Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Chương trình MTQG phát triển Kinh tế - Xã hội
vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
giai đoạn 2021-2030

Tà Long - Từ vùng đất đẹp đến vùng đất giàu

Tiêu Dao - 09:24, 06/08/2024

Giữa màu xanh thăm thẳm của rừng, những bản làng của người Bru Vân Kiều trên cung đường Hồ Chí Minh lịch sử đang từng ngày đổi thay. Và ở đó có những người phụ nữ dũng cảm đứng lên làm kinh tế, xóa nghèo, xóa đi những quan niệm lạc hậu bao đời.

Thay đổi nếp nghĩ, cách làm

Ngược ngàn phía triền tây Quảng Trị, trong thăm thẳm rừng xanh là con đường Hồ Chí Minh huyết mạch nối Quảng Trị và Thừa Thiên Huế. Ở đó, đồng bào Bru Vân Kiều, Pa Cô hay Pa Hy (thuộc dân tộc Tà Ôi) trong các bản làng vẫn ngày đêm cần mẫn, chăm chỉ vươn lên từng ngày. 

Đồng bào Bru Vân Kiều trang trí biển chỉ dẫn vào suối A Lao.
Đồng bào Bru Vân Kiều trang trí biển chỉ dẫn vào suối A Lao

Xã Tà Long, huyện Đăk Rông hiện có 674 hộ với 3.541 nhân khẩu, có 4 dân tộc anh em cùng sinh sống, trong đó dân tộc Bru Vân Kiều chiếm 84%; người Pa Cô 0,6%; Pa Hy 12% và Kinh 3,5%. Những năm qua, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước thông qua nhiều chương trình hỗ trợ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, các cấp chính quyền đã vận động, hướng dẫn người dân phát triển nông nghiệp, khai hoang đất trồng lúa nước, trồng rừng, hình thành các vùng chuyên canh trồng chuối, trồng sắn, chăn nuôi trâu, bò, lợn, dê, nuôi cá nước ngọt…

Chính quyền các cấp cũng đã khích lệ bà con vươn lên thoát nghèo, làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất; tổ chức tập huấn, dạy nghề cho trên 800 lượt hội viên; phối hợp với các ngân hàng hỗ trợ nông dân vay vốn phát triển sản xuất và nâng cao đời sống. Theo đó, toàn xã Tà Long có 34 hộ nông dân vươn lên làm ăn khá giả. Điển hình như anh Hồ Văn Tư (thôn Trại Cá) từ hộ nghèo nay đã vươn lên khá giả. 

Hay như trường hợp gia đình anh Hồ Văn Dơ, thôn Ly Tôn, được vay vốn 10 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội để đầu tư phát triển chăn nuôi. Hiện nay, mỗi năm, gia đình anh bán ra thị trường từ 1 - 1,5 tấn lợn thịt, lãi ròng trên 10 triệu đồng. Anh còn đầu tư nuôi gần 20 con trâu, bò, hàng trăm con gà, vịt và đào ao nuôi cá.

Phụ nữ Vân Kiều chế biến các món ăn dân dã mang hương vị núi rừng nhưng đảm bảo ngon, an toàn vệ sinh thực phẩm phục vụ du khách.
Phụ nữ Vân Kiều chế biến các món ăn dân dã mang hương vị núi rừng nhưng đảm bảo ngon, an toàn vệ sinh thực phẩm phục vụ du khách

Cùng với đó, anh Dơ còn vay vốn đầu tư vào trồng rừng. Đến nay, anh đã sở hữu trên 10ha rừng tràm, cải tạo thành công 10 sào ruộng trồng lúa nước và 1 ha đất trồng hoa màu như ngô, sắn, đậu các loại. Có vốn, anh đầu tư mua 1 xe ô tô tải nhỏ làm dịch vụ kinh doanh buôn bán và thu mua nông sản, đồng thời vận chuyển hàng hóa phục vụ nhu cầu người dân địa phương. Từ mô hình kinh tế tổng hợp, gia đình anh Hồ Văn Dơ đã vươn lên khá giả.

Đầu tư phát triển du lịch cộng đồng

Xã Tà Long nằm bên quốc lộ 14 trên con đường Hồ Chí Minh huyền thoại. Đây là xã rẻo cao với phong cảnh thiên nhiên hữu tình, những mái nhà sàn nhỏ xinh dựa lưng vào núi, những ruộng lúa nếp xanh rì. Những cánh rừng nguyên sinh quanh năm mây phủ. Các bản làng của người Bru Vân Kiều, Pa Kô ở đây vẫn bảo tồn được bản sắc văn hóa của riêng mình, đồng bào tự chăn nuôi trồng trọt, sống bình dị giữa thiên nhiên trong lành, khoáng đạt. Đặc biệt, thôn Tà Lao có hệ thống ghềnh thác, khe suối chảy quanh co giữa những khu rừng nguyên sinh cùng thảm thực vật tự nhiên phong phú, đa dạng và quý hiếm, là tiềm năng để khai thác các hoạt động du lịch sinh thái, du lịch khám phá.

Chị Hồ Thị Thương sáng lập tour du lịch với giá chỉ 199k ở Tà Long.
Chị Hồ Thị Thương sáng lập tour du lịch với giá chỉ 199k ở Tà Long

Chị Hồ Thị Thương - Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Tà Long là người khởi xướng cho du lịch Tà Long phát triển bằng một bài dự thi khởi nghiệp năm 2019. Và chính chị đã biến ước mơ của người dân Tà Long trở thành hiện thực. Con suối A Lao 2 năm trở lại đây đã trở thành điểm đến hấp dẫn của du khách khi về với miền tây Quảng Trị. Chỉ với mức giá 199 ngàn đồng cho 1 ngày trải nghiệm tại đây, du khách được thưởng thức ẩm thực, trải nghiệm văn hóa, trang phục và lối sống độc đáo của bà con Vân Kiều. 

Để khai thác du lịch Tà Long hiệu quả hơn, chị Thương đã vận động các hộ gần suối chế biến các món ăn dân dã mang hương vị núi rừng, bảo đảm ngon, an toàn vệ sinh thực phẩm. Hiện tại, chị Hồ Thị Thương đã lập ra một đội hoạt động du lịch tại Tà Long với 16 người, chủ yếu là phụ nữ Bru Vân Kiều tại địa phương, tạo thu nhập ổn định cho chị em từ 7 - 10 triệu đồng/tháng/người.

Suối A Lao xã Tà Long trở thành địa điểm du lịch lý tưởng ở phía tây Quảng Trị.
Suối A Lao xã Tà Long trở thành địa điểm du lịch lý tưởng ở phía tây Quảng Trị.

Cùng với việc phục vụ du lịch, Chủ tịch Hội LHPN xã Tà Long còn xây dựng gian hàng nông sản tại khu vực trung tâm xã, giúp bà con có điểm để giới thiệu, bày bán nông sản núi rừng. Chị Thương cùng chị em trong đội du lịch của địa phương đã tận dụng mạng xã hội để giúp người dân địa phương bán nông sản Online, quảng bá du lịch địa phương. Chị cùng chính quyền địa phương đang hoàn thiện tuyến tour du lịch, phục hồi các lễ hội, nghề truyền thống, đồng thời kết hợp với các hộ dân mở Homestay để giữ chân du khách đến tìm hiểu, trải nghiệm, nghỉ lưu trú. 

Tin cùng chuyên mục
Cà Mau: Chú trọng thực hiện hiệu quả Chương trình MTQG 1719

Cà Mau: Chú trọng thực hiện hiệu quả Chương trình MTQG 1719

Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030; giai đoạn I: Từ năm 2021 - 2025 (gọi tắt là Chương trình MTQG 1719) đã và đang phát huy hiệu quả trên nhiều lĩnh vực về đời sống kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS tỉnh Cà Mau. Minh chứng như việc triển khai hiệu quả Dự án 1 của Chương trình, đã góp phần giải quyết cơ bản việc thiếu đất ở, nhà ở và nước sinh hoạt trong vùng đồng bào DTTS ở địa bàn khó khăn.