trực tiếp bằng tiền, gạo.

Thậm chí các trường còn tích cực tăng gia, sản xuất, cải thiện bữa ăn, đảm bảo nuôi dưỡng học sinh bán trú. Xây dựng mô hình tăng gia, sản xuất như: Trường PTDTBT THCS xã Tà Mung nuôi lợn, ngan, cá, trồng rau; Trường PTDTBT THCS xã Ta Gia nuôi ếch, lợn, cá, trồng rau…

“Chính quy” hơn là cách làm ở huyện Tây Giang (Quảng Nam). Từ năm học 2017-2018, huyện đã trích ngân sách địa phương để hỗ trợ mỗi học sinh 360 nghìn đồng và 10kg gạo/tháng. Việc này đã góp phần giảm thiểu tình trạng học sinh bỏ học.

Tuy nhiên, đây chỉ là những giải pháp tình thế, tạm thời. Ngay cả biện pháp rất “chính quy” như ở Tây Giang cũng không thể kéo dài. Do địa phương còn nghèo, nguồn kinh phí hạn hẹp nên Tây Giang chỉ duy trì việc hỗ trợ học sinh đến hết năm 2017, còn năm 2018 chỉ biết trong chờ vào sự hỗ trợ của tỉnh Quảng Nam và từ Trung ương. Hơn nữa, chính quyền cấp huyện không có thẩm quyền ban hành chính sách hỗ trợ riêng, mà phải thông qua HĐND tỉnh mới có cơ chế thực hiện.

Việc nhiều địa phương thoát khỏi tình trạng ĐBKK là minh chứng cho hiệu quả đầu tư của nguồn lực từ các chương trình, dự án. Nhưng sau khi ra khỏi diện nghèo, nhiều địa phương chưa thể tự đứng vững, trong đó có lĩnh vực giáo dục. Được biết, ngày 21/10/2018, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định 1385/QĐ-TTg, phê duyệt Đề án hỗ trợ thôn, bản, ấp của các xã ĐBKK khăn khu vực biên giới, vùng núi, vùng bãi ngang ven biển và hải đảo xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững giai đoạn 2018-2020. Đây có thể sẽ là một cơ sở pháp lý để các địa phương xây dựng chính sách đặc thù hỗ trợ học sinh có hộ khẩu ở những địa bàn đã ra khỏi diện nghèo tiếp tục được thụ hưởng chế độ hỗ trợ học tập, không vì quá khó khăn mà phải bỏ học giữa chừng.

SỸ HÀO

Tin cùng chuyên mục
Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Dù mới được thành lập nhưng các Câu lạc bộ (CLB) “Thủ lĩnh của sự thay đổi” tại huyện Đak Đoa (tỉnh Gia Lai) đã góp phần trang bị cho học sinh nhiều kiến thức, kỹ năng bổ ích để các em nói lên tiếng nói của mình và thay đổi nhận thức của thế hệ trẻ đồng bào DTTS ngay từ trên ghế nhà trường. Đặc biệt, các em còn là những hạt nhân tiên phong thay đổi nhận thức, xóa bỏ định kiến giới, từ đó dần xóa bỏ thói quen, tập tục lạc hậu ở thôn ấp, bản làng để cùng nhau vươn lên phát triển.